Ngọt ngào lời then, tiếng tính trên đất Ea Siên
Xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) hiện có 1.400 hộ; trong đó số hộ người Tày, Nùng là 1.016 hộ. Trong những năm qua, các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã được khôi phục, tổ chức thường xuyên; đặc biệt những làn hát then, giai điệu đàn tính đang được vực dậy, một phần để vơi đi nỗi nhớ quê hương phía Bắc, một phần để nét văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một.
Một trong những người có đóng góp không nhỏ vào việc khôi phục nghệ thuật hát then, đàn tính ở xã Ea Siên là bà Long Thị Kiên ở thôn 1A. Là một người năng động, nhiệt tình tham gia công tác Hội Phụ nữ của xã, năm 2003 bà Kiên bắt đầu tìm hiểu để học và dạy hát then, đàn tính cho thế hệ trẻ ở địa phương. Không quản khó khăn, bà đã ra tận quê nhà ở Lạng Sơn để mua đàn. Để không bị sai nhạc điệu bà còn chịu khó gọi điện thoại, học hỏi trực tiếp các giảng viên thanh nhạc ở Lạng Sơn. Đến nay ở xã Ea Siên bà đã hướng dẫn được 4 nhóm hát then, đàn tính; tất cả các học viên đều tham gia trên tinh thần tự nguyện và không phải đóng học phí. Mỗi nhóm hát then, đàn tính có khoảng từ 5 – 7 người; riêng nhóm thành lập năm 2011 có 10 người và đây là nhóm có số lượng đông, ổn định, duy trì hoạt động biểu diễn thường xuyên nhất.
Bà Long Thị Kiên (áo hoa) đang giao lưu hát then, đàn tính với nghệ nhân huyện Krông Pak. |
Em Chu Thị Hà năm nay 21 tuổi nhưng đã biết hát then, đàn tính từ năm 9 tuổi và là người được bà Kiên hướng dẫn, dìu dắt từ những ngày đầu. Sau khi trở thành sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cô gái trẻ này vẫn tiếp tục tham gia Câu lạc bộ hát then, đàn tính trong trường. Khi nói về nghệ thuật hát then, đàn tính Chu Thị Hà rất am hiểu và thể hiện niềm đam mê với lời then, tiếng tính của dân tộc mình. Cùng chung niềm đam mê với lời then, tiếng tính, gia đình anh Hoàng Văn Hương trước đây ở xã thôn 5, xã Ea Siên, hiện tại đã chuyển đến thôn 8, xã Ea Đrông (thị xã Buôn Hồ) nhưng vợ chồng anh vẫn thường xuyên sang xã Ea Siên tham gia nhóm hát then, đàn tính (trong nhóm còn có cả chị gái của anh). Anh Hương thấy tự hào và luôn xác định cho mình trách nhiệm của một người con xứ sở hát then, đàn tính và luôn gìn giữ, phát huy giá trị này. Anh vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo những giá trị văn hóa này bị mai một và luôn mong muốn mang làn điệu then tính vang xa hơn trong các ngôi nhà của người Tày, Nùng ở xã Ea Siên. Đây cũng là niềm mong mỏi của bà Long Thị Kiên vì hiện nay việc học và dạy hát then, đàn tính ở xã Ea Siên mới chỉ mang tính tự phát trên tinh thần tự nguyện, mọi người tự bỏ tiền ra mua đạo cụ, trang phục chứ nhóm hát then, đàn tính chưa nhận được sự hỗ trợ hay sự công nhận là câu lạc bộ của các cấp, ngành.
Ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách mảng văn hóa – xã hội xã Ea Siên cho biết: “Là một loại hình nghệ thuật dân gian, hát then, đàn tính có sức sống mãnh liệt và được cộng đồng dân tộc Tày, Nùng nói riêng và các dân tộc phía Bắc nói chung yêu thích, gìn giữ. Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ở xã Ea Siên vẫn luôn nỗ lực để duy trì nghệ thuật hát then, đàn tính. Đó cũng là cách góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đề ra…”.
Thủy Mộc
Ý kiến bạn đọc