Multimedia Đọc Báo in

KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC BUÔN MA THUỘT:

Sẽ độc đáo với sự hiện diện của đặc trưng văn hóa Tây Nguyên

09:38, 09/07/2011

Người dân Buôn Ma Thuột đang mong chờ một diện mạo mới của thành phố cao nguyên này trong hành trình quy hoạch chung để trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Trong nhiều ý kiến được trưng cầu, xây dựng một không gian kiến trúc với sự hiện diện của đặc trưng văn hóa Tây Nguyên được đánh giá là ý tưởng độc đáo, vừa tạo nét riêng, vừa góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

Tây Nguyên chất chứa trong lòng mình khối di sản, di tích văn hóa phong phú và độc đáo. Đó là mảnh đất của văn hóa rừng, văn hóa nương rẫy, văn hóa cồng chiêng, văn hóa của những trường ca và các chiến binh người Thượng; văn hóa cà phê và tiêu hạt; vùng đất của nghệ thuật điêu khắc gỗ thấm đẫm tính nhân bản và triết lý cuộc đời, đồng thời cũng là vùng đất ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng cùng những chuyển mình sâu sắc về văn hóa – kinh tế.

Và Buôn Ma Thuột - thủ phủ của Tây Nguyên được biết đến là vùng đất thiên nhiên hùng vĩ, cái nôi của văn hóa được giữ gìn qua nhiều thế hệ, mang đậm nét đặc trưng của cư dân bản địa với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, đồ sộ. Nơi đây là một trong những địa điểm còn dấu vết của thời đại đồ đồng có niên đại 2000 năm và dấu vết nền văn hóa Chămpa trước đó. Vì thế có nhà nghiên cứu đã đánh giá rằng những giá trị văn hóa tạo nên bản sắc của Buôn Ma Thuột là sự đan xen hài hòa giữa yếu tố vật thể và phi vật thể của nhiều tầng lớp văn hóa và nhân học. Chính những đặc điểm về địa chính trị - địa văn hóa này là cơ nguyên cho sự hình thành một bản sắc văn hóa của thành phố – hạt nhân của vùng Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột cũng là mảnh đất khởi nguồn của nhiều lễ hội văn hóa, nơi hội tụ và thẩm thấu nhiều giá trị phi vật thể vô giá.

Là một trong những tiêu chí đầu tiên được đề cập tới khi đánh giá những giá trị đặc trưng của một dân tộc/tộc người, văn hóa cũng là thành tố quan trọng ảnh hưởng xuyên suốt chiều dài lịch sử, xã hội, kinh tế của dân tộc đó. Trong bước đổi thay từ truyền thống đến hiện đại của Tây Nguyên nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột – Dak Lak nói riêng, đã và không thể thiếu sự hiện diện những đặc trưng văn hóa Tây Nguyên trong không gian kiến trúc Buôn Ma Thuột.

Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được chuyển hóa dưới hình thức lễ hội đường phố ở Buôn Ma Thuột.                                                                              Ảnh: Gia Thịnh
Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được chuyển hóa dưới hình thức lễ hội đường phố ở Buôn Ma Thuột. ( Ảnh: Gia Thịnh)
Nhìn lại các giai đoạn quy hoạch Buôn Ma Thuột ở thế kỷ trước, đơn cử như giai đoạn 1904-1930 đánh dấu sự tác động có ý đồ của chính quyền vào không gian đô thị vốn nguyên sơ, dân cư tương đối tập trung, việc chuyển lỵ sở từ Buôn Đôn về Buôn Ma Thuột (1904) là bước đầu cho sự hình thành một bộ máy cai trị. Người dân ở các buôn làng trước kia vốn sống khá cơ động, nhưng cùng với sự thâm nhập của người Pháp và việc hình thành những quốc lộ đầu tiên, các đồn điền được khai khẩn, nhân rộng, Buôn Ma Thuột phát triển không ngừng, người dân bản địa dần quen với lối sống thành thị.

Ngày 2-7-1923, toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định tách Dak Lak ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Dak Lak dưới quyền cai trị của công sứ người Pháp là Lèopold Sabatier. Góc nhìn quy hoạch của Sabatier có thể nhận thấy sự hiện diện của đơn vị hành chính thôn xung quanh khu vực dành cho các cơ quan công sở, chính quyền và trại lính. Quy hoạch này đều bám lấy suối Ea Tam. Diện mạo của Buôn Ma Thuột đã thực sự được định hình rõ nét. Việc tách biệt các vùng dân cư vốn trước đây tương đối tập trung dần xa khỏi không gian đô thị đã nhấn mạnh vai trò một đô thị hành chính, quân sự và dịch vụ.

Giai đoạn 1990-2010, công tác quy hoạch chung thị xã Buôn Ma Thuột vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố đặc biệt không gian văn hóa lễ hội chưa được đề cập đến. Các không gian kiến trúc trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết và nhiều công trình có nguy cơ phá vỡ cảnh quan đô thị, làm mai một nét văn hóa các buôn làng truyền thống trước đây. Những đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân tộc Êđê chính là nét đặc thù về văn hóa của thành phố. Vì vậy vấn đề đặt ra cho quy hoạch chung Buôn Ma Thuột đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cần thiết phải tạo lập không gian văn hóa lễ hội xen lẫn trong không gian của thành phố, coi đó là điểm nhấn trong cấu trúc hình thái đô thị Buôn Ma Thuột.

Điểm nổi bật của văn hóa xứ cà phê này là văn hóa lễ hội nhà dài, văn hóa cồng chiêng, văn hóa ẩm thực, văn hóa sử thi, văn hóa của luật tục, văn hóa cộng đồng… Các loại hình văn hóa trên vốn không tồn tại độc lập mà luôn được dung dưỡng trong một môi trường văn hóa bản địa. Nói như vậy để thấy rằng những giá trị văn hóa được hội tụ trong không gian kiến trúc của Buôn Ma Thuột là nhân tố đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng quy hoạch không gian phát triển đô thị. Bảo tồn, phát huy và khai thác các yếu tố văn hóa vốn có lồng ghép trong một tổng thể đô thị phát triển sẽ tạo nét độc đáo cho thành phố.

Là một phần của văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Buôn Ma Thuột là cái nôi của các loại hình văn hóa dân gian vì nó hình thành một thiết chế văn hóa, một không gian văn hóa rất riêng biệt. Có thể nhận thấy các lễ hội truyền thống của cả vùng Tây Nguyên đều hiện diện ở Buôn Ma Thuột với nhiều góc độ khác nhau. Từ các lễ hội truyền thống lâu đời như Lễ cúng bến nước - nghi lễ quan trọng của người Êđê biểu tượng cho nguồn sống, sinh sôi và no đủ hiện vẫn được một số buôn làng ở Buôn Ma Thuột giữ nguyên các bến nước này. Trong các hoạt động lễ hội khác của đồng bào Êđê ở phố núi này, hai “đặc sản” văn hóa Tây Nguyên - voi và cồng chiêng là những yếu tố không thể thiếu. Cuộc sống hiện đại, các lễ hội mang màu sắc truyền thống được tổ chức quy mô mới như lễ hội cồng chiêng. Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại - niềm tự hào và đặt trách nhiệm bảo tồn đối với người dân Tây Nguyên. Thật mừng là ở Buôn Ma Thuột, giá trị văn hóa độc đáo này vẫn được quan tâm gìn giữ bởi đội chiêng buôn Kôsier nổi tiếng với những nghệ nhân “tài ba”. Không gian Văn hóa Cồng chiêng không chỉ dừng lại ở các buôn làng mà nó đã được chuyển hóa gắn với đời sống sinh hoạt của người dân dưới hình thức lễ hội đường phố. Không gian diễn xướng thích hợp cho hình thức này có thể ở trong các ngôi nhà dài hay quảng trường khu trung tâm. Như vậy nghiễm nhiên trong định hướng quy hoạch Buôn Ma Thuột, cần phải nhấn mạnh việc gắn kết không gian buôn làng và thành thị phù hợp với từng đặc trưng của các lễ hội.

Đàm Thuần

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.