Trải nghiệm với tượng gỗ dân gian Tây Nguyên
Xem tượng gỗ dân gian Tây Nguyên tại Khu du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột), có người tỏ ra thích thú, ý vị nhưng cũng có kẻ cau mặt, nghĩ ngợi… Tất cả những trạng thái, cảm xúc ấy cho thấy sự bí ẩn, độc đáo của loại hình nghệ thuật này.
Bước ra từ nhà mồ?
Tượng gỗ dân gian Tây Nguyên có phải thoát thai từ tượng nhà mồ của các dân tộc thiểu số tại chỗ? Tôi mang câu hỏi đó đến với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và nhiều nghệ nhân có thâm niên trên địa bàn Tây Nguyên để tìm câu trả lời.
Bà Linh Nga Niê Kdăm, Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, hay Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân đều cho rằng, tượng gỗ dân gian Tây Nguyên phải được hiểu và định danh một cách cơ bản, cốt lõi nhất chính là tượng nhà mồ. Bởi chỉ có ở đó thì yếu tố dân gian (là sắc thái tình cảm, tín ngưỡng, tâm linh) mới được thể hiện hết sức sinh động và rõ nét. Tất nhiên, khái niệm tượng gỗ dân gian ở đây còn có thể thấy qua những họa tiết, phù điêu, hình tượng biểu đạt trên một số công trình, vật dụng sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên như cầu thang lên ngôi nhà dài của dân tộc Êđê, cột kèo trong nhà rông Ba Na, Sê Đăng và chim chóc, muông thú dùng để trang trí nội thất hay đặt trong khuôn viên gia đình của người Jrai, Rắk lây, Stiêng, Chu ru, K’ho và Cơ tu (Quảng Nam). Còn tượng người, lễ vật dâng cúng cho “thế giới bên kia”, dù theo bất kỳ motip nào cũng đều chỉ có ở nhà mồ mà thôi - và đó chính là đỉnh cao nghệ thuật của tượng gỗ dân gian Tây Nguyên như ngày nay chúng ta thường gọi.
Nghệ nhân say sưa tạo tác tại Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên năm 2017. Ảnh: H. Gia |
Hầu hết các nghệ nhân có mặt trong Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên năm 2017 được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đồng ý với cách nhìn nhận, thẩm định trên. Tượng nhà mồ là sắc thái tinh thần tiêu biểu nhất của loại hình nghệ thuật dân gian này, bởi nó hàm chứa nhiều giá trị, ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong nhận thức và thực hành văn hóa của các tộc người bản địa. Nghệ nhân Y Sa Byă (Buôn Đôn) hay nghệ nhân Ksor Khun (Ea H’leo) cho rằng: Nghề tạc tượng, mà chủ yếu là tượng nhà mồ đã có từ rất lâu trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tạc tượng không phải để chơi, thậm chí là trao đổi mua bán như ngày nay, mà để đồng hành và làm vui lòng người đã khuất thông qua nghi lễ bỏ mả trang trọng. Người tạc tượng nhà mồ không coi đó là nghề và càng không lấy đó làm địa hạt sáng tạo nghệ thuật như mọi người vẫn nghĩ, mà trước hết nó thể hiện quan niệm nhân sinh rõ ràng: cuộc sống muôn thuở của con người luôn có vui - buồn, khổ đau - hạnh phúc và hoan lạc… Tất cả những cảm xúc ấy không chỉ hiện hữu nơi trần thế, mà ở “thế giới bên kia” cũng vậy, nó vẫn tiếp diễn như thường.
Vì thế người tạc tượng mô phỏng, tái hiện lại tất cả những gì đã nhìn thấy và có thật trong đời sống để chia sẻ với người nằm xuống: gương mặt rạng ngời của thiếu nữ, nét hồn nhiên của trẻ thơ, thoáng đăm chiêu của người già, tấm lòng hồn hậu, nhân từ của người phụ nữ và cả niềm vui hoan lạc của trai - gái yêu nhau... Bởi thế, khi đến một khu nhà mồ nào đó của đồng bào Tây Nguyên, người ta nhìn vào từng bức tượng và những thông điệp được “mã hóa” trên đó có thể nhận biết người nằm xuống là ai, có tình cảm và khát vọng gì? Dĩ nhiên, mối dây liên hệ sâu thẳm ấy chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết.
Hòa nhập vào đời sống đương đại
Có thể nói, sự tái tạo cuộc sống theo hướng tích cực, nhân văn ấy thông qua những bức tượng nhà mồ của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên là cả một năng lực thật sự làm nên vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của họ trong nhận thức về sự sống - chết, hữu hạn - vô hạn, hiện thực và mơ tưởng. Giờ đây, loại hình nghệ thuật dân gian này không chỉ có trong nhà mồ, mà còn bước ra hòa nhập vào đời sống đương đại để mọi người dễ dàng cảm nhận và thưởng lãm.
Tượng gỗ được các nghệ nhân sáng tạo tại Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên năm 2017. |
Qua nhiều cuộc liên hoan văn hóa - văn nghệ cũng như nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, trong đó có Hội thi tạc tượng gỗ dân gian được tổ chức là điều kiện, cơ hội cho các nghệ nhân phô diễn tài năng của mình. Đồng thời qua đó đem vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo ấy giới thiệu, quảng bá với công chúng. Chẳng hạn như ở TP. Buôn Ma Thuột, để hiểu biết thêm giá trị nghệ thuật này, du khách gần xa có thể đến Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam thưởng lãm và trải nghiệm với vườn tượng gỗ dân gian Tây Nguyên do các nghệ nhân sáng tạo nên nhân Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc