Multimedia Đọc Báo in

Những con đường mới ở Quảng Điền

09:53, 04/01/2011

Xã Quảng Điền, huyện Krông Ana hôm nay nhộn nhịp trong không khí người dân địa phương vừa vinh dự đón nhận danh hiệu Xã văn hóa cấp huyện.  Hầu hết cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm trên địa bàn đều được đầu tư khang trang, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn nội vùng.

Xã Quảng Điền có 1.558 hộ, với 7.402 nhân khẩu, được chia thành 5 thôn. Kinh tế chính của địa phương là nông nghiệp, trong đó cây trồng chủ lực là lúa nước. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây vẫn sẵn sàng tham gia ngày công, đóng góp kinh phí để mở rộng đường làng ngõ xóm.

 “Trước đây, mọi tuyến đường nội vùng ở Quảng Điền đều chật hẹp, có nơi dốc cao, rất khó khăn trong việc đi lại của người dân. Giao thương với bên ngoài hạn chế, kinh tế không phát triển, đói nghèo triền miên, nhất là mỗi lần vào vụ mùa. Kinh tế kém phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng nghèo nàn… Nhận thấy đó là cản trở làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ở địa phương, UBND xã đã tích cực phát động toàn dân cùng tham gia làm giao thông nông thôn trong nhiều năm liên tiếp” - anh Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Điền cho biết.

Đường vào thôn 1 xã Quảng Điện đã được nhựa hóa.
Đường vào thôn 1 xã Quảng Điện đã được nhựa hóa.

Trên tinh thần tự nguyện tự giác cùng với việc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, hằng năm xã Quảng Điền huy động được hàng trăm ngày công vào công tác tu sửa, nâng cấp các tuyến đường liên, nội thôn. Đó được xem là hoạt động thường niên của địa phương này, góp phần thay đổi diện mạo của một xã thuần nông như Quảng Điền. Điển hình trong công tác làm giao thông nông thôn là thôn 1 - thôn có 4,5 km đường nội thôn, khoảng 2 km đường liên thôn, trong đó chủ yếu đường cấp phối. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, người dân ở đây đã đóng góp trên 200 triệu đồng để mở rộng, nhựa hóa các tuyến đường này. Trong quá trình vận động bà con đóng góp kinh phí làm đường, để hợp lý hợp tình, Ban tự quản thôn đã đưa ra mức đóng góp phù hợp. Cụ thể, đối với những hộ gia đình ở gần mặt đường thì đóng góp cao hơn những hộ ở khu vực phía sau. Anh Nguyễn Hiển Bình, thôn trưởng thôn 1 chia sẻ: “Ban đầu cứ nghĩ với điều kiện người dân chẳng mấy dư dả gì nên việc vận động sẽ gặp khó khăn, nào ngờ được mọi người đồng tình hưởng ứng đông đảo. Lúc quyết định nhựa hóa tuyến đường liên thôn 1 và 2, Ban tự quản thôn và người dân đã thống nhất trung bình mỗi hộ là 360.000 đồng, còn đối với những hộ ở gần mặt đường thì đóng góp thêm theo tổng chiều dài tiếp xúc với đường, cứ mỗi mét vườn nằm cạnh mặt đường thì đóng thêm 95.000 đồng. Bởi vậy, có hộ đóng tới 3 đến 5 triệu đồng. Dù mức đóng góp cao so với kinh tế của từng hộ, nhưng tất cả đều tham gia nhiệt tình và đóng góp đầy đủ”.

Trong sự vui mừng khi có con đường mới phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, thông thương giữa thôn với bên ngoài, anh Lương Phú Châu, người dân thôn 1 cho hay, vườn nhà anh có chiều dài nằm kề mặt đường khoảng 43 mét nên gia đình anh đóng góp gần 4,5 triệu đồng. Đối với anh, đó là khoản tiền lớn, nhưng vì lợi ích lâu dài nên gia đình sẵn sàng đóng góp. Cũng như gia đình anh Châu, gia đình chị Lê Thị Nga đóng góp trên 3 triệu đồng để làm đường liên thôn. Với chị, có tốn kém một số tiền, nhưng được cái lợi lâu dài: con cái đến trường thuận lợi hơn, đến vụ mùa chở hàng hóa, nông sản cũng thêm dễ dàng, thuận tiện.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua công tác làm đường giao thông nông thôn thực sự trở thành làn sóng sâu rộng trên địa bàn xã Quảng Điền. Ở khu dân cư nào chưa có kinh phí để bê tông hóa, nhựa hóa thì người dân hăng hái tham gia ngày công, hay đơn giản mỗi hộ đóng góp khoảng 50 đến 100 nghìn đồng để tu sửa các tuyến đường nội thôn. Bên cạnh đó, các hộ dân còn tự nguyện tháo dỡ các công trình như bờ tường, hàng cây nhà mình để thuận tiện cho việc mở rộng đường làng ngõ xóm.

Từ việc phát triển hệ thống GTNT ở Quảng Điền đã có tác động lớn đến việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở giao thông đã hình thành, ở hầu hết các thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải hàng hóa, trang trại chăn nuôi… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây.

 

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc