Chuyện ở buôn du lịch Akô Dhông
Ghé buôn Akô Dhông ngày Xuân, không ít du khách ngỡ ngàng trước những ngôi nhà dài truyền thống lấp lóa trong nắng sớm. Đi dưới những tán cây xanh mát rượi tỏa bóng xuống ngả đường quanh co, sạch sẽ, cảm nhận được một không khí thanh bình nơi đây khi mùa Xuân đang gõ cửa từng nhà…
Một góc buôn Akô Dhông nêm thơ, thanh bình |
Con ngõ quanh co dẫn vào buôn đã trải nhựa sạch sẽ, xanh mướt cây cối, từng chùm hoa chúm chím nở khoe sắc trong nắng sớm bên những ngôi nhà dài mái cổ. Các thiếu nữ mang chăn mền ra giặt giũ, đàn ông cắt tỉa lại những hàng rào cây xanh quanh nhà để chuẩn bị đón thêm một cái Tết ấm no về với buôn làng. Cuộc sống của bà con nơi đây không chỉ có ruộng lúa, rẫy cà phê mà còn có những luống rau, vườn hoa trước sân nhà tô điểm thêm. Dân làng rất quý và bảo vệ cây xanh như giữ gìn lá phổi của chính mình. Buôn trưởng Ama Nguôn cho biết, nhà nào muốn chặt một cây xanh phải có ý kiến của già làng, trưởng buôn chứ không được tự ý nhổ bỏ đi... Bên khung cửa sổ một ngôi nhà dài, H’Lơm Niê đang tỉ mỉ dệt những bộ váy áo thổ cẩm. Ama Nguôn bảo, ở buôn Akô Dhông bây giờ vẫn còn nhiều người biết dệt những tấm thổ cẩm sắc sảo và đẹp như thế nhưng người dệt nhanh và đẹp nhất có lẽ phải kể đến bà. Từ nhiều năm nay, H’Lơm dệt váy áo thổ cẩm bán cho khách du lịch và đã trở thành nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Những ngày này, bà càng tất bật dệt những chiếc áo váy Êđê sặc sỡ với hạt nút đồng sáng chói để kịp giao hàng cho bà con trong buôn mặc đi chơi Tết và để bán cho khách du lịch dịp Xuân về. Chồng bà có nghề làm vòng đồng chuyên dùng trong các dịp lễ truyền thống của người Êđê. Giờ, hễ cần trang phục, trang sức cho cưới, hỏi, lễ hội trong buôn đều nhờ đến tay vợ chồng H’Lơm. Những lúc rảnh rỗi, bà đều mang khung cửi ra dệt và truyền nghề lại cho con cháu. Chỉ tay vào một cửa hàng trưng bày hàng chục mẫu túi xách, khăn, váy, áo thổ cẩm rực rỡ màu sắc với những họa tiết xinh xắn, Ama Nguôn bảo: “Gia đình H’Lơm không chỉ “sống” được bằng nghề mà còn tạo ra được của ăn của để. Đây là cửa hàng thuộc dạng lớn nhất, nhì trong buôn. Không chỉ còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, ở đây nhiều người vẫn giữ được cách đan gùi với những đường đan rất thành thạo và tinh xảo, thỉnh thoảng cũng có nhiều đoàn khách du lịch đến đặt hàng…”.
Nhiều mái nhà dài truyền thống vẫn còn được lưu giữ trong buôn |
Mặt trời lên cao, nắng xiên qua từng khe lá, khách ra vào buôn, nói cười ríu rít. Hết đoàn này đến đoàn khác, buôn hầu như lúc nào cũng có khách ghé thăm. Từ ngày khai trương dịch vụ tham quan bằng xe ngựa của Công ty TNHH Đặng Lê đã góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch ở đây. Người vào chụp ảnh lưu niệm, tiếng xe ngựa lách cách trên đường nhựa làm không khí trong buôn nhộn nhịp hẳn lên. Đặc biệt, đến du lịch buôn Akô Dhông, du khách không cần phải “kèm” theo hướng dẫn viên, nhất là những đoàn khách người Pháp, bởi đã có Ama Pi. Ama Pi là người “sõi” tiếng Pháp nhất ở buôn, thành ra, ông “kiêm” luôn cả việc làm hướng dẫn viên, “tháp tùng” nhiều đoàn khách ghé thăm buôn. Ama Pi thực ra là người M’nông nhưng định cư ở đây đã khá lâu nên am hiểu nhiều về phong tục, văn hóa, đời sống của người Êđê… Nhờ có ông mà mỗi chuyến đi của du khách đến buôn trở nên thoải mái và gần gũi hơn.
Buôn Akô Dhông có 157 hộ, gồm 499 khẩu, trong đó gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Điều đáng mừng là gần 100% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, trong buôn chỉ còn 1 hộ nghèo. Phần lớn bà con nơi đây đã có cuộc sống khấm khá, có nhà cửa kiên cố, nhiều gia đình đã sắm được các trang thiết bị nghe nhìn hiện đại để tiếp cận thông tin, tri thức; hơn 50% số hộ có con em học các trường đại học, cao đẳng. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất có những chuyển biến tích cực, bà con chú trọng đến đời sống tinh thần và ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Để duy trì những nét đẹp văn hóa của dân tộc, già làng, buôn trưởng đề ra những quy ước được người dân thống nhất thực hiện. Nhiều nhà xây kiên cố dựng lên nhưng mái nhà dài cũ vẫn còn đó như ghi lại dấu tích của tổ tiên, cha ông. Buôn trưởng Ama Nguôn cho biết, những ngôi nhà ấy như “hồn vía của tổ tiên” cha ông để lại nên không ai được phép dở bỏ đi. Trong hương ước của buôn làng đã quy định, hộ nào có xây dựng nhà mới theo phong cách hiện đại cũng phải làm phía sau lưng ngôi nhà dài truyền thống. Bên cạnh đó, buôn A kô Dhông bây giờ vẫn còn duy trì nhiều lễ hội độc đáo như: lễ mừng lúa mới, mừng thọ, kết nghĩa anh em… Ama Nguôn quay sang nói với chúng tôi với một giọng chắc, khỏe, đầy tâm huyết: “Tôi cùng với già làng vận động bà con đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau để phát triển kinh tế và giữ nếp nhà xưa trong buôn…”
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc