Multimedia Đọc Báo in

Khôi phục nghề dệt thổ cẩm tại xã Ea Tul

22:45, 08/06/2013

Bà H’Fih Ayun (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) trong một lần sang nhà chị gái chơi, nhìn thấy những tấm vải được dệt tinh xảo và nghe chị giải thích về cách thức dệt những tấm vải, bà đã mày mò, học hỏi để dệt nên những chiếc khăn, chiếc túi cho mình. Dần dần việc dệt nên những tấm vải thổ cẩm trở thành niềm đam mê, bà dệt ngày càng nhiều hơn, đầu tư mua cả máy may để may những tấm vải thổ cẩm thành sản phẩm và bán cho những người có nhu cầu.

Khó khăn của HTX là việc tìm
Khó khăn của HTX là việc tìm "đầu ra" cho sản phẩm.

Năm 2007, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thổ cẩm xã Ea Tul được thành lập và bà được bầu làm chủ nhiệm Hợp tác xã. Thời gian đầu, trong cương vị của người chủ nhiệm, bà đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động chị em đến với nghề, tham gia vào Hợp tác xã. Bởi đa số chị em đều làm nông nên thời gian làm việc không ổn định, cùng với đó là trình độ, tay nghề chưa đồng đều nên việc chỉ dạy cũng mất khá nhiều thời gian. Nhưng với lòng nhiệt tình, tận tâm, bà đã tạo điều kiện về mặt thời gian, giúp chị em nâng cao tay nghề và đã có nhiều chị có tay nghề tinh xảo, tham gia tích cực vào Hợp tác xã. Năm 2008 bà tổ chức mở được hai lớp dệt thổ cẩm với 30 xã viên và tính đến nay toàn xã có hơn 100 chị em biết dệt may thổ cẩm.

Chị Amí Buan, một trong những xã viên lâu năm của Hợp tác xã tâm sự: “Được cái dệt thổ cẩm không cần phải có thời gian cố định, có thể làm trong những lúc rảnh rỗi, nông nhàn nên tôi thường nhận việc về nhà làm thêm. Mỗi tháng thu nhập từ việc dệt thổ cẩm được khoảng 500.000 – 600.000 đồng. Tuy số tiền không nhiều lắm, nhưng tôi cũng rất vui vì vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và vừa giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình…”.

Hiện nay Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thổ cẩm xã Ea Tul có 20 hội viên. Các mặt hàng của Hợp tác xã khá đa dạng về mẫu mã, sản phẩm như: áo truyền thống, khăn, túi, khăn trải bàn, địu cõng con… Bà H’Fih cho biết: Một bộ áo quần với hoa văn bình thường được làm ra trong thời gian gần một tuần có giá bán từ 800.000 – 900.000 đồng; địu cõng con có giá từ 400.000 – 500.000 đồng, nếu là hàng đặt trước thì có giá từ 600.000 – 700.000 đồng… Các mặt hàng này thường được bán ở các hội chợ hoặc mỗi chị em mang về nhà tự bán. Đặc biệt trong dịp Festival Cà phê Buôn Ma Thuột vừa qua, bà cũng đã đưa những mặt hàng này đến trưng bày tại hội chợ để giới thiệu, quảng bá đến mọi người. Hằng năm vẫn có nhiều đoàn từ khắp nơi đến tham quan tìm hiểu về nghề dệt may thổ cẩm và Hợp tác xã; tuy nhiên khó khăn nhất trong hoạt động của Hợp tác xã hiện nay là việc tìm đầu ra cho sản phẩm…

Để cho nghề dệt may thổ cẩm được bảo tồn và phát huy trong thời gian tới, và Hợp tác xã có thể hoạt động tốt, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống chị em,  bà và các hội viên nơi đây rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ hơn nữa của các ban, ngành cũng như chính quyền địa phương.

Huế Thương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.