Multimedia Đọc Báo in

Di văn Hán Nôm trên đình Lạc Giao

09:17, 06/10/2012

Đình Lạc Giao (số 67 Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột)  là một Di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Nguyên đình được vua Bảo Đại ban sắc tứ phong Đào Duy Từ làm Thành hoàng. Cũng như nhiều di tích đình chùa khác, đình Lạc Giao có di văn Hán Nôm (hoành phi, câu đối) mà qua đó có thể hiểu thêm về giá trị lịch sử của di tích.

 Lễ Tế Thu năm Nhâm Thìn tại đình Lạc Giao.  Ảnh: Lưu  Minh Khoa
Lễ Tế Thu năm Nhâm Thìn tại đình Lạc Giao. Ảnh: Lưu Minh Khoa

Câu đối chữ Hán được trang trí trong các đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ để trang trí và tôn lên trang trọng, tôn nghiêm của những di tích cổ. Chữ Hán - Nôm (di văn Hán Nôm) đóng một vai trò quan trọng trong mỗi ngôi đình, ngôi chùa nói chung. Ngoài việc tô điểm cho di tích, chữ Hán còn được tiền nhân ghi chép tạo nên những lớp ý nghĩa liên quan đến di tích; nó mang ý nghĩa tinh thần biểu trưng cho một thời ông cha ta đã từng sinh hoạt trên mảnh đất này.

Di văn Hán Nôm trên đình Lạc Giao bao gồm cả hoành phi và câu đối. Hoành phi là những biển gỗ có khắc các chữ Hán hoặc Nôm được treo ngang trên bàn thờ. Thông thường hoành phi hoặc câu đối trong các di tích phải đọc ngược từ phải qua trái. Hoành phi được chạm khắc tỉ mỉ, sơn son thếp vàng, trang trí cầu kỳ; có bức hoành phi lại được mạ vàng làm tăng lên vẻ sang trọng, quý phái. Hoành phi chỉ từ 2 chữ đến 5 chữ đại tự, kèm thêm hai dòng “lạc khoản” đề ngày tháng và tên người dâng cúng, thường khắc những lời, từ ngữ cầu chúc tổ tiên, hay nguyện cầu, mong ước hoặc giáo dục, nhắc nhở người đời sau tôn kính và nối tiếp truyền thống tốt đẹp của tiền nhân. Về phần câu đối: câu đối (hay còn gọi là đối cú) bao gồm hai vế được khắc trên gỗ, cũng được gọi là câu liễn, treo trên các cột đối xứng nhau, hoặc đắp nổi, khắc chìm trên trụ cột, trụ biểu của đình chùa, am, miếu, nhà thờ. Nội dung hoặc mô tả cảnh sắc tốt đẹp, hoặc mong ước phát triển, hoặc biểu lộ lòng tôn kính, nhắc nhở con cháu hiếu đễ, trung tín, nối tiếp truyền thống của tổ tiên… Hoành phi ở đình Lạc Giao có hai bức, một bức đầu tiên được khắc 3 chữ Hán là Giao Lạc đình (đình Lạc Giao), đây là tên của di tích, Lạc Giao là địa danh, còn chữ đình để phân biệt với các công trình kiến trúc khác như đền, miếu, tự. Hai chữ lạc giao về mặt ý nghĩa chỉ vùng đất vui vẻ nên con người quần tụ … Và một bức hoành phi ở phía trong đình với bốn chữ Hán: Hiển linh cảm ứng (Cảm ứng linh thiêng). Bức hoành phi này ca ngợi thành hoàng làng hiển linh cảm ứng có thể giúp đỡ che chở cho dân lành, cầu mong tất ứng (không phải đình làng nào cũng có 4 chữ này).

 Bức hoành phi “Lạc Giao đình”  Ảnh: N.H.K
Bức hoành phi “Lạc Giao đình”.   Ảnh: N.H.K

Ngoài hoành phi ra, đình Lạc Giao còn được khắc một số cặp câu đối bằng chữ Hán, cụ thể là có 3 cặp câu đối được khắc ở bình phong trước đình, ở 2 cột trong chính gian giữa của đình. Cặp câu đối bên ngoài được khắc bốn chữ Hán:

Thần sơn dục tú

Phúc địa chung linh

Nghĩa là:

Thần ở chốn núi non

tươi đẹp

Nơi phúc địa hun đúc khí

anh linh

Cặp câu đối này ca tụng mảnh đất nơi đây là nơi phúc địa, có núi non tươi đẹp và đất đai tốt lành linh thiêng. Tiếp đến là hai cặp câu đối ở trong đình:

Cặp thứ nhất ghi rằng:

Đình vũ tái nguy nga ngưỡng bằng địa linh nhân kiệt

Thần công đa hão đãng hộ trì quốc thái dân an

Nghĩa là:

Ngôi đình lại được nguy nga ngưỡng trông đất địa linh nhân kiệt

Giúp nước an dân công thần mênh mông vô bờ bến

Cặp câu đối này ca ngợi mảnh đất địa linh nhân kiệt và ca tụng công ơn trời biển của thần đã giúp đỡ phù hộ cho quốc thái dân an. Nhân dân không quên ơn thần nên đã xây dựng đình khang trang, nguy nga để phụng sự thần chu toàn.

Cặp thứ hai ghi rằng:

Cộng tế giang sơn thần tiết cần lao ngũ tự

Giải hòa cương thổ quốc ân vinh hưởng thiên niên

Nghĩa là:

Thần cùng cứu vớt giang sơn nêu khí tiết cần cù, năm lần cầu đảo

Đất đai cương thổ chịu ơn công lao ngàn năm dân được hưởng phúc lành

Cặp câu đối này cũng không nằm ngoài việc tôn vinh và ca ngợi vị thần có công cầu đảo cứu nước non, làm cho đất nước nhân dân hưởng nền thái bình muôn thuở.

Di văn Hán Nôm nêu trên một lần nữa cho thấy đình là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, với mục đích cầu mong cho quốc thái dân an. Hằng năm, tại đình diễn ra các hoạt động tế lễ định kỳ gồm: Tế Xuân vào hai ngày 16, 17 tháng Giêng (âm lịch), cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, người dân làm ăn, buôn bán thuận lợi, phát đạt; Tế Thu vào hai ngày 16, 17 tháng Tám (âm lịch), là dịp để bà con tạ ơn trời đất, thần linh gia hộ, giúp bà con làm ăn, buôn bán thuận hòa. Ngoài ra vào ngày 27 tháng 10 (âm lịch) đình có Lễ tế 100 chiến sĩ Nam tiến hy sinh và đồng bào Lạc Giao tử nạn năm 1945, thể hiện lòng thành kính, tri ân của bà con dân làng với những người đã ngã xuống để giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.

Đặc biệt, từ khi Giỗ Tổ Hùng Vương được công nhận là Quốc lễ, đình Lạc Giao là địa điểm tổ chức lễ Giỗ Tổ (10 tháng 3 Âm lịch hằng năm) của tỉnh; đông đảo nhân dân trong tỉnh đến đây thắp nén nhang thành kính hướng về đất Tổ.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.