Món ngon của... rừng
Cư dân bản địa Tây Nguyên từ bao đời nay luôn sống trong sự đùm bọc, che chở của rừng. Họ gọi rừng là “bà mẹ” đầy ân sủng, vì từ nguồn tài nguyên này đã cho con người ở đây nguồn sống dồi dào, phong phú. Những mớ rau, mụt măng, đọt mây, trái cà đắng… từ lâu là nguồn lương thực không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày, và giờ đây, những đặc sản đó đang trở thành món ngon của rừng dâng tặng thực khách gần xa khi tìm đến với vùng đất Tây Nguyên.
Khó quên vị đắng đọt mây
Vị đắng khó quên từ những đặc sản của rừng mang lại không chỉ có cà đắng, măng le… vốn đã quen thuộc lâu nay, mà còn có những đọt mây mọc hoang chằng chịt trong rừng. Người ta chọn những đọt mây non tơ, bụ bẫm (dài khoảng ba bốn gang tay) mang về tước bỏ phần vỏ lá, sau đó nướng lên cho mềm rồi xé nhỏ từng sợi để nấu với nhiều loại thực phẩm khác như cá, thịt, mắm… đều tạo nên những món ăn ngon. Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên xưa thường nấu đọt mây với cá khô, thịt khô treo sẵn trên giàn bếp. Và cái thứ thức ăn (khô hoặc nước sền sệt) này cho người ăn vị đăng đắng khó quên. Nhiều người bảo ăn đọt mây vào sẽ trị được bệnh sốt rét, tiêu chảy đường ruột. Điều đó đã được kinh nghiệm thực tiễn từ đời sống ẩm thực của cư dân miền núi ngày xưa chắt lọc ra. Thật kỳ lạ: “kinh nghiệm” ấy là cả một sự khảo cứu, kết luận nghiêm túc của tri thức dân gian, bởi khi giở cuốn “Những cây thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi thì mới rõ rằng đọt mây rừng hàm chứa đầy đủ những dược tính trên.
Lá bép, đọt mây là nguồn thu nhập đáng kể của nhiều hộ gia đình người dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên. |
Ngày nay món ăn đọt mây đã hiện diện trong các nhà hàng, từ bình dân cho đến sang trọng cũng nhờ sự kết hợp đặc biệt của nó-vừa là món ăn, vừa là vị thuốc trị bệnh công dụng. Xét về mặt văn hóa ẩm thực, đọt mây rừng không còn là món ăn dân dã, bình dị của thiểu số người sống và gắn bó với rừng, mà nó đã đi xa hơn và có mặt trên các bàn ăn đầy “cao lương, mỹ vị”. Này nhé: đơn giản thì đọt mây nấu với cá hộp, thịt hộp…hoặc xé nhỏ từng sợi làm gỏi gà, khô nai, khô cá, mực. Cầu kỳ hơn thì luộc lên cho bớt đắng, sau đó cắt nhỏ như hạt lựu hầm với các loại thịt. Những món ăn được chế biến từ đọt mây đang trở thành “đặc sản” hấp dẫn thực khách tại nhiều khu du lịch, nhà hàng ở Tây Nguyên. Tại Dak Lak, bạn đến khách sạn Yang Sing, Khu du lịch văn hóa-ẩm thực buôn Akô D’hông, thậm chí Bạch Mã, Tuấn Đạt… đều có những món ăn này. Sang Khu du lịch Đồng Xanh (Gia Lai), Măng Đen (Kon Tum), hay về Gia Nghĩa, Nâm Nung (Dak Nông) thì đọt mây càng là sự chọn lựa không thể thiếu trong những bữa tiệc đãi khách phương xa. Thế mới biết từ sản vật của rừng đã cho con người nguồn sống đi cùng với cảm giác khám phá và thưởng thức nó thú vị và phong phú biết dường nào!
Ngọt bùi rau dầm tang
Rau dầm tang ẩn mình dưới suối vào sáu tháng mùa khô, đến mùa mưa lại cựa mình trỗi dậy. Những mầm rau xanh biếc, vươn dài như thể trong thời gian mùa khô nó đã tích tụ biết bao dưỡng chất của đất, của nước để dâng hiến cho con người có cái ăn dằn bụng trong những ngày dầm dề mưa rừng trút xuống. Cũng có lẽ sống cuộc sống như vậy, nên rau dầm tang trông nuột nà, mong manh hơn bất kỳ loại rau rừng nào khác. Cọng rau giòn dễ gãy, lá như lá răm và cũng dễ bị bầm úa, tổn thương, nhưng lại có vị ngọt bùi khó tả. Dầm tang không dùng để ăn sống, mà phải nấu nhừ lên cùng nhiều loại thực phẩm dễ tìm kiếm trong rừng như măng le, củ mài và nấm. Khi ăn vào có vị bùi nơi đầu lưỡi, một lúc sau thấm ngọt nơi cổ họng. Có người bảo rau dầm tang trong rừng giống như cây cải cay ở trong vườn tược miệt đồng bằng vậy - một khi thưởng thức đều thi vị vì nó khai mở cho người ăn nhiều cảm giác: đắng - cay, ngọt - bùi…đều có cả.
Không nghi ngờ gì nữa, rau dầm tang không những là nguồn thực phẩm thông thường, mà còn là món gia vị của rừng ban tặng. Nấu bất cứ món gì được cho là đặc sản của rừng (từ măng le, củ mài, nấm…đến cá, thịt thú rừng các loại) đều không thể thiếu dầm tang. Tùy theo từng món ăn mà người ta cho vào lượng rau dầm tang ít hoặc nhiều. Chẳng hạn, để cho tô canh cá suối được thơm ngon hơn, chỉ cần thái nhỏ một nắm rau dầm tang bỏ vào (như hành ngò) là được. Còn muốn có một nồi thịt (hoặc lòng) hầm lên béo ngậy và thơm lừng, phải cho thật nhiều dầm tang vào thì sẽ được như ý. Hơn thế, loại rau này là một phần không thể thiếu trong món muối chấm của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên xưa nay. Món muối chấm (với các loại thịt, cá nướng) ấy ngon đến nỗi các nhà hàng, khách sạn hiện nay đặt hàng từ các nghệ nhân ẩm thực người dân tộc thiểu số để đưa vào “menu” nhằm câu thực khách. Bất kỳ ai được thưởng thức một lần đều không thể nào quên mùi vị rất riêng và độc đáo của nó.
Đến bây giờ, trong những ngày mưa, đâu đó trên các ngả đường Buôn Ma Thuột, vẫn dễ bắt gặp những người đàn ông, đàn bà từ Buôn Đôn, Cư M’gar hoặc xa hơn nữa là Ea Súp ra phố, chở theo những bó rau dầm tang để bán dạo. Họ vừa đi vừa rao: Ơ…! dầm tang, dầm tang…
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc