Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực gìn giữ nhà dài

16:31, 29/09/2011

Nhà dài thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Êđê. Xu thế hiện đại hóa khiến nhà dài ít dần trong đời sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Trong bối cảnh đó, vẫn còn nhiều nơi đang nỗ lực giữ lấy hồn cốt của nhà dài.

Để dựng được ngôi nhà dài bằng gỗ đúng cốt cách truyền thống của người Êđê là không dễ, bởi vật liệu khan hiếm, đắt đỏ. Để tiết kiệm kinh phí và tiện lợi cho sinh hoạt, sản xuất, người ta chuyển từ nhà dài bằng gỗ sang nhà dài bê tông cốt thép. Hầu hết các buôn làng Êđê nào cũng có kiểu nhà này với hình dáng, kết cấu mang dáng dấp nhà dài cổ xưa nhưng kiến trúc đơn giản hơn và có những thay đổi phù hợp với đời sống hiện đại. Nhà dài xây lớn, nhỏ tùy điều kiện từng gia đình, ít thì mấy chục triệu, nhiều thì lên đến hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, Nhà văn hóa cộng đồng cũng được đầu tư xây dựng mô phỏng kiến trúc nhà dài nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống, hội họp buôn làng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 540/553 buôn đồng bào Êđê và M’nông được đầu tư xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng, với tổng chi phí 60 tỷ đồng, bình quân từ 100 - 150 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, những ngôi nhà này không còn giữ được hồn cốt nhà dài gỗ truyền thống của người Êđê, mà như đánh giá của những nhà văn hóa là “khô cứng, vô hồn”. Bởi, khi xây dựng những ngôi nhà này, chủ đầu tư không lấy ý kiến cộng đồng hoặc từ các nhà văn hóa nên đã không xây đúng hướng truyền thống (Bắc - Nam); không gian chật hẹp; địa điểm không thuận lợi; không có dàn chiêng, ghế K’pan...Vì thế, nhiều đồng bào, đặc biệt là các già làng tỏ ra không hài lòng, không muốn đến sinh hoạt, nhiều nhà làm xong bị bỏ không. Già Ama Hiêng, buôn Xóm A, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk cho biết: khi làm nhà sinh hoạt cộng đồng phải cúng thần linh để được chấp nhận, nếu không mà vào sinh hoạt thì sẽ bị Giàng phạt! Thế nhưng, điều “buộc phải có” này hầu như bị bỏ qua.

Buôn Akô Dhông vẫn còn giữ được những ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê.
Buôn Akô Dhông vẫn còn giữ được những ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê.

Trong xu thế hiện đại hóa, vẫn còn nhiều nơi giữ được những nếp nhà dài truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi mang đầy đủ nét đặc trưng của buôn làng Êđê nằm giữa lòng TP. Buôn Ma Thuột với những ngôi nhà dài bằng gỗ vài chục năm tuổi. Toàn buôn có 100 hộ, 800 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Ê Đê chiếm 50%. Đời sống ngày càng khá lên, nhiều người trẻ không còn mặn mà với nhà dài truyền thống. Vì vậy, già Ama H’rin đã họp dân lại và thống nhất: gia đình nào muốn làm nhà xây thì phải làm phía sau ngôi nhà dài truyền thống để những ngôi nhà dài không mất đi, được người dân trong buôn hưởng ứng tích cực và tìm mọi cách để giữ lại nếp nhà dài truyền thống của tổ tiên, một số hộ còn biết khai thác, chuyển nhà dài sang làm dịch vụ du lịch để có tiền sửa chữa nhà. Ama Ben, người gắn bó với buôn làng hơn 50 mùa rẫy chia sẻ: “Việc lưu giữ được những ngôi nhà dài của cha ông, quan trọng nhất là để thế hệ mai sau còn biết đến truyền thống của tổ tiên mình”. Còn già Ama H’rin thì tỏ ra âu lo khi nhìn những ngôi nhà dài đang xuống cấp từng ngày: “Với thực trạng như hiện nay, nếu không được quan tâm bảo tồn thì khoảng vài chục năm nữa, nhà dài Êđê chỉ còn là ký ức”.

 

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) cho thấy, hiện toàn tỉnh còn khoảng 40% nhà dài của đồng bào Êđê và M’nông, tập trung nhiều nhất ở các buôn Akô Dhông, Păn Lăm, Kô Sia (TP. Buôn Ma Thuột), buôn M’liêng, buôn Jul (huyện Lak), buôn H’Đinh (huyện Cư M’gar)… nhưng trong số đó, nhiều nhà có không gian ngắn, mái lợp ngói hoặc tôn…Ông Trương Bi, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL lo lắng: nhà dài của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang kêu cứu, nếu mất nhà dài thì cồng chiêng, các nghi lễ của đồng bào cũng không còn. Hiện tại, ngành Văn hóa đang tiến hành điều tra thực trạng nhà dài ở tất cả các buôn làng trong toàn tỉnh để có kế hoạch bảo tồn. Cũng theo ông Trương Bi, để nhà dài truyền thống mãi hiện hữu trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên, cần có cách làm bài bản, lâu dài, nhất là sự quan tâm đầu tư đúng mức của chính quyền cũng như các ngành chức năng và ý thức của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị, bản sắc ngôi nhà dài truyền thống.

Minh Thông

Ý kiến bạn đọc