11:20, 24/04/2011
Đội chiêng “nhí” buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) luôn làm mọi người ngạc nhiên khi biểu diễn tại các dịp lễ hội, hội thi, hội diễn do TP. Buôn Ma Thuột tổ chức. Hầu hết các em trong đội đều ở tuổi lên 10, nhưng lại có niềm say mê đặc biệt dành cho tiếng chiêng của dân tộc mình.
Nghệ nhân Y Hiu là người khởi xướng thành lập đội chiêng và đứng ra truyền dạy cho các em. Cứ đều đặn chiều thứ bảy, chủ nhật, các em lại có mặt đông đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn để được truyền dạy cách đánh chiêng… Lúc đầu, các em tập làm quen với chiêng Kram, chỉ có vài em theo học, nhưng sau đó, cùng với sự say mê, thích thú và sự khích lệ của người già trong buôn, các em thiếu nhi tham gia ngày càng đông. Nghệ nhân Y Hiu cho biết, dạy cho tụi trẻ không dễ dàng tí nào, anh phải dẫn ra từng nhịp, đánh đi đánh lại nhiều lần các em mới tập theo được, phải thật kiên nhẫn, cầm tay chỉ từng nhịp đánh, chỉnh độ cao thấp thì các em mới đánh được đều tay.
|
Đội chiêng "nhí" buôn Tơng Jú tham gia biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các buôn đồng bào Êđê. |
Hơn một năm được nghệ nhân Y Hiu và các nghệ nhân cao tuổi trong buôn tận tình truyền dạy, đội chiêng trẻ buôn Tơng Jú với hơn 15 thành viên đã có thể trình diễn thành thạo trong các dịp lễ hội, họp buôn và tham gia các hội thi của thành phố. Y David Kbuôr, một thành viên trong đội cho hay, từ trước đến nay, chưa bao giờ em “sờ tay” vào cồng chiêng nên mới đầu học cứ hay bị rơi vào tình trạng lạc thanh, người đánh trước người đánh sau, nhưng khi được hướng dẫn kỹ lưỡng dần dần em cũng thấy mê theo tiếng chiêng… Nhờ chịu khó luyện tập, sau một thời gian tham gia CLB, Y Linh Niê (học sinh lớp 5) thành viên nhỏ tuổi nhất, cũng đã biết cách cầm chiêng đúng tư thế và đánh được một vài bài chiêng cơ bản. Bài chiêng đầu tiên cả đội có thể tự tin đánh được là bài “Chào khách - mời rượu”, song cũng phải mất hơn 2 tháng ròng kiên trì luyện tập từng nhịp một... Khi đã cơ bản thành thạo chiêng Kram, các em lại hăng hái tiếp tục làm quen với chiêng đồng. Nghệ nhân Y Hiu cho hay, chiêng Êđê rất nhiều loại, đã thành thạo một loại chiêng rồi, phải làm sao để các em biết tất cả các loại chiêng khác phải đánh như thế nào. Vậy là, cứ tranh thủ những ngày nghỉ, cả đội cùng nhau luyện tập, buôn Tơng Jú lại rộn ràng tiếng chiêng cất lên từ nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn. Người già tận tình hướng dẫn, lớp trẻ say mê luyện tập. Bây giờ, cứ mỗi khi trong buôn có lễ, hội họp, đội chiêng “nhí” lại có mặt, tấu lên tiếng chiêng làm cả người trẻ và người già, ai nấy đều thấy phấn khởi. Em Y Nhật Niê, một trong những thành viên theo học từ ngày đầu, giờ đã có thể là người đánh chính, dẫn dắt cả đội đánh theo tâm sự, tham gia đội chiêng, em cảm nhận được nhiều hơn về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Em muốn học nhiều hơn nữa để đánh được các bài chiêng phức tạp cũng như nhiều loại nhạc cụ khác, góp phần gìn giữ vốn văn hóa của cha ông để lại.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc