Nhân lực phục vụ cho kinh tế du lịch - yêu cầu bức thiết đặt ra
Bất kỳ ngành nghề nào, nhân lực là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp (DN), hay tổ chức cá nhân nào đó trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình. Du lịch cũng vậy, vấn đề con người càng phải được quan tâm, bởi trong lĩnh vực đặc thù này, yếu tố con người đóng vai trò chi phối xuyên suốt và toàn bộ.
Với những nét đẹp văn hóa truyền thống còn lưu giữ được, buôn Akô Dhông (Buôn Ma Thuột) đã trở thành điểm đến của nhiều du khách. Ảnh: Hoàng Gia |
Thực tế du lịch Dak Lak cho thấy, đối với các cơ sở lưu trú du lịch, những năm qua đã có sự phát triển đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Điều đó thể hiện ở chỗ, riêng trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột hiện có 45 khách sạn (trong đó có 2/3 cở sở được xếp sao) và 75 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, đáp ứng năng lực lưu trú cho khoảng 4.000 người cùng một lượt/ngày đêm. Nhờ thế hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị có quy mô khu vực và toàn quốc thường xuyên được tổ chức tại đây, đem lại nguồn doanh thu đáng kể cho ngành du lịch địa phương. Còn các tour - tuyến du lịch văn hóa - sinh thái thì sao? Phòng nghiệp vụ Du lịch (Sở VH-TT-DL) cho rằng, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Thứ nhất, việc quy hoạch, đầu tư tại các điểm trên còn manh mún, chắp vá và thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là do nguồn lực tài chính của các DN còn yếu, thiếu sự chủ động liên kết, liên doanh với bên ngoài để phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Thứ hai, sản phẩm du lịch của các đơn vị này vẫn còn quá đơn điệu, trùng lặp và thiếu đi sản phẩm có tính cạnh tranh nhằm thu hút du khách. Thứ ba là nguồn nhân lực phục vụ cho ngành “Công nghiệp không khói” này còn yếu và thiếu trầm trọng. Và cũng chính vì vậy mà hình ảnh du lịch Dak Lak trở nên nhạt nhòa trong lòng du khách.
Qua thống kê chưa đầy đủ của Sở chủ quản, đến nay có khoảng 6000 lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp trong các DN kinh doanh và khai thác du lịch. Trong số này, tỷ lệ người lao động đã được đào tạo nghề (từ trung cấp trở lên) chiếm gần 48%. Và con số 48% ấy, theo đánh giá của cơ quan nghiệp vụ Du lịch (Sở VH-TT-DL) cũng chỉ mới đáp ứng ở mức tối thiểu cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng và các cơ sở lưu trú thuần túy trên địa bàn. Có nghĩa là nhân viên du lịch ở đó mới chỉ đảm đương các công việc như dọn dẹp buồng phòng, tiếp tân, đưa đón, hướng dẫn du khách đi lại, ăn ở và sinh hoạt…Còn kỹ năng cũng như kiến thức cao hơn nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách, nhất là khách quốc tế qua những tour - tuyến du lịch văn hóa - sinh thái thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Câu hỏi đặt ra: vì sao lại như vậy? Một số DN làm du lịch văn hóa-sinh thái trên địa bàn Dak Lak như: Dam San, Thanh Hà, Banmeco và Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak… phản ánh: hiện rất khó tìm đội ngũ lao động có chuyên môn, kiến thức cao trong lĩnh vực này. Sinh viên tốt ngiệp các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành du lịch thì họ không về Dak Lak; lấy người tại chỗ (như yêu cầu bắt buộc của tỉnh đối với các nhà đầu tư vào đây) thì không thể lành nghề và không bảo đảm được yêu cầu công việc đặt ra. Cuối cùng đành xoay xở và khắc phục theo kiểu “vừa học, vừa làm”. Rõ ràng, vấn đề nhân lực để phát triển du lịch Dak Lak trong hiện tại và tương lai là yêu cầu bức thiết đặt ra. Có thể nói, một khi yếu tố này không được đáp ứng thì du lịch ở đây khó bề quảng bá và thu hút du khách. Và cũng từ chỗ thiếu nhân lực trình độ cao đã khiến nhiều DN tự trói tay mình lại trong việc triển khai hoạt động khai thác, kinh doanh.
Tỉ như thời gian gần đây, một số DN như Đam San, Công ty Du lịch Bản Đôn (thuộc Công ty Cao su Dak Lak) đã tìm tòi, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới: Trải nghiệm với văn hóa cà phê; Bảo tàng văn hóa dân gian Tây Nguyên cùng những lễ hội (tín ngưỡng, tâm linh) cổ xưa và giàu bản sắc của các dân tộc bản địa được nghiên cứu, chọn lọc để tái hiện lại nhằm phục vụ và thu hút du khách… nhưng vì do thiếu (thậm chí không có) con người am tường, có chuyên môn sâu về vốn văn hóa trên nên chưa thể biến những sản phẩm du lịch mới này “món ăn” ngon, hoàn thiện… để phục vụ “thượng đế” được. Vì thế, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Dak Lak, Lê Hoàng Cơ, sau gần ba năm triển khai, đến nay những sản phẩm ấy cũng chỉ mang tính thể nghiệm mà thôi, du khách còn chưa biết đến nhiều. Cần phải tích cực tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ và sâu rộng hơn trên nhiều phương diện. Về vấn đề này, theo ông Cơ, ngoài trách nhiệm của các DN ra, UBND tỉnh cũng nên quan tâm tạo điều kiện cho ngành Du lịch thành lập Trung tâm xúc tiến, quảng bá chuyên biệt hình ảnh của “Ngành công nghiệp không khói” này đến với mọi người một cách thường xuyên và có trọng tâm hơn. Theo đó, nhanh chóng xây dựng và thực hiện một cách đồng bộ, có quyết tâm Đề án Phát triển du lịch Dak Lak từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND, HĐND tỉnh thông qua. Trong đó chính sách thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực phải được quan tâm hàng đầu. Có quyết tâm như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của Bộ VH-TT-DL đặt ra là xây dựng Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung trở thành 1 trong 10 vùng du lịch trọng điểm quốc gia trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc