Multimedia Đọc Báo in

Xuân của người Thái trên cao nguyên

20:11, 22/02/2015

Người Thái cư trú tập trung đông nhất ở Sơn La; là một trong nhiều tộc người có truyền thống văn hóa giàu bản sắc của miền Tây Bắc. Đến Tây Nguyên từ năm 1954, tại Dak Lak, Lâm Đồng, Gia Lai hay Dak Nông đều có những cộng đồng Thái từ phía Bắc chuyển vào lập nghiệp. Xa quê hương hàng chục năm, sự bảo lưu văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái là điều thật đáng trân trọng.

ũng như mọi cư dân miền núi khác, người Thái có nhiều lễ hội trong năm theo lịch sản xuất nông nghiệp và theo vòng đời con người. Một trong những ngày lễ lớn đông vui là hội truyền thống vào ngày rằm tháng Giêng, sau Tết Nguyên đán. Tôi từng được dự ngày hội truyền thống của cộng đồng do 4 làng người Thái tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức. Không khí hội hè thể hiện không chỉ ở cờ hoa, khẩu hiệu, mà còn cả trên những gương mặt tươi cười và những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt. Lễ hội bắt đầu rộn ràng là khi đoàn vũ nữ trong trang phục áo cóm trắng với hàng cúc bạc, váy đen, thắt lưng xanh, khăn piêu quàng duyên dáng ngang vai, tiến vào sân giữa nhịp đập rộn ràng của tre nứa trong điệu múa sạp. Khách và các bạn trẻ lúc đầu còn lúng túng, e ngại, nhưng rồi những bối rối ban đầu dần tan, vòng múa sạp, múa xòe ngày càng đông người nắm tay nhau xoay mãi, khiến ban tổ chức phải hô hào rất lâu mới dừng lại được để tiến hành các hoạt động khác của ngày hội.

Phụ nữ Thái múa xòe trong ngày hội.
Phụ nữ Thái múa xòe trong ngày hội.

“Linh hồn” chính của các vũ điệu là hai cụ nghệ nhân mà tôi đã có nhiều dịp gặp tại những cuộc Liên hoan nghệ thuật dân gian hàng chục năm qua. Với cây đàn tính tẩu đã ngả màu thời gian, cụ Ma Văn Ỏn hơn 80 tuổi, là người cất giữ trong trí nhớ rất nhiều những làn điệu dân ca Thái. Cụ thường dùng đàn tính tẩu đệm cho những điệu dân vũ, mà nét chủ yếu là phát huy hết sự uyển chuyển và duyên dáng của thân hình, của cánh tay các cô thiếu nữ Thái, vốn có thân hình được coi là “chuẩn” nhất trong các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số. Những điệu múa do cụ bà Lò Thị Giang, 78 tuổi truyền dạy cho các thế hệ thanh nữ từ nhiều năm qua, được cả bốn thế hệ cùng tham gia biểu diễn: múa xòe của nhóm phụ nữ tuổi trung niên, múa tính tẩu của các chị, múa bướm của nhóm các cháu thiếu nhi, múa quạt của các cô gái đang độ tuổi trăng tròn… khiến nghệ sĩ Lý Sol, người giáo viên “gạo cội” hơn 40 năm hoạt động trong ngành múa phải vui sướng và kinh ngạc thốt lên: “Không sót một động tác cơ bản Thái nào nhé!”. Có thể dễ dàng nhận thấy, cho dẫu dáng múa chưa điêu luyện, đội hình hay động tác còn chưa thuần thục, nhưng những bước chân xòe, động tác xoay quạt, nghiêng nón, tung khăn, đung đưa chiếc đàn tính tẩu… mà cách nay hơn 60 năm, các nghệ sĩ múa đầu tiên của Việt Nam đã sưu tầm được, vẫn còn nguyên đó, không mấy bị lai tạp. 

Một điều thú vị nữa là cuộc thi ẩm thực. Những món ăn cổ truyền của người Thái như: cá bọc lá chuối nướng, thịt heo ủ chua, chả rau, nộm hoa đu đủ, canh môn, cơm nếp bọc lá mía hay lá dong nướng trong ống nứa… được uống cùng với rượu nếp trắng hoặc nếp cẩm thơm phức. Các mẹ, các chị còn kết hợp giữa những món rau truyền thống của người Thái nấu với những trái cà đắng của người Êđê, tạo nên hương vị rất độc đáo…

Tiếng trống của nhịp múa xòe rộn ràng trong gió xuân, trên sân những quả còn rực rỡ đuôi dài bay qua bay lại  rất náo nhiệt. Mùa xuân gọi những câu hát, nhịp tính tẩu nâng bước chân những vòng múa xòe của làng Thái và gọi mùa lễ hội ở cả khắp Tây Nguyên. Hồn dân tộc dẫu có đôi chút phôi pha nhưng vẫn còn đó…

H'Linh Niê

 


Ý kiến bạn đọc