Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm người nghệ nhân già

16:00, 27/05/2013

Có những buổi chiều, người nghệ nhân già ấy lại ngồi trước hiên ngôi nhà sàn cũ kỹ của mình, giữa tiếng ồn ào, nhộn nhạo của cuộc sống xô bồ ở buôn trong lòng phố, và thổi một khúc giai điệu bằng chiếc kèn đinh puốt do chính mình chế tác. Khúc hát thiết tha và buồn mênh mang như gợi nhớ, đau đáu những nỗi niềm…

Gia tài vô giá của Ama Kim

Gặp Ama Kim ở buôn Kô Sier (TP.Buôn Ma Thuột) khi ông vừa trở về sau một đợt châm cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Sinh năm 1942, năm nay Ama Kim đã bước sang tuổi 71. Vài năm gần đây, sức khỏe Ama Kim yếu hẳn, những chứng bệnh tuổi già cứ thi nhau kéo đến: khớp, gai cột sống, mắt mờ đục lại thêm bệnh đau dạ dày, hai bên tai cũng giảm thính lực – di chứng của nhiều năm đánh chiêng. Đau yếu khiến ông không còn nhanh nhẹn như ngày xưa, tiếng nói cũng nhỏ nhẹ như hơi thở.

Gặp người muốn nghe về những giai điệu của nhạc cụ dân gian Ê đê, Ama Kim trở nên hào hứng hẳn. Ông lọ mọ leo lên nhà sàn mang xuống “gia tài” quý giá của mình, đó là một bao da màu đen chứa các loại nhạc cụ bằng tre nứa mà ông đã chế tác. Vừa nâng niu từng loại nhạc cụ, ông vừa giới thiệu và biểu diễn luôn cho khách nghe. Đây là ching kok làm từ 3 ống tre lớn hay 5 ống tre nhỏ ghép lại, chơi bằng cách dùng dùi tre buộc cao su gõ lên – đơn giản vậy thôi mà thành giai điệu “Đuổi chim ăn lúa” diệu kỳ, say mê; chiếc đinh puốt cũng chỉ là một ống trúc đơn giản đục lỗ; chiếc đinh năm phức tạp hơn, làm từ những ống tre gắn với trái bầu già bằng thứ mật ong ruồi, đinh tak ta cũng làm từ ống tre và trái bầu nhưng thay vì 6 ống tre thì chỉ còn 1 ống… Và kỳ lạ thay, ông già hom hem, gầy yếu bỗng chốc như biến thành chàng lãng tử, đôi tay lại trở nên mềm dẻo khi cầm dùi đánh ching kok, hơi thở ở đâu bỗng tràn đầy theo tiếng đinh puốt, đinh năm réo rắt, thiết tha và giọng hát cất lên mạnh mẽ, khỏe khoắn giai điệu bài hát “Buôn Dur Kmăn”. Nhìn Ama Kim biểu diễn nhạc cụ, dường như ông không còn ngồi đây, trong căn nhà xây sát con đường thỉnh thoảng có tiếng xe máy rồ ga ồn ào này, mà ông đang ngồi bên bếp lửa trong nhà sàn giữa buôn, trong tiếng xạc xào của những cánh rừng bạt ngàn.

Ama Kim thổi  đinh năm cho  cô cháu H’Ngôn Niê hát bài  dân ca “ Chi ri ra”.
Ama Kim thổi đinh năm cho cô cháu H’Ngôn Niê hát bài dân ca “ Chi ri ra”.

Thổi xong giai điệu bài khóc cha mẹ bằng cây đinh puốt, Ama Kim bỗng nghẹn lại, đôi mắt mờ đục ầng ậc nước. Ông bảo mỗi lần thổi đinh puốt bài này, ông đều khóc, không chỉ vì nhớ cha mẹ, ông bà, tổ tiên mà còn bởi sự hoài nhớ thời thơ ấu xa xưa, ngày buôn Kô Sier còn được bao quanh bởi những cánh rừng bạt ngàn, ngày tiếng ching, tiếng kèn đinh puốt, đinh năm còn rộn ràng trong những ngày lễ hội “ăn năm, uống tháng”. Thuở ấy, cậu bé Y Míp Ayun (tên lúc nhỏ của Ama Kim) còn là một chàng chăn bò say mê tiếng ching, tiếng đinh puốt, đinh năm đến mức cứ nghe người lớn đánh chiêng là nhớ giai điệu rồi về tự tập bằng chiêng tre ching kram, tập xong đến biểu diễn thử cho người già trong buôn nghe thẩm định. Cứ tự học như thế, dần dần Y Míp biết sử dụng hầu hết các loại nhạc cụ. Đến năm 20 tuổi, chàng trai Y Míp đã là thành viên đội chiêng của buôn, được biểu diễn trong các lễ cúng quan trọng. Năm 30 tuổi, ông đã đạt đến trình độ của một nghệ nhân chỉnh chiêng và có tài chế tác nhạc cụ chỉ bằng cách nghe âm điệu của nhạc cụ ấy vài lần.

Suốt gần nửa thế kỷ “chơi” nhạc, Ama Kim đã chế tác không biết bao nhiêu nhạc cụ, từ những nhạc cụ bằng gỗ, tre trúc đến cả những chiếc chiêng từ … nắp thùng phuy sắt. Rất nhiều loại nhạc cụ được ông chế tác từ những lần đi biểu diễn cùng các đội chiêng tỉnh bạn hay cùng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh nhà. Chế tác rồi, ông lại cất vào “kho” nhạc cụ trong ngôi nhà sàn cũ kỹ của mình để lúc “thèm” nhạc hoặc có khách quý mang ra biểu diễn, cũng có khi ông mang cho hoặc nhượng lại nhạc cụ của mình cho những người có nhu cầu.

Gắn bó với âm nhạc dân tộc, tiếng chiêng, tiếng hát như đã ngấm vào máu thịt của ông già Y Míp. Mấy năm gần đây, đau ốm là vậy nhưng cứ ở đâu có biểu diễn cồng chiêng hay âm nhạc dân tộc là ông lại đi, đau cũng đi, có lần đang nằm ở Bệnh viện thành phố cũng trốn đi. Tai lãng, mắt mờ, chân chậm nhưng cứ sờ vào dùi đánh chiêng, cầm chiếc đinh năm, đinh puốt là ông lại sáng mắt, rõ tai và nhanh nhẹn hẳn lên. Rồi còn những chuyến đi khắp nơi trong tỉnh để tìm vật liệu chế tác nhạc cụ - những vật liệu, dù chỉ đơn giản như gỗ, tre trúc hay những quả bầu già cũng ngày càng khó kiếm. Những chuyến đi biểu diễn hay việc chế tác nhạc cụ chẳng đem lại cho ông cuộc sống dư giả, thậm chí để trang trải cuộc sống hằng ngày, gia đình ông vẫn phải gắn bó với mảnh rẫy nhỏ, các con phải đi làm thợ hồ, thợ sơn. Nhưng Ama Kim là vậy, dù thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng chẳng thể thiếu tiếng chiêng, tiếng hát…

Nỗi lo người kế tục

Ama Kim được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2007. Ông đã cùng đội chiêng buôn Kô Sier đi biểu diễn khắp nơi trong nước và đi nước ngoài như: Campuchia, Lào, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Italia… Ama Kim cũng từng đoạt rất nhiều danh hiệu, giải thưởng: Nghệ nhân xuất sắc trong Liên hoan văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên, giải Bông sen vàng Liên hoan hòa tấu âm nhạc dân tộc TP.Hồ Chí Minh lần 2, giải Nhất môn đánh chiêng của Buôn Ma Thuột năm 1997, Huy chương Vàng tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng toàn quốc...

Thành tích lẫy lừng như thế nhưng tuổi càng lớn, Ama Kim càng lo: ai sẽ là người tiếp quản sử dụng kho nhạc cụ của mình, quan trọng hơn, ai sẽ kế tục kỹ thuật chế tác những nhạc cụ ấy? Có đủ con trai, con gái nhưng “con trai mình biết đánh chiêng chứ nhưng nó không thích, cũng không muốn học cách làm nhạc cụ, nó đi làm thợ hồ kiếm sống”. Từng được mời đi dạy đánh chiêng ở các buôn xa làng gần, ở Buôn Đôn rồi huyện Lak, Ama Kim cũng dạy cho mấy thanh niên trong buôn nhưng… học để biết đánh thế thôi chứ chẳng ai “ngấm” được cái máu nghệ sĩ “rặt” Tây Nguyên của ông để mà tha thiết đến sống chết với âm nhạc của ông bà tổ tiên. Cũng phải thôi, cũng như nhiều buôn làng khác, cuộc sống đô thị ồn ào đã len vào từng ngõ ngách buôn Kô Sier, chẳng còn lễ hội, lễ cúng rộn ràng tiếng chiêng, tiếng kèn đinh puốt, đinh năm, thanh niên trong buôn giờ chẳng biết lễ cúng Yang, cúng bến nước thế nào nên cách “cảm” nhạc cũng khác xưa lắm rồi, nhiều người trẻ trong buôn giờ rành nhạc hiện đại, thích “Gangnam Style” hơn là đánh chiêng, hát Ayray. Ama Kim buồn buồn: “Thành viên đội chiêng buôn Kô Sier hầu hết đều lớn tuổi rồi. Bây giờ cả năm ở buôn cũng chẳng có lễ hội nào, ngay cả đám chết, nhiều nhà cũng chẳng có tiếng chiêng. Ai thích học đánh chiêng hay chế tác nhạc cụ, đến là tôi sẵn sàng truyền nghề ngay. Thế mà cũng chẳng có ai”. Mấy năm nay có cô cháu ngoại H’Ngôn Niê hay theo Ama Kim đi biểu diễn khắp nơi, cũng biết sử dụng vài loại nhạc cụ, hòa tấu cùng ông hát “Chi ri ra”, “Buôn Dur Kmăn”; nhưng khi được hỏi có muốn kế tục ông không, H’Ngôn chỉ cười: “Không được đâu, mình không làm được nhạc cụ đâu. Cũng không thổi đinh puốt, đinh năm, đinh tak ta được đâu vì không có hơi”.

Chợt thấy thảng thốt khi nghĩ đến ngày mà những nghệ nhân tài hoa như Ama Kim về với ông bà, rồi sẽ ra sao?

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.