Multimedia Đọc Báo in

“Gùi buôn” lên... phố!

06:05, 22/06/2013

Đến Buôn Ma Thuột, dạo bước trên những tuyến đường nội thành, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những thiếu nữ, các amí là người dân tộc thiểu số gùi từng gùi hàng nặng trĩu từ buôn lên phố để bán. Du khách sẽ không khỏi ấn tượng, tò mò muốn khám phá ngay vùng đất, con người nơi đây.

Những gùi hàng của phụ nữ Êđê trên phố - Hình ảnh thân thuộc  thường thấy ở Buôn Ma Thuột.
Những gùi hàng của phụ nữ Êđê trên phố - Hình ảnh thân thuộc thường thấy ở Buôn Ma Thuột.

Thành phố Buôn Ma Thuột - “buôn của cha thằng Thuột” (theo tiếng Êđê) giờ đây đang chuyển mình, phát triển đến chóng mặt, tuy nhiên những nét xưa cũ trong sinh hoạt hằng ngày  của đồng bào Êđê nơi đây chẳng đổi thay nhiều. Những buôn làng như Akô Dhông, Kô Siêr, Alê A, Alê B… vẫn còn đó nét xưa, nếp nhà dài vẫn nằm ẩn mình dưới những tán cây. Thu nhập kinh tế của bà con chủ yếu vẫn dựa vào việc sản xuất cà phê, làm lúa rẫy, hay trồng các loại rau quả quanh nhà. Những phụ nữ Êđê, ngày ngày lại cõng sau lưng những gùi hàng nặng trĩu lên phố bán tăng thêm thu nhập. Đó là những gùi hàng nông sản, thực phẩm, các loại hoa quả, thảo mộc đã sơ chế hay còn tươi nguyên.

Đã thành thói quen, khoảng gần 10 năm nay, dưới các tán cây dọc vỉa hè trên đường Lê Duẩn – Nguyễn Công Trứ trở thành điểm “đặt gùi” quen thuộc của amí Thiu (45 tuổi, trú buôn Đung, xã Cư Êbur). Ngày nào amí cũng mang gùi hàng nặng trĩu, cuốc bộ hơn 4km để lên đây bán hàng. Hỏi sao không nhờ người chở lên, amí Thiu cười trả lời: “Cái chân của phụ nữ Êđê mình quen đi bộ rồi!”. Gùi hàng của mí Thiu mùa nào thức nấy, các mặt hàng chủ yếu do gia đình tự sản xuất, tự làm. Khi thì ít bắp tươi, lúc hoa quả trong vườn, hay đọt mướp đắng, quả cà đắng, có khi lại là xơ mướp rừng phơi khô mang lên bán cho người thành phố rửa chén bát; lúc thì gùi thảo mộc (các loại lá, cây thuốc…) bán cho người qua đường uống cho mát, trị mỏi lưng, mỏi chân… Khi các mặt hàng nông sản hết, amí Thiu lại cùng chồng lặn lội vào tận rừng Ea Súp, đạp gai, leo cây tìm hái các loại lan rừng về bán. Tiền đổ xăng mất đến cả trăm ngàn. Gùi lên phố có tốn công, xa một chút nhưng bán cũng được giá hơn. Hôm nào may mắn tìm được gùi đầy, về phân loại lên phố bán mỗi nhánh 20-30 ngàn, tính ra cũng lãi được 300-400 ngàn, có tiền để trang trải cho lũ nhỏ học hành.

Hàng hóa là các thứ tự sản xuất và chỉ được  để trong gùi.
Hàng hóa là các thứ tự sản xuất và chỉ được để trong gùi.

Với amí Nhoa (60 tuổi) nhà ở buôn Kô Siêr, lại chọn khu vực trước siêu thị Coop.mart để đặt gùi hàng. Gùi hàng quen thuộc của amí Nhoa là đọt mướp đắng, mớ cà đắng và rau rừng. Amí bảo: “Rau này do nhà trồng được, nên người qua đường rất thích, mang ra chỉ một loáng là hết”. Tính ra, mỗi sáng amí Nhoa cũng kiếm được khoảng 200 ngàn từ tiền bán rau. Khoản tiền này cũng đủ để mua lương thực, thực phẩm cho cả nhà trong ngày.

Rảo bước qua nhiều tuyến đường gần các khu chợ lớn trong nội thành như chợ C Buôn Ma Thuột, chợ Tân An, chợ Phạm Ngũ Lão…, hình ảnh những gùi hàng cũng rất dễ bắt gặp. Điều đặc biệt, hàng hóa bao giờ cũng để trong gùi, không thấy có cảnh chèo kéo như ở chợ. Có khách, người bán nở nụ cười nói giá các mặt hàng mình bán với giọng lơ lớ. Mỗi mớ hàng bán được, người bán đều tỏ lòng cảm ơn và nở nụ cười hiền hậu.

Với những gùi hàng ấy, hôm nào may mắn bán hết thì về sớm, bán không hết, dù chỉ còn chút ít thì những người phụ nữ Êđê cũng gùi về hôm sau lại gùi lên bán tiếp mà chẳng bán rẻ hay cho đi. Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, cho đó là kỳ cục, nhưng đó là nét văn hóa, là sinh hoạt quen thuộc của đồng bào Êđê nơi đây. Và “gùi hàng lên phố” có thể nói đã trở thành nét “văn hóa chợ” đặc trưng của các thiếu nữ, các amí nơi phố núi này.

Hà Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.