Bữa cơm tối
Trừ ngày nghỉ, những bữa cơm trong gia đình anh chị đã thành nếp: sáng trưa tùy nghi, tối sum họp. Bữa cơm tối, đấy không chỉ thỏa mãn sự réo gọi của dạ dày mà còn là khoảng riêng anh chị dành cho nhau sau một ngày tất bật nơi công sở. Chuyện trò về thế sự hay san sẻ nỗi niềm riêng đã thành một phần trong bữa tối của gia đình họ. Những bữa cơm ấy thường kéo dài đến khi ti vi dự báo thời tiết; chị đứng lên dọn mâm; anh lau bàn, dẹp ghế. Chị không quên hỏi anh để chuẩn bị bữa tối mai. Chỉ cần anh ừ à tán đồng hay hồ hởi vun vào theo gợi ý của chị về món ăn nào đó, cũng có nghĩa món ấy được “duyệt” cho bữa sau. Tống tiễn mỗi ngày bằng bữa tối vui vầy và sau đó cùng thả hồn trong cõi mộng dường như đã lấy lại cân bằng và tiếp thêm năng lượng cho tổ ấm của anh chị.
Tiếng cười nói trong những bữa tối bỗng thưa vắng khi gần đây anh có thú vui mới-quần vợt. Xa rồi những buổi chiều, rời cơ quan, anh vội về giúp chị mau chóng thoát khỏi mớ việc nhà không tên. Giờ đây, với bộ đồ thể thao trắng từ giày mũ đến quần áo, với túi đựng vợt khoác chéo sau lưng, anh thẳng đến các sân quần vợt nổi tiếng trong thành phố sau giờ làm việc mỗi chiều. Chơi quần vợt đang là mốt thời thượng, là cách thể hiện sự sành điệu của nhiều cư dân thành phố này. Từ ngày đam mê môn thể thao “quý tộc” kia, tiền lương anh đưa chị vơi đi thấy rõ. Khổ, ở nhà cho con hai ngàn đồng mua bút chì còn không quên kèm theo lời “huấn thị” về tiết kiệm. Nhưng vào chốn vui chơi sang trọng kia, bệnh sĩ trỗi dậy, lập tức “thoáng” ngay nên tốn là phải. Thôi thì được cái sức khỏe bù lại-chị thường tự nhủ khi nghĩ về môn thể thao khá tốn tiền mà anh yêu thích. Bởi thế, những buổi chiều một mình xoay đến chóng mặt với chuỗi việc nhà chồng chất nhưng chị cũng chẳng lấy đó làm điều than thở.
Mái ấm gia đình (ảnh minh họa) |
Giữa anh chị có lời qua tiếng lại bắt đầu từ cảnh “người đi không bực bằng người chực nồi cơm”. Một mình lọ mọ làm nên mâm nên món cho bữa tối nhưng chị không thấy khổ bằng phải dài cổ ngóng anh. Bởi thú vui tiếp ngay sau quần vợt của anh là sa đà bia rượu. Lắm hôm chị nóng lòng đi ra đi vô bên mâm cơm nguội ngắt để rồi đón anh về trong dáng xiêu vẹo cùng khuôn mặt đỏ bừng và câu nói cộc lốc nhòe trong men rượu: “Anh - không - ăn”. Lại có bữa, về đến nhà là anh “phun” tứ tung. Sau khi dìu anh vào giường và quay ra dọn hậu quả, chị rùng mình, bỏ cơm, đi nằm. Chị nén lòng, chờ dịp vui, lựa lời nói với anh ước mong giản dị, rằng vợ con không muốn ăn cơm tối thiếu anh. Anh ừ à cho qua chuyện, về sớm được vài lần rồi quay lại đường xưa, đam mê cũ. Chị không còn đủ kiên trì để dùng “lạt mềm” như các cụ vẫn dạy, càng không thể im lặng. Nhưng anh đâu dễ buông xuôi. Giọng anh vênh lên đầy vẻ cao ngạo: “Sống với nhau mà cứ vặt hết tự do, cứ mài mòn nhau thế này thì còn ý nghĩa gì nữa!?” Chị nhìn anh sững sờ. Lời sắt thép muốn tuôn ra nhưng chị cố ghìm, cay đắng nghĩ: Cứ "cái tôi muôn năm" và "tự do tuyệt đối" như thế thì lấy gì làm cứu cánh cho hạnh phúc gia đình!? Đã thế, sao không chịu khó sống một mình để thỏa chí mơn trớn cái tôi và tôn thờ tự do!? Chị ức đến nghẹt thở. Lần đầu tiên chị thấy chán anh, chán luôn cái kiểu anh đối xử với gia đình bên vợ.
Hồi hai người mới yêu nhau, anh đến nhà chị mòn đường chết cỏ; quen đến mấy con chó cũng không thèm sủa. Nhưng sau ngày cưới, dường như tất cả đều ngược lại. Những dịp kỵ giỗ hay chạp mả phía nhà ngoại, chị đều nhắc nhưng anh có ngàn lẻ một lý do để từ chối. Chị sượng đến đỏ mặt khi mỗi lần về thăm nghe mọi người dồn dập hỏi anh rồi băn khoăn, không biết chàng rể giận gì nhà vợ mà quên luôn cả đường đi lối về. Chị đành tìm cách kéo anh lại gần với người thân.
Mới rồi, ông ngoại sắp nhỏ ra thăm cháu, cầm tay con rể hồ hởi: “Cái mũ con mua cho thằng Út bữa trước nó thích lắm. Còn ba, từ nay bác sĩ không cho uống rượu, con đừng gửi nữa.” Anh trố mắt. Chị đứng gần, nháy mắt liên hồi rồi đưa tay lên miệng làm dấu cấm khẩu. Anh chợt nhận ra chị - "tác giả" trò gian dối đầy thiện ý kia vừa quen vừa lạ một cách đáng yêu.
Hôm báo tin cơ quan cho đi tham quan nghỉ mát phía Bắc, thay vì phấn khởi, chị đắn đo:
- Em nửa muốn đi nửa không.
- Đừng bỏ lỡ dịp may, em ạ.
Nghe anh động viên, chị nhìn anh thẳng thắn:
- Nhưng anh tự đi chợ, cơm nước và chăm sóc hai con được không?
- Em coi thường anh quá đấy!
Chị cười cười trước vẻ cau có của anh. Anh lên kế hoạch chi tiết về sinh hoạt gia đình trong những ngày vắng chị nhưng cũng chưa làm cho chị yên lòng. Chỉ đến khi bà tổ trưởng công đoàn cơ quan đến nhà động viên, chị mới vội chuẩn bị cho chuyến đi. Đầu tiên, chị mua đồ ăn, thức uống cho ba bố con chất đầy tủ lạnh. Chị gọi anh vào bếp chỉ cách chế biến các món ăn, lưu ý giá cả một số thực phẩm hay mua rồi giới thiệu chi li các lọ đựng gia vị. Chị kéo anh vào buồng, mở tủ thuốc gia đình, nói rõ công dụng, liều dùng mỗi loại, cả “nghệ thuật lừa” con ăn cơm, uống thuốc. Anh nghe lơ đãng, miệng cứ liên tục “biết rồi, biết rồi”
Chị đi được ba ngày, số thực phẩm chị mua sẵn cũng vừa hết, anh bắt đầu lo. Nỗi khổ đầu tiên anh cảm nhận được khi vắng chị là đi chợ. Là “thượng đế khờ” nơi chợ búa, trước những câu mời chào đầy mỹ từ cùng nụ cười khuyến mãi của các bà, các cô, anh trở nên mù màu, loạn thị khi nhìn vào hàng thịt, hàng cá. Hậu quả là có miếng thịt nơi quầy người ta trông rất ngon nhưng mua rồi mới thấy mỡ ơi là mỡ. Có bữa về tới nhà mới biết mua thiếu đồ, anh phải hộc tốc chạy ra chợ. Lại còn “tội” mua “phá giá thị trường” của anh; nếu hay được, chắc chị sẽ thốt lên vô số câu cảm thán. Và nữa, anh thấy quá khó để làm được điều chị dặn đi dặn lại trước khi xe chạy là mỗi bữa phải cho con bé ăn hết bát cơm. Có hôm dỗ mãi không được, anh nghĩ liều-cứ để đói, nó khắc ăn. Từ trưa đến chiều rồi tối, chẳng những không đòi mà cứ thấy bưng bát cơm là con bé lắc đầu, bỏ chạy. Khuya, nó khóc. Anh hoảng hồn thấy da con lạnh ngắt, người lả đi trong mê man. Anh cuống cuồng chạy qua gõ cửa nhà ông bác sĩ nghỉ hưu bên cạnh. Ông làm anh ngớ người trước câu kết luận chắc nịch: con bé bị đói! Thế là anh trải qua một đêm trắng lê thê.
Không chỉ nhớ như những lần anh đi công tác, lần này anh mong chị từng ngày. Vắng mẹ, hai đứa nhỏ ít ăn hẳn. Về đến nhà là chúng hỏi mẹ, nhất là trong bữa ăn tối khiến anh sốt cả ruột. Nhớ lại những bữa tối, chị chờ anh mỏi mắt rồi phải ăn cơm một mình, lòng anh trào lên niềm thương vợ, trách mình.
***
Chiều nay, con trai đi mừng sinh nhật bạn, con gái được cô ruột đón về nội, một mình anh chống chếnh với ngôi nhà vắng. Duỗi dài trên chiếc ghế “lười biếng”, anh cảm thấy trống rỗng, buồn tênh. Nghe tiếng í ới gọi nhau về ăn cơm, tiếng bát đũa va vào nhau từ mấy nhà cùng phố, anh bồi hồi nhớ những thời khắc cuối ngày đầm ấm trong nhà mình-những thời khắc đã xa.
Nghe tiếng mở cổng, anh ngồi dậy, đi ra. Anh đứng sững, tròn mắt. Chị cười mà mắt như có nước; vừa vào sân, chị đã ngó quanh, hỏi dồn:
- Hai con đâu, anh?
Yên tâm khi đã biết tin về con, chị đi vô nhà. Anh đỡ túi xách trên tay chị. Niềm vui bất chợt ngời trên nét mặt, giọng nói của anh:
- Nghe nói còn hai ngày nữa đoàn tham quan mới về kia mà?
- Em về trước.
- Sao thế?
- Cứ lo cho ba bố con ở nhà, em nóng lòng, không muốn thăm thú chơi nhởi gì nữa- Chị tươi cười, không để ý vẻ xúc động hiện rõ trên mặt anh.
Đi vào bếp, chị đưa tay nhấc chiếc lồng bàn đậy trên mâm. Trước mắt chị, độc một tô mì tôm nguội ngắt, nở toét, với những sợi mì to gần bằng đầu đũa. Giọng chị nghèn nghẹn, xót xa:
- Bữa tối của anh đây ư?
Không lời đáp, anh đỏ mặt, nhìn lảng đi nơi khác.
Ý kiến bạn đọc