Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới ở buôn Khanh

06:49, 24/09/2012

Buôn Khanh, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) là buôn căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Trước đây, buôn có tỷ lệ hộ đói, nghèo cao (năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo trong buôn là 62,3%, tỷ lệ nhà tạm chiếm trên 50%). Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, bà con buôn Khanh đã tận dụng hết đất đai sẵn có để đưa cây cà phê, cây ngô lai và cây sắn cao sản vào sản xuất. Nhờ vậy, buôn Khanh là một trong những buôn có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có thu nhập bình quân đầu người cao nhất của xã Cư Pui và được chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Khanh xây được nhà cửa khang trang.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Khanh xây được nhà cửa khang trang.

Buôn Khanh hiện có 171 hộ với 778 khẩu, trong đó 121 hộ, 652 khẩu là người dân tộc thiểu số. Bộ mặt buôn Khanh đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 14%, điện lưới quốc gia và nước sạch đã đến với 100% hộ gia đình; hệ thống giao thông nội vùng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa; đập thủy lợi Ea H’Mun được bê tông hóa phục vụ tưới tiêu cho gần 20 ha lúa nước. Đặc biệt, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, nhiều hộ dân từ đói nghèo đã vươn lên làm giàu, xây dựng nhà kiên cố, mua sắm những phương tiện hiện đại phục vụ đời sống gia đình và sản xuất... Ông Ama Ku, Trưởng buôn Khanh phấn khởi cho biết: “Trong buôn, nhiều hộ người có thu nhập cao từ cây ngô lai như hộ Ama Ngọc, Ama Che, Ama Lem, Ama Pheng, Ama Uyên, Ama Gui… mỗi vụ thu hoạch trên 20 tấn ngô lai, đặc biệt hộ Ama Pom, Ama Phi, Ama Tranh… mỗi năm thu trên 30 tấn. Cả buôn đã có gần 100 hộ mua được máy cày, xe công nông, máy tưới, máy đập để phục vụ sản xuất. Hiện tại trong buôn chỉ còn 3 hộ có nhà tạm nhưng đã được đưa vào diện hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167 giai đoạn 2”. Ở buôn Khanh có gần 50 hộ người Kinh, chủ yếu là người từ các tỉnh Hà Nam và Nam Định vào định cư từ năm 2000. Hầu hết các hộ này hiện cũng đã có cuộc sống ổn định, không còn hộ nghèo. Anh Trần Văn Huynh, Buôn phó buôn Khanh cho biết: “Những hộ dân kinh tế mới ở buôn Khanh đều có thu nhập khá, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Hầu hết bà con ở đây đều có đất để sản xuất và kết hợp chăn nuôi trâu, bò, heo, gà thả vườn... Bình quân mỗi hộ có khoảng 1,5 ha cà phê và 1,5-2 ha đất trồng các loại cây ngắn ngày. Rất nhiều hộ đã xây được nhà cửa khang trang”.

Đời sống tinh thần của người dân buôn Khanh cũng được quan tâm. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong buôn rất sôi nổi. Ông Ama Đen, Bí thư Chi bộ buôn Khanh cho biết: “Các đoàn thể trong buôn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ở Nhà Văn hóa cộng đồng. Vừa qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đồng ý tài trợ 150 triệu đồng để tu sửa, nâng cấp Nhà văn hóa. Hiện tại trong buôn vẫn còn lưu giữ được hàng chục bộ chiêng. Ban tự quản cũng đã quy hoạch và dành quỹ đất trong buôn để làm sân bóng chuyền và sân bóng đá đạt tiêu chuẩn. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong buôn luôn được giữ vững và ổn định”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.