Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo đại ngàn vắng bóng voi!

21:41, 02/10/2012

Đàn voi nhà Dak Lak đang bị vắt kiệt sức, liên tục bị kẻ xấu sát hại để lấy ngà, lông đuôi, và hơn 20 năm nay đàn voi nhà không thể sinh sản thêm được một chú voi con nào. Trong tự nhiên, đàn voi hoang dã cũng liên tục bị chết bất thường, bị sát hại, điều này khiến nhiều người cho rằng nguy cơ tuyệt chủng của đàn voi Dak Lak không còn xa.

Tàn ác với voi

Một con số thống kê làm nhiều người giật mình, trong năm 2011 đàn voi Dak Lak “tống tiễn” hơn 10 cá thể voi (cả voi rừng, voi nhà) về với “bến nước ông bà”, và chỉ tính riêng trong 8 tháng của năm 2012, liên tục 5 cá thể voi rừng bị chết, bị giết hại một cách dã man, trong đó có 3 con voi trưởng thành. Có chứng kiến những vụ voi chết mới thấy hết sự tàn ác của con người đối với loài vật khổng lồ được tiếng thông minh này. Mới đây thôi (25-8), người ta cùng lúc phát hiện 2 cá thế voi trưởng thành bị bắn chết tại VQG Yok Đôn ở toa độ 48P 0789.227; UTM 144.6270 - thuộc khoảnh 7 - tiểu khu 257 - phạm vi quản lý trạm kiểm lâm số 11 - là vùng lõi, thuộc phía bắc VQG Yok Đôn. 2 con voi rừng, một đực, một cái nằm chết cách nhau khoảng 5m giữa rừng, trọng lượng cơ thể ước tính lên đến hàng tấn, trên mình voi có hàng chục vết tích cắt xẻ. Khi phát hiện, voi đang trong quá trình phân hủy nên mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Con voi đực bị những kẻ thủ ác đục tung phần xương mặt để lấy ngà, vòi bị cắt đứt lìa nằm lăn lóc dưới đất, nhiều bộ phận trên mình voi đã biến mất. Chứng kiến cảnh này, nhiều người đã không khỏi rùng mình và nghĩ về sự tàn ác tột độ của những kẻ đang tâm bắn chết 2 con voi.

Voi cõng khách du lịch qua sông Sêrêpôk.
Voi cõng khách du lịch qua sông Sêrêpôk.

Theo Trung tâm bảo tồn voi nhận định, nhiều khả năng 2 cá thể voi nằm trong đàn voi khoảng 30 con thường xuyên sinh sống tại Vườn quốc gia Yok Đôn, sau một thời gian di chuyển sang vùng đất Campuchia kiếm ăn, cuối tháng 8 gặp mùa mưa, cây cối thức ăn ở YoK Đôn xanh tốt, theo thói quen chúng cùng đàn quay “trở về nhà”. Nhưng những chú voi ấy đã không ngờ được âm mưu của những kẻ thủ ác, và chuyến “trở về nhà” lần này trở thành “định mệnh” của chúng. Về nguyên nhân voi chết, các cơ quan chức năng đều nhận định, nhiều khả năng 2 con voi rừng bị săn bắn để lấy ngà. Vậy nhưng đã hơn 1 tháng kể từ thời điểm phát hiện voi bị giết (25-8), đến nay hung thủ giết voi vẫn là một ẩn số, cơ quan chức năng gần như bất lực và người ta đặt nghi ngờ rằng vụ án sát hại voi rừng dễ có nguy cơ chìm vào lãng quên. Nói như vậy không phải người viết võ đoán, mà thực tế đã cho thấy điều này, bởi trước đó chưa lâu, khoảng tháng 3-2012 chỉ trong vòng một tuần (từ 26 đến 31-3) tại địa bàn huyện Ea Súp người ta cũng đã phát hiện 3 con voi hoang dã bị chết, trong đó có một cá thể voi đực trưởng thành cao 2,4m, dài 4,3m, nặng khoảng 1,5 - 2 tấn bị bắn hạ tại tiểu khu 283, thuộc địa bàn xã Ea Bung và đang trong tình trạng phân hủy. Hiện trạng chú voi đực này cũng chẳng khác con voi đực bị giết được phát hiện ngày 25-8 là mấy, với phần xương đầu bị đục tung, các bộ phận như ngà, đuôi, vòi và đế bàn chân của voi đã bị đánh cắp. Cơ quan chức năng vào cuộc, nhận định rằng con voi xấu số này đã bị thợ săn chuyên nghiệp giết hại để lấy ngà, đuôi... Vậy nhưng, từ đó đến nay nguyên nhân cái chết, tung tích hung thủ giết hại voi rừng vẫn… bặt vô âm tín (?!).

Voi rừng sống ngoài tự nhiên bị săn bắn, giết hại đã đành, voi nhà được nuôi nhốt, chăm sóc cẩn thận cũng bị kẻ xấu tìm mọi cách giết hại. Còn nhớ cách đây không lâu vào cuối năm 2010, chú voi Pắk Kú có bộ ngà dài đẹp nhất nhì Buôn Đôn thuộc sở hữu của Khu du lịch Thanh Hà, trong một đêm xích thả ăn trong rừng đã bị kẻ xấu tưới xăng đốt và chém trên 200 nhát nhằm cướp đi mạng sống của nó để lấy ngà, lông đuôi. Trong cơn sinh tử cùng cực, voi Pắk Kú đã bứt đứt xích chạy thoát khỏi bàn tay những kẻ giết mình, song sau hơn 2 tháng chống chọi với những vết chém ác hiểm, nó đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 2011, khi mới 30 tuổi. Và cũng từ đó đến nay, những kẻ ác đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật…

Nguy cơ vắng bóng voi

Theo thống kê, nếu như vào năm 1980, đàn voi nhà của tỉnh có 502 con, thì đến năm 1990 giảm xuống còn 298 con và đến năm 2000 chỉ còn 96 con. Trong cuộc khảo sát mới đây, tỉnh Dak Lak hiện chỉ còn trên 50 con voi nhà tập trung chủ yếu ở các huyện Lak, Ea Súp và Buôn Đôn, phần lớn làm việc trong các khu du lịch và bị bóc lột sức lực một cách thậm tệ. Nếu như trước đây, sau giờ làm việc voi được thả vào rừng để tự do ăn uống, được quan tâm, chăm sóc cẩn thận, thì hiện nay vì mục đích kinh doanh, vì lợi nhuận kinh tế, voi bị khai thác triệt để, kiệt quệ. Đàn voi nhà không chỉ ít đi về số lượng, bị vắt kiệt sức mà hiện nay cũng đang kém đi về chất lượng, vì khoảng 30% đã trở thành “voi cụ”, khả năng sinh sản không còn cao. Theo ghi nhận, trong suốt hơn 20 năm qua, đàn voi nhà Dak Lak không đón nhận thêm được chú voi con nào chào đời. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi đàn voi nhà hiện nay đang thiếu vắng môi trường để chúng gặp gỡ và giao phối, các chủ voi quản lý voi độc lập, ít thả cùng nhau, chỉ tập trung vào việc phục vụ du lịch. Một thực tế đáng buồn phải nhìn nhận, voi nhà Dak Lak đang bị “cấm yêu”, điều này xuất phát từ cơ chế phân chia lợi ích giữa chủ voi đực và voi cái với nhau. Trong chuyện sinh sản của voi, thường chủ voi đực không được hưởng lợi, thậm chí còn phải “chịu vạ” nếu như voi đực giao phối làm voi cái bị thương, điều này đã hạn chế chủ voi đực thả voi của mình chung với voi cái của chủ khác. Từ thực tế trên, các chuyên gia nghiên cứu về voi tiên lượng rằng, chỉ trong vòng 20 - 25 năm nữa thôi, Dak Lak sẽ có nguy cơ sạch bóng voi nhà.

Một thực tế khác, theo các chuyên gia, đó là không có voi rừng thì không thể có voi nhà, và hiện nay đàn voi rừng cũng chỉ còn khoảng trên 100 cá thể. Tuy nhiên việc săn bắt voi rừng về thuần dưỡng hiện nay đã bị nghiêm cấm, “cánh cửa” bổ sung, phát triển đàn voi nhà coi như đã khép lại. Trong khi đó, ở môi trường tự nhiên, đàn voi rừng cũng đang đặt trong tình trạng nguy cấp, bởi những năm gần đây tình trạng “voi tặc” ráo riết săn lùng, bắn giết voi hết sức dã man để lấy ngà, lông đuôi xảy ra liên tục như đã nói ở trên. Việc những con voi đực trưởng thành bị giết hại, khiến nhiều chuyên gia đặt lo ngại về một quần thể voi rừng không còn bền vững nữa, khả năng sinh sản do đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tây Nguyên cho thấy, môi trường tự nhiên để voi sinh sống đang bị thu hẹp, trong 310.000 ha rừng tại khu vực có phân bố voi rừng của Dak Lak ở 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo, thì chỉ có khoảng 160.000 ha được xem là an toàn cho voi rừng sinh sống. Thế nhưng, chính sách đổi rừng lấy kinh tế bằng các dự án trồng rừng, trồng cao su tại những khu vực này càng khiến diện tích rừng bị bó hẹp. Một khi voi không còn đất sống, cạn kiệt nguồn thức ăn, chúng sẽ trở nên hung dữ, xung đột người – voi sẽ là điều khó tránh khỏi. Và một thực tế khác, Dự án bảo tồn đàn voi Dak Lak giai đoạn 2010-2015 đã được phê duyệt, đã qua nửa chặng đường nhưng đến nay vẫn gần như là con số không tròn trĩnh. Với cách làm chậm trễ, cùng với những thực tế đang xảy ra người ta có quyền nghi ngại và tiên đoán về một tương lai rằng vùng đại ngàn Tây Nguyên sẽ vắng voi trong một ngày không xa.

Lê Văn


Ý kiến bạn đọc