Multimedia Đọc Báo in

Những cung đường mang mùa Xuân đến

15:27, 07/02/2011

Trong những năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân nhiều địa phương đã đóng góp tiền của và công sức để làm đường giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại và góp phần phát triển kinh tế - xã hội làm thay đổi bộ mặt nông thôn…

Sức dân ở Ea Nam
Vào những ngày đầu năm mới, nếu có dịp ghé thăm xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những con đường cấp phối, bê tông, thảm nhựa thẳng tắp, rộng mở đến tận hộ gia đình. Đó chính là kết quả của việc huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn.

Tuyến đường nội buôn Kdrúh (xã Ea Nam, huyện Ea H'leo) được đầu tư nâng cấp cạp điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân. (Ảnh: Nguyễn Xuân)
Tuyến đường nội buôn Kdrúh (xã Ea Nam, huyện Ea H'leo) được đầu tư nâng cấp cạp điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân. (Ảnh: Nguyễn Xuân)

Xã Ea Nam có 20 thôn, buôn nhưng phân bố rải rác dọc theo Quốc lộ 14. Trước đây, hệ thống đường giao thông nông thôn chưa thuận lợi nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Để khắc phục tình trạng này, những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể của xã đã chú trọng việc huy động nguồn lực trong dân làm đường giao thông. Nhờ chủ trương đúng đắn, thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của người dân nên được đông đảo bà con hưởng ứng, tạo thành một phong trào và có sức lan tỏa rộng. Xã đã thành lập ban chỉ đạo, các khu dân cư cũng bầu ra ban vận động, ban xây dựng và ban giám sát công trình, trong đó thành viên là đảng viên và quần chúng có uy tín được nhân dân tín nhiệm. Các đoàn thể, mặt trận trong xã, thôn phối hợp chặt chẽ đi sâu phổ biến, tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân. Đài truyền thanh xã đã tập trung tuyên truyền về chủ trương này. Đồng thời, các thôn, buôn tiến hành họp dân, lấy ý kiến đóng góp bàn bạc dân chủ. Ngoài ra, ban tự quản các thôn, buôn còn giao nhiệm vụ cho ban vận động đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động đóng góp; ban xây dựng công trình công khai các khoản tài chính để nhân dân giám sát, kiểm tra. Nhờ vậy, việc triển khai làm đường giao thông liên thôn, buôn đã đạt kết quả cao.

Đơn cử như từ đầu năm 2010 trở về trước, tuyến đường nội thôn Ea Ksô có chiều dài 2,2 km bị xuống cấp nghiêm trọng. Người dân thường gọi đây là “con đường đau khổ” vì mặt đường chỉ rộng 2-3m, qua nhiều năm sử dụng không được tu sửa nên ngày càng thêm nhiều ổ voi, ổ gà, mùa nắng bụi mù, mùa mưa lầy lội, xói lở ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và sinh hoạt của người dân. Từ chủ trương của xã và tình hình thực tế của thôn, ban tự quản, các đoàn thể đã thống nhất chủ trương huy động sức dân để nâng cấp, cải tạo lại con đường. Trưởng thôn Đào Khắc Hiệp thổ lộ, nhờ được tuyên truyền, vận động và phát huy quyền làm chủ nên người dân đồng tình ủng hộ, tham gia nhiều ý kiến thiết thực từ mức đóng góp, thi công, giám sát công trình. Theo đó, hộ có đất đóng theo diện tích 260.000 đồng/sào, xe cày 300.000 đồng/chiếc. Những gia đình neo đơn, người già, hộ khó khăn sẽ được miễn giảm. Nhờ vậy, thôn Ea Ksô đã huy động được 230 triệu đồng và 300 ngày công để kiên cố hóa đường nội thôn. Với cách làm tương tự trên, trong 2 năm 2009 và 2010, xã Ea Nam đã huy động người dân đóng góp 650 triệu đồng và 5.000 ngày công để sửa chữa, nâng cấp 23 km đường giao thông nông thôn. Cùng với việc đóng góp cải tạo các tuyến đường, công tác duy trì, bảo dưỡng đã được chính quyền và người dân quan tâm đúng mức. Những con đường làm xong được giao trực tiếp cho các thôn, buôn chịu trách nhiệm quản lý, sửa chữa.

Cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea H'leo kiểm tra tiến độ làm đường giao thông tại xã Ea Nam, huyện Ea H'leo. (Ảnh: N.X)
Cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea H'leo kiểm tra tiến độ làm đường giao thông tại xã Ea Nam, huyện Ea H'leo. (Ảnh: N.X)

Một điều đáng ghi nhận nữa là khi phong trào làm đường giao thông được phát động, các hộ dân buôn Kdrúh và các thôn 1, 2, 5, 5A, buôn Briêng A, B, C đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, hoa màu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công mở rộng mặt đường. Ông Y Ble Kpă ở buôn Kdrúh chia sẻ: “Mình tham dự họp dân nghe lãnh đạo xã thông báo buôn được đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm 3 km đường nhựa nên mừng lắm. Gia đình đã thống nhất chặt bỏ cà phê, di dời hàng rào để mở rộng mặt đường mà không đòi hỏi đền bù. Nhà mình còn tự mua và đặt cống thoát nước nữa. Hơn 110 hộ trong buôn đều làm như vậy cả. Từ ngày có đường nhựa, trẻ con đi học thuận tiện lắm, xe cày chở cà phê cũng không lo bị lật nữa”.

Bà Phạm Thị Hạnh, Quyền Chủ tịch UBND xã Ea Nam cho biết: Xác định giao thông phải đi trước một bước mới đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xã đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông, trong đó chú trọng việc huy động sức dân. Giải pháp chính mà Ea Nam thực hiện để huy động sức dân là phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực vận động, đóng góp vốn xây dựng công trình. Với những kết quả đã đạt được, Ea Nam bây giờ đã có một diện mạo mới, bộ mặt nông thôn đổi thay đáng kể. Ý Đảng hợp lòng dân, đó chính là điều cốt lõi để Ea Nam phát huy được sức dân trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Chương trình 135 tiếp sức cho vùng quê nghèo
Những ngày cuối năm, trở lại Dang Kang (huyện Krông Bông) mới thấy một sự đổi thay kỳ diệu. Đó là những con đường cấp phối rộng thênh thang, đang chờ đón mùa Xuân về.

Xã Dang Kang có 1.234 hộ, với 6.263 nhân khẩu, chia thành 8 thôn, buôn. Trước đây, cơ sở vật chất của xã nghèo nàn, nhất là hệ thống giao thông không bảo đảm đã gây nhiều trở ngại cho hoạt động của người dân nơi đây. Từ khi Chương trình 135 đến với vùng quê này, đã góp phần làm thay đổi căn bản nhận thức về tập quán canh tác, sản xuất và tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, góp phần cải thiện đời sống người dân. Xã đã tập trung đầu tư  xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó phong trào làm đường giao thông được địa phương chú trọng đúng mức. Năm 2010, nguồn vốn gần 800 triệu đồng (trong đó vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II là 695 triệu đồng, số còn lại từ ngân sách của xã) đã dành cho việc đầu tư xây dựng được trên 2,2km đường cấp phối. Chương trình 135 thực hiện đạt hiệu quả như ngày nay là nhờ vào sự đóng góp của nhân dân trên địa bàn. Trước hết, phải kể đến sự đóng góp của Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh… Năm 2010, Đoàn thanh niên xã đã ra quân huy động 250 ngày công để sửa chữa, nâng cấp tuyến đường giao thông nội vùng buôn Dang Kang với chiều dài 360 mét. Hội Cựu chiến binh cũng vận động được 114 ngày công, với 48 lượt xe công nông làm đường giao thông nội đồng từ thôn 3 ra cánh đồng 1 vụ. Với tinh thần nhà nhà, người người cùng tham gia làm đường giao thông nông thôn, tất cả các hộ dân trên địa bàn xã đã tự nguyện tháo dỡ bờ rào, chuồng nuôi gia súc và cây cối để mở rộng đường. Anh Y Che Byă, Phó Chủ tịch HĐND xã phấn khởi nói, do người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng đường giao thông nên họ tham gia rất nhiệt tình, tạo thành một làn sóng sâu rộng ở mỗi thôn, buôn. Nhà nào có xe công nông thì huy động một người một xe, nhà nào không có xe thì 2 đến 3 người tham gia ngày công để làm đường. Không những tự nguyện làm đường ở khu vực nội thôn, buôn mà người dân còn tự nguyện phát dọn cây cối, trả lại hành lang giao thông cho Tỉnh lộ 9 (đoạn qua địa bàn), bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên đoạn đường này.

Đường vào buôn Dang Kang, xã Dang Kang, huyện Krông Bông. (Ảnh: H.T)
Đường vào buôn Dang Kang, xã Dang Kang, huyện Krông Bông. (Ảnh: H.T)

Chương trình 135 đã góp phần mang hơi thở mới đối với một xã nghèo như Dang Kang. Tất cả các tuyến đường nội thôn, buôn ở xã Dang Kang đều được nâng cấp lên đường cấp phối, có bề ngang rộng khoảng 4 mét. Chị H’O Byă, buôn Cư Ênun A vui vẻ cho biết, trước đây đường vào buôn mình chật hẹp lắm, có đoạn chỉ bằng bề ngang của cái ghế nhà mình thôi. Giờ đây, đường sá rộng thênh thang, cao ráo, bọn trẻ đi học không bị trễ giờ, xe công nông chở cà phê, lúa không còn bị lật nữa, cả buôn làng ai nấy đều mừng vui, yên tâm sinh sống và sản xuất. Khi những cánh dã qùy khoe sắc vàng tươi dọc các tuyến đường cũng là lúc mọi nhà lúa đã đầy bồ, cà phê chín mọng đầy sân, chuẩn bị cho một mùa xuân đầy hứa hẹn ở một vùng quê yên tĩnh.

Ông Phan Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Dang Kang cho biết, địa bàn có trên 60% là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống vật chất, tinh thần còn khó khăn, ước mơ có một con đường rộng thênh thang đã trở thành hiện thực. Cứ mỗi con đường được mở rộng là thêm một cơ hội để phát triển kinh tế cũng như nâng cao đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Năm 2010, xã Dang Kang vinh dự được Bộ Giao thông – Vận tải tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn và tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông nông thôn tại địa phương. 

Đánh thức vùng biên
Trong hệ thống giao thông ở Dak Lak, Quốc lộ (QL) 14C có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Sau khi dự án sửa chữa, nâng cấp hoàn thành, con đường này  kỳ vọng sẽ đánh thức, tạo sức bật to lớn thúc đẩy sự phát triển của các địa phương dọc biên giới.

QL 14C là tuyến đường chiến lược nối các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chạy dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, vào Tây Nguyên, con đường này có điểm đầu tại ngã ba giao cắt với QL 19 ở xã Ia Nam, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, điểm cuối tại ngã ba giao cắt với QL 14 ở phía Bắc thị trấn Dak Song, huyện Dak Song, tỉnh Dak Nông, trong đó, đoạn qua Dak Lak có tổng chiều dài 68,5 km chạy qua 2 huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp. Về quy mô, QL 14C có nền đường rộng 7,5 mét, mặt đường 5 – 7 mét, chất lượng đạt tiêu chuẩn cấp 4 (láng nhựa) và 5 (cấp phối), trong đó một số đoạn đi trùng đường Hồ Chí Minh. Đến cuối năm 2010, các nhà thầu đã thi công một khối lượng lớn công việc bảo đảm chất lượng công trình, đẩy mạnh tiến độ để con đường sớm hoàn thành.

Thi công Quốc lộ 14C, đoạn qua xã Ia R'vê, huyện Ea Súp. (Ảnh: Minh Thông)
Thi công Quốc lộ 14C, đoạn qua xã Ia R'vê, huyện Ea Súp. (Ảnh: Minh Thông)

Khi việc sửa chữa, nâng cấp hoàn thành trong thời gian tới, con đường này sẽ đáp ứng niềm mong mỏi của hàng nghìn người dân, tạo động lực phát triển cho các địa phương dọc tuyến. Ia R’ve là một trong 4 xã biên giới của huyện Ea Súp có 1.400 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. 15 km thuộc QL 14C qua xã thuộc gói thầu số 1, Dự án Cải tạo nâng cấp QL 14 C do Ban quản lý dự án đường bộ 5 làm chủ đầu tư đã thi công xong các hạng mục cầu, cống, đang chuẩn bị thảm nhựa mặt đường và sẽ hoàn thành vào năm 2011. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia R’ve cho biết, sau khi đoạn đường này hoàn thành kết hợp với tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 1 vào trung tâm xã, địa phương sẽ được hưởng lợi rất nhiều, đời sống được nâng lên, bà con đi lại thuận lợi, vận chuyển nông sản dễ dàng và có nhiều cơ hội giao thương với các địa phương khác. Ông Hồ Văn Trí (thôn 1) trồng hơn 5 sào bắp cải, cà chua và ớt, mỗi lần thu hoạch xong phải chở ra trung tâm huyện cách xa hơn 20 km để bán. Ông hy vọng, sau khi đường được nâng cấp, các thương lái sẽ vào tận nơi thu mua nên không bị ép giá hoặc nếu phải chở đi bán cũng thuận lợi hơn. Những năm tới, khi Khu kinh tế cửa khẩu Dak Ruê được mở cộng với việc QL 14C nối với QL 29 đi Phú Yên sẽ tạo ra cơ hội về giao thương giữa huyện Ea Súp nói riêng, toàn tỉnh nói chung với Campuchia và các tỉnh bạn.

Bên cạnh ý nghĩa dân sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, con đường này cũng sẽ có vai trò to lớn đối với quốc phòng - an ninh, dọc tuyến biên giới. Thiếu tá Bùi Quốc Lương, Đồn trưởng Đồn biên phòng Sêrêpôk (đồn 739) đóng tại địa bàn xã Ea Bung (huyện Ea Súp) đánh giá, QL 14C và các công trình khác được sửa chữa, nâng cấp sẽ góp phần củng cố vùng biên cương của tỉnh ngày càng bình yên, vững mạnh.

Nguyễn Xuân - Hoàng Tuyết - Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc