Multimedia Đọc Báo in

Các nhạc cụ dân gian của người Bih

08:45, 07/09/2012

Nghệ thuật diễn xướng dân gian Êđê Bih kể cả nhạc đàn, nhạc hát và múa) không có được sự phong phú và đa dạng như nhạc dân gian Êđê hay một số tộc người tại chỗ khác ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên.

Có thể do một thời gian quá dài (gần cả 50 năm), những gì riêng biệt của người Bih đã bị ghép chung và phần nào bị văn hóa dân gian Êđê …“lấn lướt”, nên bản thân người Bih lâu dần đã lãng quên. Bên cạnh đó, số nghệ nhân già còn lưu trong trí nhớ các giá trị truyền thống cổ xưa, không có sự lưu tâm kịp thời của giới sưu tầm, nghiên cứu, cũng như các ngành có liên quan, đã dần theo nhau “đi về bến nước ông bà” cũng là nguyên nhân khiến di sản nghệ thuật này bị mai một.

Đội chiêng nữ Buôn Trấp - Krông Ana.      Ảnh: Đình Đối
Đội chiêng nữ Buôn Trấp - Krông Ana. Ảnh: Đình Đối

Dẫu ít ỏi, chúng tôi cũng cố gắng ghi lại một số điều về nhạc cụ truyền thống của người Bih. Đa số đều có hình dạng và tên gọi như tộc người Êđê. Quan trọng nhất, khác biệt và độc đáo nhất là dàn ching gồm sáu chiếc có núm gọi là ching jhô. Các nữ nghệ nhân Buôn Trấp  gọi như sau :

- Hai chiếc nhỏ nhất đều gọi là ching anăk (có nghĩa là ching con)

- Hai chiếc trung đều gọi là ching ami hluê anăk (mẹ theo con)

- Hai chiếc lớn nhất đều được gọi là ching ama hluê ami (cha theo mẹ).

Âm lượng ching jhô không lớn, tiết tấu nhanh vừa, không cực nhanh, sôi nổi như nhịp điệu ching knă Êđê, cũng không chậm như chưng bo M’nông, mà thanh thoát, trong trẻo, không vang xa lắm. Dùi cứng bằng gỗ, nhưng được bọc bởi vải hoặc cao su, lại còn đặt nằm trên cánh tay trái của nghệ nhân, hoặc bị các ngón tay trái bịt lại. Do đó mà âm thanh và âm lượng cũng bị chặn bớt.

Ching Jhô thường được đánh chơi trong các dịp lễ vui, lễ cúng Yang hoặc trong đám ma. Hoàn toàn do phụ nữ diễn tấu, kể cả người cầm chịch trống H’gơr. Có lẽ chỉ hai tộc người Bih và Răk Glay ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên là có phụ nữ diễn tấu ching chăng? (người M’nông có thể cả nam và nữ cùng tham gia đánh chưng, gong).

Nghệ nhân Aduôn Ni giới thiệu múa dân gian Bih.                               Ảnh: L.N
Nghệ nhân Aduôn Ni giới thiệu múa dân gian Bih. Ảnh: L.N

Về bài bản, theo lời nghệ nhân Aduôn H’Ni (sinh năm 1940), người lớn tuổi nhất của  một trong hai đội ching jhô ở Buôn Trấp, thì từ khi bà còn nhỏ đã chỉ nghe có 4 bài ching, gồm: Drông duê (mừng đón khách), Wăk wei (tiếng khung cửi), Hơk hơk (vui mừng) và Pek per (dùng trong đám tang). Trong ba bài ching trên, bài Drông duê (còn gọi là bài ching pâc mâc) đánh khi có khách đến nhà hoặc mở đầu một cuộc vui. Bài Wăk wei đánh khi cúng lúa. Khi diễn tấu bài ching này trong lễ ăn cơm mới, thường có đội hình múa của đám nữ thanh niên đi kèm theo, làm những động tác như đang suốt lúa. Bài Hơk hơk đánh khi cúng bến nước vào dịp cuối năm hay đầu năm mới. Bài ching này được diễn tấu cũng với đội múa nữ. Sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ bến nước và khắp trong buôn, trong mọi nhà, khởi lễ bắt đầu từ bến nước. Dàn ching sẽ đánh từ lúc thầy cúng cất tiếng, cúng xong, cả đoàn vừa đánh vừa đi dần vào buôn, vào nhà chủ bến nước. Hết cúng thì nghỉ. Bắt đầu ăn uống lại đánh. Khi có đám cưới, các nghệ nhân sẽ dùng bộ ching jhô êna, nghĩa là sử dụng thêm 2 chiếc ching knă (không có núm). Đó là hai chiếc ching khơk và ching H’Liang có kích thước nhỏ nhất trong bộ ching knă Ê đê, có thể tương đồng về hình thức với bộ ching jhô. Thường đánh bài Drông duê. Bài Pek per chỉ được đánh khi có đám ma hay làm lễ bỏ mả. Bài ching này sẽ được tấu lên ngay khi người tắt thở, nghệ nhân đi vòng quanh người quá cố trong tiếng khóc của gia chủ. Đám ma kéo dài mấy ngày thì ching đánh bằng ấy thời gian. Khi đưa người chết ra huyệt mộ, dàn ching cũng vừa đi theo vừa đánh (từ trong nhà ra ngoài mộ), chỉ khi việc chôn cất xong xuôi mới ngừng nghỉ.

Người Bih có hai hình thức diễn tấu ching: khi ngồi đánh trong nhà sàn thì  mặt quay về hướng đông, có ching kê trên đùi, có ching tựa vào tay, có ching treo trên xà nhà. Khi đánh ngoài trời, tất cả cùng đứng hoặc đi vòng quanh ngược chiều kim đồng hồ. Những người phụ nữ vừa đánh ching vừa nhún nhảy di chuyển bước chân theo nhịp ching. Tay trái giữ ching, tay phải cầm dùi gõ lên mặt có núm.

Ching jhô cũng giống như ching knă của người Êđê, đều có nguồn gốc từ ching Campuchia hoặc Lào và ching Joăn (người Kinh). 

Một vật thiêng khác cũng rất được trọng vọng (của gia đình những người giàu có, nhiều của cải) thể hiện như một sức mạnh, niềm kiêu hãnh của gia đình và dòng họ, đó là chiếc trống cái H’gơr. Cũng như người Êđê, dàn ching Jhô của tộc người Bih dùng chiếc trống H’gơr lớn làm nhiệm vụ chỉ huy nhịp độ và sự ra vào, ngừng nghỉ của cả dàn nhạc. Tấu ching toàn nữ và trống cũng do một người phụ nữ có tuổi, vững nhịp nhất đảm nhận diễn tấu.

Chiếc trống đã truyền từ ba bốn đời nay của gia đình cố nghệ nhân Aduôn H’Drai rất đặc biệt: được làm bằng nguyên một đoạn thân gỗ tròn sơn đen bóng và dùng những chiếc đinh sắt đầu có mũ để găm da bò, hoặc da trâu làm mặt trống, thành một hàng vòng tròn theo tang trống (chưa có một tộc ngưòi nào ở Tây Nguyên có trống sơn đen và dùng đinh sắt có mũ ghim mặt trống. Tại Việt Nam, chúng tôi cũng chưa thấy ở vùng nào làm trống như vậy). Trống Bih nhỏ hơn trống Eđê,

nhưng cũng chỉ đặt tại chỗ, phía mặt để đánh ghếch lên một giá gỗ nhỏ.

Ở vùng Krông Ana thuộc nhóm Bih, đến nay vẫn còn thấy các trẻ em chơi những chiếc trống đất (H’gơr êlăn). Người ta đào một chiếc hố đất sâu chừng 30cm, đường kính miệng hố khoảng 40cm, giữa hố đóng một chiếc cọc tre cao vượt lên khỏi miệng hố chừng 15cm, sau đó phủ cành lá cây kín mặt hố, trải lên trên một lớp đất mỏng. Tiếp đó đóng hai chiếc cọc tre hai bên cũng cao chừng 15cm, một sợi dây thép (trước đây là dây rừng) nối qua ba đỉnh cọc tre. Dùng que tre gõ lên mặt dây, âm thanh phát ra nghe trầm đục  và âm âm.

Ngoài dàn ching và trống H’gơr, hầu như không còn nhạc cụ nào thuộc nhóm họ gõ nữa.

Các nhạc cụ khác :

Hệ thống nhạc cụ dùng hơi thổi của người Bih không nhiều và có tên gọi cũng như hình dạng tương tự như nhạc cụ của người Êđê. Nghệ nhân Ama H’Rai 73 tuổi, ở Buôn Trấp miêu tả như sau :

Đing năm: gồm sáu ống nứa dài ngắn, lớn nhỏ khác nhau, cắm vào vỏ trái bầu khô, hàn kín bằng sáp ong ruồi. Khi diễn tấu, thế tay cũng giống như cách thổi của đing năm Êđê: tay trái ngửa, ngón trỏ và ngón giữa bịt mở hai lỗ ống phía dưới, ngón tay cái bịt mở lỗ cạnh bên trái. Tay phải ngửa, ngón trỏ và ngón giữa bịt mở hai lỗ bên dưới hai ống trên và ngón cái bịt mở lỗ cạnh bên phải. Âm lượng đing năm lớn hay nhỏ tùy theo đường kính của các ống và vỏ bầu. Mỗi ống có cao độ tương ứng theo âm thanh của từng chiếc trong bộ ching Jhô (hluê ching). Âm thanh dìu dặt, mênh mang dàn trải, nghe hơi buồn.

Đing buốt (sáo dọc): là một ống nứa đường kính chừng 8-10cm, dài chừng 40cm, khoét bốn lỗ phía trên mặt ống. Ngậm đầu ống vào miệng thổi. Âm lượng phụ thuộc vào độ lớn nhỏ của đường kính ống. Âm thanh trầm ấm.

Đinh Kliă (sáo dọc): là một ống nứa nhỏ, đường kính chừng 2cm, dài khoảng 30cm. Có khoét bốn lỗ. Âm thanh không lớn nhưng lảnh lót, cao vút như tiếng chim. Khi diễn tấu, nghệ nhân dùng các ngón tay rung thân cây sáo để tạo thành  tiếng rung.

Guat (kèn môi): là một thanh nứa mỏng hai đầu hơi nhọn, tách phần giữa thành một mảnh nhỏ, một bên rời ra khỏi thân. Khi diễn tấu, nghệ nhân ngậm ngang toàn bộ thanh nứa trong miệng. Tay trái cầm gốc kèn, tay phải gảy phần còn lại, dùng vòm miệng làm hộp cộng hưởng. Âm lượng nhỏ, âm thanh đục.

Ky pah (tù và): làm bằng sừng trâu, dài khoảng 30-40cm. Đầu nhọn có khe hẹp, đầu lớn rỗng. Ở giữa sừng trâu khoét một lỗ rất nhỏ, đặt một chiếc lưỡi gà bằng tre vào giữa một núm tre nhỏ, hàn kín lại bằng sáp ong ruồi. Khi diễn tấu, người nghệ nhân đặt chiếc sừng nằm ngang trong lòng bàn tay trái, miệng ngậm vào núm có lưỡi gà ở giữa thân. Ngón cái tay trái bịt khe đầu nhọn, lòng bàn tay phải bịt mở vỗ vào đầu rỗng. Âm lượng của ky pah rất lớn, vang rất xa. Cao độ chỉ có từ 2-3 âm, cách nhau một quãng 3 trưởng hoặc 3 thứ. Số nốt có thể tăng lên hoặc giảm xuống một quãng 8 cực cao hoặc cực trầm. Ky pah Bih cũng chỉ có thể thổi được ở ngoài rừng, ngoài đồng.

Đinh Atút, đing tok bok: khác với 6 ống đinh Tut của người Êđê, đinh Atút Bih chỉ gồm 5 ống nứa to, nhỏ khác nhau, chỉ dài từ 10-20cm. Một đầu rỗng, một đầu để nguyên mấu. Âm thanh tương ứng 5 chiếc ching trong bộ ching Jhô. Đinh Atút cũng là của  phụ nữ thổi bày tỏ tâm sự trong những đám tang. Khi thổi, năm người phụ nữ ngồi tụ thành vòng tròn bên cạnh thi hài người đã khuất, ống Atút đặt thẳng đứng, phía ống rỗng kề sát  môi dưới. Âm lượng nhỏ, âm thanh vi vu như lời thủ thỉ tâm sự mọi nỗi buồn vui.

Nghệ nhân Ama H’Drai có thể thổi được tất cả các nhạc cụ nói trên, nhưng không biết cách chế tác. Hiện nay trong buôn không còn có thể tìm được nguyên liệu, cũng như không còn ai biết làm ra các loại nhạc cụ này nữa.

Cho dẫu thời gian ngày một bào mòn văn hóa truyền thống thì đến hôm nay, dàn ching Jhô vẫn gắn bó với sinh hoạt cộng đồng. Các nữ nghệ nhân Bih ở Buôn Trấp cũng đã từng mang dàn ching độc đáo của mình tham gia biểu diễn ở Cộng hòa Pháp và nhiều nơi trong nước, góp một “bè” không dễ lẫn trong bản giao hưởng của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc