Multimedia Đọc Báo in

Lên nóc nhà Đà Lạt

10:28, 11/05/2012

Đó là lần thứ ba tôi lên đỉnh Lang Biang, để rồi rút ra một kinh nghiệm là muốn cảm nhận vẻ đẹp của nóc nhà Đà Lạt, nơi có độ cao  2.169 mét này, hãy đi vào mùa đông, tốt nhất là vào tháng 12.

Khi đó  cả đỉnh núi sẽ phủ đầy một lớp sương mù huyền hoặc. Người đi trên những chiếc xe U-oát đặc biệt leo lên những con dốc quanh co với chiều dài 6 km để chạm tới nóc nhà ấy sẽ có cảm giác như chạm vào cõi thần tiên. Vào mùa này sẽ có những cơn mưa, lên đỉnh trong mùa mưa sẽ mang một cảm giác chìm đắm, những hàng thông mướt xanh hơn và làm cho lòng người xao động hơn. Cảm giác đó tôi chỉ nhận được trong  chuyến chạm lên Lang Biang lần thứ nhất.

Quả thật, lên đỉnh Lang Biang đã tạo cho du khách một cảm giác hoàn toàn  mới mẻ khi đã nhàm chán với những điểm du lịch giống nhau quá đỗi ở Đà Lạt: Nhà sàn, cưỡi ngựa, các bồn hoa thiết kế giống nhà, các hàng mỹ nghệ buôn bán giống nhau…

Tôi đi xe máy, rời khỏi trung tâm thành phố, đi hết đường Phan Đình Phùng, rồi rẽ phải theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Dankia  là tới cổng vào. Hàng chữ “Lang Biang” đặt ở trên cao là điểm nhấn  cho nhiều du khách chịu khó leo lên, chụp tấm ảnh kỷ niệm, để đưa lên blog giới thiệu nơi mình đã đến. Tất nhiên là phải mua vé vào cổng, dù trong cổng chỉ là bãi giữ xe và những cửa hàng bán quần áo, giải khát.

Con đường lên đỉnh Lang Biang là đường đèo nguy hiểm, cấm các phương tiện đi lại ngoài những chiếc U-oát do những tài xế thiện nghệ của Công ty Du lịch Đà Lạt phụ trách lái. Mỗi xe có 6 chỗ ngồi, giá một xe là 240 nghìn đồng. Mua vé 40.000 đồng, đợi đủ khách là lên xe. Có 32 chiếc xe như vậy xoay vòng lên và xuống núi.

Thiên nhiên ban tặng cho Đà Lạt khí hậu  ôn hòa và cảnh quan tự nhiên lộng lẫy. Vì thế, cũng là thông, nhưng rừng thông khi lên đỉnh Lang Biang lúc xe trườn lên dốc, ngoặt gấp  là ngắm nhìn sự hoang dã, ngắm nhìn sự bao la. Chỉ bao nhiêu đó thôi đã cảm nhận được những rung động cho cuộc hành trình. Thỉnh thoảng lại gặp những chiếc xe máy, có lẽ của những người buôn bán trên đỉnh núi lao xuống dốc, cảnh tượng vô cùng nguy hiểm. Và tất nhiên, cũng có rất nhiều bạn trẻ vẫn thích chinh phục đỉnh Lang Biang bằng cách đi bộ. Họ vừa đi vừa nghỉ trong bóng thông phủ trên con đường dốc đứng.

Nếu du khách rất háo hức để chạm vào nóc nhà Đà Lạt, thì người lái chiếc xe U-oát lại rất hững hờ. Anh cũng có lý của anh, vì mỗi ngày dễ chừng anh lái xe lên xuống cả chục lần, anh nhớ từng mỏm đá, từng gốc cây cho nên với anh lên Lang Biang chỉ là công việc. Anh bảo : “Ba mươi phút nữa là tập trung xuống núi”. Có người bảo: “ Ba mươi phút có kịp không?”. Chỉ có đi mới có thể trả lời câu hỏi này.

Thực ra thì trên đỉnh Lang Biang này, với điều kiện vận chuyển khó khăn, nước cũng phải đem từ dưới lên, điện dùng máy phát điện nên cảnh quan khi nắng lên lộ rõ một bãi đất bằng phẳng, cỏ cây xác xơ, có vẻ buồn buồn. Ở đây có một chỗ bán quần áo lạnh, đồ mỹ nghệ nhưng không niêm giá bán, khách phải hỏi giá. Du khách vẫn thích mua ở những nơi niêm yết giá hẳn hoi, họ không thích trả giá nên hàng bán quần áo chỉ thấy toàn người ngắm nhìn bởi sợ mua mắc.

Dãy nhà ăn uống bán đủ thứ, từ cây kem tới ly cà phê, thức ăn…nhưng ít ai ăn, bởi chỉ có 30 phút để tận hưởng cảm giác leo lên nóc nhà Đà Lạt. Việc kinh doanh ở  đỉnh Lang Biang còn có những chiếc ống nhòm. Khách muốn sử dụng với thời gian 3 phút 30, tiền xu 5 nghìn đồng bỏ vào. Dịch vụ cưỡi ngựa, chụp ảnh nhà sàn, chụp ảnh ở tượng Lang Biang khá đông với giá một tấm 20.000 đồng lấy liền. Mấy ông thợ ảnh mang cả máy phát điện lên tận đỉnh núi để rửa ảnh tại chỗ phục vụ du khách. Một hàng thổ cẩm giá khá cao so với các điểm khác do một người Kinh bán cũng thu hút khách (lần trước, tôi gặp cả một chợ thổ cẩm trên đỉnh núi do chính những người dân tộc thiểu số buôn bán)

  Câu chuyện tình về chàng K'lang (người dân tộc Lát) và người con gái tên Hơbiang (người dân tộc Chil)  là điểm nhấn huyền thoại trên đỉnh núi. Bức tượng hai người giang tay đến với nhau có lẽ đã được hàng triệu du khách chọn để chụp ảnh. Có thể nói đây là điểm nhấn duy nhất ở đỉnh Lang Biang.

 Đi một vòng núi mất chừng 15 phút. Khách ngộ ra là anh tài xế chiếc xe U-oát có lý khi bảo rằng 30 phút sau trở lại xe. Còn chút thời gian lại mang máy ảnh cá nhân ra chụp ảnh. Từ độ cao trên 2000 mét này, nền phía sau là lũng sâu bên dưới, suối vàng suối bạc diệu kỳ, đã thỏa lòng chinh phục.

  Chiếc xe U-oát lại chở chúng tôi xuống núi, xe thắng liên tục khi đổ xuống những ngọn dốc đứng. Lại có những chiếc xe chở những người mới đến lên đỉnh Lang Biang.

Khuê Việt Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.