Multimedia Đọc Báo in

Ngân mãi tiếng ching Kram giữa đại ngàn

23:11, 24/05/2013

Âm thanh tròn, ấm, êm dịu phát ra từ những thanh tre, nứa như cuốn hút, mê đắm đưa mọi người trở về không gian của đại ngàn hùng vĩ, giữa bạt ngàn của màu xanh nương rẫy…

Sức lan tỏa từ một loại nhạc cụ

Không phải đến bây giờ mọi người mới biết đến ching Kram (chiêng tre) của đồng bào Êđê, nhưng qua Liên hoan Dân ca toàn quốc lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 5-năm 2013, một lần nữa nhạc cụ này lại làm lay động trái tim của hàng trăm, hàng nghìn khán giả trực tiếp nghe các nghệ nhân trình tấu hoặc theo dõi qua màn ảnh nhỏ. Chỉ với 7 thanh tre đơn giản, mộc mạc như con người Tây Nguyên, các nghệ nhân buôn Kmrơng Prong A (xã Ea Tu, TP. BMT) đã đưa khán giả đến với đại ngàn hùng vĩ, giữa bạt ngàn màu xanh nương rẫy… Nơi ấy, hằng ngày những chàng trai Êđê cần cù lao động làm ra hạt bắp, hạt lúa và khi ánh nắng mặt trời vừa tắt, họ tập hợp nhau lại cùng tấu lên những bài chiêng xua đi mệt nhọc sau một ngày lao động. Nghệ nhân Y Sơn, Đội trưởng Đội Chiêng tre buôn Kmrơng Prong A cho biết, nếu như chiêng đồng được ngân lên trong các lễ hội, gắn với lễ nghi thì chiêng tre là dụng cụ để trẻ con tập đánh trước khi đến với chiêng đồng. Do đó chiêng tre không được đánh trong nhà dài truyền thống mà chỉ đánh dưới sàn nhà, trên nương rẫy. Cũng chính vì không bị ràng buộc bởi nghi lễ nên hầu hết nam thanh niên trong buôn hồi ấy ai cũng biết đánh chiêng tre. Mỗi bộ chiêng tre là một dàn hợp xướng âm thanh, tương ứng như dàn chiêng đồng, với các âm giai của từng cá thể chiêng tương ứng, tuy nhiên, do chất liệu tre nứa nên chiêng tre không đủ 10 thang âm như chiếng đồng. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân cho hay, nguyên thủy ching kram chỉ có 6 chiếc, mỗi thanh tre được coi là một “phím đàn”, sau khi cải tiến dàn chiêng gồm 7 chiếc. Mỗi chiếc ching kram có âm sắc, giai điệu khác nhau, nhưng khi tất cả cùng ngân lên sẽ tạo thành một dàn hợp xướng sinh động dễ đi vào lòng người. Khi tấu chiêng, nghệ nhân đặt ống tre (ống cộng hưởng âm) giữa 2 chân, thanh tre già kê trên đùi, tay cầm dùi gỗ (bọc dây cao su) gõ vào thanh tre cho âm vọng xuống ống tre tạo ra âm thanh đặc trưng. Tư thế đánh chiêng hiện nay hoàn toàn khác với ngày xưa, các thanh tre được đặt nằm ngang, một nghệ nhân cùng lúc có thể đặt nhiều thanh tre lên chân để diễn tấu. Một điều thật lạ, dẫu là dụng cụ để trẻ con tập đánh chiêng, nhưng chiêng tre có sức sống mãnh liệt và lan tỏa sâu rộng trong đời sống của cộng đồng người Êđê, và làm “mê hoặc” không ít khách du lịch khi đến thăm Dak Lak. Bởi thế nên hầu hết các buôn làng Êđê vẫn duy trì đội chiêng tre và hằng ngày vẫn diễn tấu…

Nghệ nhân buôn Kram truyền dạy chiêng cho lớp trẻ.
Nghệ nhân buôn Kram truyền dạy chiêng cho lớp trẻ.

Tiếp lửa truyền thống

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng gặp được “đội chiêng” nhí buôn Kram (xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana) khi năm học 2012-2013 sắp kết thúc. Nhìn các cậu bé từ  9-11 tuổi say sưa với những chiếc chiêng tre, biểu diễn thành thạo nhiều bài chiêng không thua kém các nghệ nhân lớn tuổi, khiến nhiều người chứng kiến trầm trồ ngợi khen. Tiếng chiêng tre đã dứt từ lâu nhưng mọi người vẫn chưa hết cảm xúc lâng lâng khó tả. Nghệ nhân Ma Lích, phụ trách đội chiêng tâm sự: Ông là thế hệ thứ 2 đảm trách việc truyền dạy chiêng cho bọn trẻ. Những năm 1990 ông, đau đáu nỗi lo khi các nghệ nhân lớn tuổi dần mất đi, tiếng chiêng không còn ngân vang nữa thì buồn lắm! Nghệ nhân Y Kuâo Buôn Krông (người giỏi diễn tấu cồng chiêng, biết chế tác nhiều loại nhạc cụ của đồng bào Êđê) cũng đến từng nhà, thuyết phục các em học đánh chiêng. Ban đầu, nhiều phụ huynh không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập, nhưng sau một thời gian tập luyện thấy các em “say chiêng” nhưng không lơ là việc học nên phụ huynh không phản đối nữa. Nghệ nhân Ma Lích cho biết thêm, một thuận lợi trong việc truyền dạy chiêng là chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tạo điều kiện cho 7 buôn gìn giữ và phát huy những nét đẹp của văn hóa truyền thống. Tất cả hội thi, hội diễn, lễ hội, sau phần lễ chính, UBND xã đều dành thời gian để “đội chiêng nhí” có điều kiện diễn tấu. Ea Tiêu cũng là xã đầu tiên của tỉnh mở lớp truyền dạy và lập được 6 đội chiêng trẻ, 5 đội chiêng người cao tuổi và trở thành xã có nhiều đội chiêng trẻ nhất tỉnh. Các đội chiêng trẻ Ea Tiêu đã giành nhiều giải cao trong hội diễn văn hóa cồng chiêng cấp huyện, tỉnh và khu vực. Những đứa trẻ tập tành đánh chiêng của ngày nào giờ đã trình tấu được tất cả các bài chiêng phục vụ các nghi lễ như những nghệ nhân thực thụ. Em Y Đan Ênuôl (buôn Kram, xã Ea Tiêu) học đánh chiêng khi mới là học sinh lớp 4 nói: Ngày đầu cầm chiêng thấy cứ lóng ngóng, liên tục đánh sai nhịp. Việc phân biệt tên các loại chiêng cũng rất khó. Nhưng sau 2 tuần, các thành viên trong đội đã nhuần nhuyễn với từng điệu chiêng, hăm hở tìm hiểu không gian diễn xướng của loại nhạc cụ này.

Trong căn nhà dài truyền thống bên những bộ chiêng, những ghế Kpan, nghệ nhân Y Kuâo say sưa  biểu diễn nhiều loại nhạc cụ truyền thống như Đinh Tút, Đinh Tặc Tà, Đinh Kliê, ống sáo, chiêng tre… Ánh mắt ông tràn đầy niềm vui, khi đều đặn tối thứ 7 hoặc thứ 2 có hàng chục thanh niên đến Nhà văn hóa cộng đồng buôn, nhà các nghệ nhân tập đánh chiêng, học hát Ay Ray, học chế tác nhạc cụ dân tộc…

Gia Nguyên 


Ý kiến bạn đọc