Multimedia Đọc Báo in

Giữ rừng ở Lâm trường Buôn Ja Wầm: Những nỗ lực đáng ghi nhận

08:28, 15/06/2011

Những năm gần đây, màu xanh của đại ngàn dường như đang trở lại với cánh rừng rộng trên 9.000 ha ở huyện Cư M’gar, do Lâm trường Buôn Ja Wầm (thuộc công ty đầu tư và phát triển Buôn Ja Wầm) quản lý. Tất cả đã nói lên những nỗ lực của phía chủ rừng; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương với những phương thức quyết liệt, đổi mới, chuyên sâu trong công tác giữ rừng...

“Cuộc chiến” bảo vệ rừng
Cuộc đấu tranh bảo vệ rừng phải đối mặt với muôn vàn gian nan, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả sự hy sinh. Dẫn chúng tôi luồn sâu vào rừng, ông Phạm Đình Tường, Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm chỉ tay về phía vạt rừng bị lâm tặc tàn phá nặng nề trước đây, cho biết: tiểu khu 544 là một trong 3 tiểu khu nóng nhất về nạn chặt phá rừng (cùng với các tiểu khu 540 và 547); đồng thời cũng là nơi đã không ít lần xảy ra “cuộc chiến” giữ rừng giữa các chiến sĩ bảo vệ rừng với lâm tặc. Ông luôn xúc động mỗi lần nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ của anh em lâm trường: trong hàng trăm lần đụng độ với lâm tặc, lần nào cũng xảy ra đổ máu và có cả sự mất mát hy sinh. Năm 2007, ông Nguyễn Minh Huệ, Giám đốc của lâm trường đã hy sinh tại tiểu khu 514, và nhiều chiến sĩ kiểm lâm khác bị thương. Rồi năm 2008- 2009, một trận chiến giữ rừng cũng khiến anh Phan Quốc Tán hy sinh, anh Đặng Văn Mưu bị lâm tặc bắn, đến nay viên đạn vẫn còn nằm trong người. Trận gần đây nhất là hồi tháng 4 năm 2011: có 7 anh em Đội cơ động bảo vệ rừng của lâm trường bao vây một nhóm 5 lâm tặc, nhưng ngay sau đó, hàng chục người bên ngoài lăm lăm dao rựa, gậy gộc kéo vào bao vây lại. Gian nan, nguy hiểm là vậy nhưng các chiến sĩ bảo vệ rừng nơi đây vẫn luôn kiên cường bám rừng, không nản lòng trước mọi gian nguy để giữ từng cây rừng, từng mét vuông đất.

Nhiều diện tích rừng bị lâm tặc chặt phá nay được trồng lại bằng cây keo lai.
Nhiều diện tích rừng bị lâm tặc chặt phá nay được trồng lại bằng cây keo lai.
Và những nỗ lực mang lại màu xanh cho rừng
Trong những năm qua, nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Công ty đầu tư và phát triển Buôn Ja Wầm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp, Lâm trường Buôn Ja Wầm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức giữ rừng, không chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép… đồng thời, nếu phát hiện những trường hợp chặt phá, vận chuyển gỗ trái phép thì báo cho cán bộ lâm trường hoặc chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Bên cạnh đó, với sự quyết tâm giữ rừng, lâm trường đã thành lập đội cơ động bảo vệ rừng với trên 10 người thường xuyên canh giữ, tuần tra 24/24 giờ tại những nơi trọng điểm trong rừng; xây dựng 5 điểm chốt nằm sâu trong các tiểu khu; dựng các nhà, lán trên nhiều nẻo đường trong rừng, luôn có các chiến sĩ thay nhau túc trực… nếu phát hiện lâm tặc chặt phá rừng thì báo ra đơn vị để kịp thời ngăn chặn. Với những nỗ lực ấy, những năm qua, vấn nạn chặt phá rừng diễn ra trên địa bàn đã giảm đáng kể (từ năm 2009 - nay, giảm 70% so với những năm trước đây). Đơn vị còn phát hiện, bắt giữ và giao cho các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm vụ việc lâm tặc chặt phá rừng trái phép (riêng từ đầu năm 2011 đến nay đã bắt giữ hơn 20 vụ). Ông Dương Văn Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty đầu tư và phát triển Buôn Ja Wầm cho hay: gần đây, nhiều tốp người vào đốt phá, lấn chiếm đất rừng để làm rẫy, nhất là dịp đầu mùa mưa. Vì vậy, nếu không kiên quyết và không có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành thì không thể nào ngăn chặn nổi, bởi lâm tặc rất đông và liều lĩnh. Riêng với lâm trường, mỗi dịp như thế này đã phải huy động toàn bộ lực lượng cán bộ công nhân viên thuộc các đơn vị khác của “Công ty mẹ” như: xí nghiệp dịch vụ thương mại, xí nghiệp sản xuất phân vi sinh… có khi tới trên 50 người để ngăn chặn lâm tặc.

Với nỗ lực ấy, những năm gần đây, diện tích rừng của lâm trường đang trở lại màu xanh vốn có, hằng năm đáp ứng đủ lượng gỗ khai thác do UBND tỉnh giao cho (riêng năm 2011, chỉ tiêu được giao là hơn 1000 m3). Tỷ lệ phá mới hầu như không đáng kể và đều được kịp thời ngăn chặn, xử lý. Cùng với công tác giữ rừng, từ năm 2008, lâm trường còn trồng thêm được 240 ha keo lai để bù đắp lại những khoảnh rừng bị mất trước đây. Hy vọng những năm sắp tới, toàn bộ diện tích rừng nơi đây sẽ trở lại màu xanh bạt ngàn vốn có.

 

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc