Multimedia Đọc Báo in

Làm gì để phát triển du lịch ở Krông Bông?

08:23, 08/06/2011

Nằm về phía đông nam tỉnh, nép mình vào dãy Cư Yang Sin, Krông Bông là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh ta. Hầu hết các điểm du lịch trên địa bàn huyện phân bổ ở những địa điểm có thác nước và suối lớn và vùng núi, thuộc lưu vực sông Sêrêpôk; phần thượng nguồn là hệ thống rừng đặc dụng núi cao, có đỉnh Chư Yang Sin cao 2.405 m.

Thiên nhiên kỳ thú đã tạo cho Krông Bông có được một tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo với những ngọn thác thơ mộng như thác Krông Kmar, thác Ea Kha (xã Yang Mao), thác Yang Hanh (xã Cư Drăm)... với dãy núi và những cánh rừng nguyên sinh còn nhiều loài chim, thú quý hiếm như Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Ngoài ra, Krông Bông còn là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 25 dân tộc anh em cùng chung sống, với di tích lịch sử hang đá Dak Tuar ghi lại dấu ấn phong trào hoạt động cách mạng của Đảng bộ Dak Lak thời kháng chiến. Có thể nói, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, các di tích lịch sử là điều kiện rất tốt để huyện Krông Bông phát triển du lịch với nhiều loại hình: Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, leo núi, nghiên cứu về rừng… 

Từ năm 2001 trở về trước, ở huyện Krông Bông, lĩnh vực du lịch chưa được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên khách đến tham quan chủ yếu vào các dịp lễ tết, tự tổ chức và mang tính tự phát. Với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, năm 2002, huyện đã quan tâm quy hoạch, đầu tư 2 điểm du lịch: thác Krông Kmar với tổng diện tích 11 ha, được giao cho Công ty Lâm nghiệp Krông Bông quản lý; dự án du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Chư Yang Sin với diện tích rừng được giao quản lý là 58.947 ha. Hiện nay, công ty Lâm nghiệp Krông Bông đã tiến hành đầu tư sửa chữa, nâng cấp và khai thác điểm du lịch thác Krông Kmar, mỗi năm điểm du lịch này đón tiếp khoảng 270.000  lượt khách, doanh thu bình quân hằng năm đạt 291 triệu đồng.

Rừng nguyên sinh ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. (Ảnh: Lê Hương)
Rừng nguyên sinh ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. (Ảnh: Lê Hương)
Tuy nhiên, trên thực tế, ngành du lịch Krông Bông cũng đang đứng trước những khó khăn, thử thách lớn như: điểm xuất phát của kinh tế du lịch còn rất thấp, cơ sở hạ tầng khu du lịch còn sơ sài, việc thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ có chuyên môn về du lịch còn hạn chế. Kết quả thống kê cho thấy, số lượng khách và doanh thu từ dịch vụ du lịch hằng năm trên địa bàn huyện tăng không đáng kể, năm 2002 lượng khách khoảng 25.000 lượt, doanh thu 127 triệu đồng thì đến năm 2009, lượng khách cũng chỉ tăng 30.000 lượt, doanh thu đạt 600 triệu đồng. Ngoài ra, cũng phải đánh giá rằng việc đầu tư cho hoạt động du lịch trong thời gian qua còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở vật chất khu du lịch xuống cấp do công trình thủy điện thác Krông Kmar. Công tác quy hoạch phát triển du lịch của huyện còn hạn chế, việc triển khai thực hiện xây dựng các hạng mục công trình dịch vụ du lịch chưa tuân thủ theo quy hoạch được duyệt; sản phẩm du lịch hầu như không có, chương trình du lịch chất lượng còn nghèo nàn, khách chỉ đến tham quan, nghỉ mát chủ yếu vào các dịp lễ, tết nên lượng khách ở lại lưu trú rất ít. Việc quảng bá, tiếp thị, xúc tiến du lịch còn hạn chế do khó khăn về khả năng tài chính nên điều kiện và cơ hội tham gia các hội chợ du lịch chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ của Ban quản lý khu du lịch chưa được đào tạo cơ bản, nghiệp vụ yếu kém, tính chuyên nghiệp còn  thấp.

Để phát triển du lịch Krông Bông trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, thiết nghĩ phải dựa trên những định hướng sau: Huyện cần có giải pháp phát triển du lịch gắn với giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, truyền thống, bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Krông Bông có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và lịch sử văn hóa, đây là điều kiện thuận lợi sẵn có cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch, do vậy, cần chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại các khu, điểm du lịch nhằm tạo sắc thái riêng cho du lịch Krông Bông trong hình ảnh du lịch Dak Lak  nói chung. Sản phẩm du lịch Krông Bông bao gồm: du lịch trên hồ, sông nước; du lịch leo núi; du lịch hang động; du lịch dã ngoại, sinh thái (đi bộ xuyên rừng); du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng (hang đá Dak Tuar); tổ chức các lễ hội văn hóa như hội cồng chiêng, lễ bỏ mã, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ mừng nhà mới... Ngoài ra, huyện cần có chủ trương khuyến khích, đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mộc mỹ nghệ, đan lát mây tre ..., đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm nhằm khôi phục giữ gìn nền văn hóa, bản sắc dân tộc của đồng bào và cung cấp sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho ngành du lịch. Ngoài ra, huyện cần hỗ trợ cho công tác thông tin và xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức như tham gia và tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, liên hoan du lịch, hội chợ du lịch trong tỉnh cũng như cả nước, đưa thông tin trên wesbite... để tạo cơ hội hòa nhập vào thị trường trong nước và quốc tế. Trong điều kiện các doanh nghiệp của huyện chưa đủ mạnh, Nhà nước cần giữ vai trò quan trọng trong việc xúc tiến, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thâm nhập và nâng cao hình ảnh của du lịch Krông Bông trên thị trường; tiếp cận và mở rộng thị trường trên cơ sở xây dựng các chương trình quảng bá du lịch từ mọi nguồn; mở rộng quan hệ với các văn phòng đại diện du lịch trong tỉnh, trong nước để xây dựng các tour đưa khách đến Krông Bông.

 

Thanh Hòa

Ý kiến bạn đọc