Lối về rộng mở
Trong năm mươi hộ của tổ dân phố do tôi làm tổ trưởng, hộ anh chị khá nổi bật. Anh là giám đốc công ty đang làm ăn phát đạt, chị là giảng viên trường đại học, con gái con trai đều chăm ngoan học giỏi. Tổ ấm có bốn người với nhà cao cửa rộng ấy, cả nhà đều thương nhau. Lời yêu thương cùng những tiếng cười luôn đầy ắp trong gia đình họ.
Hạnh phúc ngời ngời của anh chị đang là mơ ước của nhiều người bỗng rạn vỡ khi chị mắc bệnh hiểm nghèo. Căn bệnh ung thư khiến một vùng ngực của chị phải cắt bỏ; chưa hết bàng hoàng, khối u ác đã di căn xuống dưới; lại một phần thân thể riêng có của phụ nữ phải loại đi. Chị xơ xác trong những ngày đối diện với cái chết. Đang đằm thắm với vẻ đẹp của người phụ nữ chưa tới tuổi bốn mươi, chị bỗng xuống sắc thê thảm. Đầu trọc trắng, da bủng beo, nhợt nhạt cả lời nói, mặc cảm lẫn trong ánh nhìn…là chị trong những ngày chống chọi với bệnh nan y. Hơn ba tháng liền chị không ra khỏi nhà, trừ những khi đi viện. Chị qua được cơn hiểm nghèo, một phần nhờ mạnh về tiền. Lúc đi máy bay, khi lái ô tô nhà, anh đưa chị đến những bệnh viện nổi tiếng khắp nước. Những ngày chị ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, anh luôn bên cạnh tiếp thêm sức lực cho chị.
Chị dần bình phục và trở lại bục giảng chưa lâu thì chuyện buồn khác lại đến. Chuyện này chị nén chặt trong lòng nhưng tôi biết. Hai nhà chung tường, lại cùng là phụ nữ nên chị hay san sẻ cùng tôi những riêng tư. Lần này, tôi cảm nhận nỗi đau tinh thần đang dày vò chị khi đêm đêm thấy chị thức canh cửa chờ anh về. Những đêm lê thê, một mình với tĩnh lặng ấy, chị ngồi bất động nơi phòng khách, chốc chốc đi ra cổng đứng chờ. Chờ mỏi, chị thất thểu quay vào cùng tiếng thở dài. Lắm đêm tôi thức giấc giữa khuya, thấy đèn nhà bên vẫn sáng, biết anh chưa về. Mỗi khi anh về, tất nhiên chị không thể im lặng. Dù chị cố nén lòng hạ giọng nhưng tôi cũng lờ mờ nhận ra lý do đi tối về khuya của người đàn ông cạnh nhà. Thì ra, anh đang đổi lòng với vợ khi léng phéng lập phòng nhì hay cơi nới quan hệ ngoài luồng đâu đó. Đối diện với anh trong những đêm trắng, chị luôn kìm nén, dường như sợ hai con hay biết. Lời đau khổ đẫm trong nước mắt của người vợ đã không níu được người chồng ở lại với tổ ấm gia đình. Lấy lý do công chuyện, anh vẫn đi tối về khuya thất thường. Cũng với lý do ấy cộng với việc cho chị lắm lời, anh chuyển đến ngủ tại văn phòng công ty. Chị bất lực, giấu nỗi đau trong im lặng. Nhưng vẻ mặt thất thần cùng dáng phờ phạc của mẹ và sự vắng mặt đột ngột của bố khiến hai đứa con thắc mắc. Nghe chúng gặng hỏi, chị giả cười, ngụy tạo lý do để con yên lòng.
Chị co rúm khi nghe con trai bảo, nó thấy bố dẫn gái vào nhà nghỉ. Nỗi lo các con biết quan hệ mờ ám của bố cứ phập phồng trong chị lâu nay, giờ đang vở lở. Chị điếng người, mặt thất sắc nhưng vẫn cố che giấu: “Chắc con nhầm.” Thằng bé cãi lại, nhầm sao được khi nó nhìn rõ mặt và cả biển số xe của bố tại nhà nghỉ gần trung tâm luyện thi đại học. Chị xoa dịu con: “ Biết đâu đó là bạn làm ăn của bố”. Thằng bé giãy nảy, la lên trong tức giận: “ Bồ thì có, chứ làm ăn gì giữa đêm khuya như thế!?”. Chị đứng sững, nhìn con như người lạ, nước mắt ròng ròng. Dường như không thể dối lòng được nữa, chị ôm chầm lấy con, cả hai cùng oà lên nức nở. Một lúc sau, chị gạt nước mắt, nói với con bằng những lời năn nỉ: “ Dù sao con cũng đừng nghĩ xấu về bố, nhé!”. Thằng bé lùi lại, nhìn mẹ không chớp mắt, giọng bực tức lẫn ngạc nhiên: “Bố đã thế, sao mẹ vẫn im lặng?”. Chị bối rối, lãng tránh ánh nhìn của con. Đôi mắt trẻ căng tròn ngước lên chờ đợi nhưng vẫn không có lời đáp, nó cúi xuống, thở dài. Bất ngờ nó vung tay, nói lớn: “Nếu bố bước vào nhà này, con sẽ ra khỏi nhà!”. “Đừng, con ơi!”. Giọng chị nấc lên như bị thương rồi nghẹn lại trong nước mắt.
Cuối năm, chị sang nhà tôi; sau một lúc bao đồng, chị dè dặt thăm dò: “ Năm nay, liệu nhà em có được công nhận gia đình văn hóa không chị?”. Tôi cười: “Chưa họp tổ dân phố để xét nhưng chắc được”. Đây vốn là việc bình thường nhưng nhìn nét mặt có phần lo âu căng thẳng của chị, tôi chột dạ: “Sao cô hỏi vậy?”. Chị xòe ra tờ giấy tự chấm điểm gia đình văn hóa rồi nhìn tôi ngần ngại: “ Trong này có tiêu chí gia đình hòa thuận hạnh phúc nhưng vợ chồng em…như chị thấy đấy”. Tôi hiểu và thương điều áy náy chân thành của chị bèn chia sẻ: “ Cô nghĩ thế cũng phải nhưng sự việc giữa cô chú chưa đến nỗi nào. Vả lại, hộ cô chú luôn đi đầu trong các hoạt động của tổ nên theo tôi xứng đáng là gia đình văn hóa”. Chị cười nhưng giọng buồn buồn: “ Cảm ơn chị. Với em, có sao nhận vậy. Nhưng em lo, nếu không được gia đình văn hóa, hai cháu sẽ tổn thương rồi càng hận bố của chúng”. Chị về rồi nhưng tôi vẫn đắm trong ý nghĩ, giá như người chồng nông nổi kia hiểu được nỗi lòng của vợ.
Ăn phở mãi cũng ngán, lang thang hoài cũng mệt, người đàn ông cạnh nhà tôi cũng không là ngoại lệ. Sau hai tháng rời nhà theo đuổi đam mê riêng, anh mon men muốn quay về chốn cũ. Tôi cảm nhận điều ấy khi nhiều bữa thấy anh ngồi trong quán cà phê đầu ngõ, mắt nhìn mãi về phía nhà mình. Tiếp đó, bằng những bước chân ngập ngừng, anh về lại ngôi nhà thân thuộc, chỉ trong chốc lát. Lần thứ hai anh về, đúng lúc con trai đang ở nhà, thế là hư sự. Thằng bé vừa thấy bóng bố đã đùng đùng nổi giận. Nó vơ vội chiếc áo vắt vai rồi chạy ra sân vọt lên xe, ngoái lại nhìn mẹ với lời chào sắp khóc: “ Mẹ ơi, con đi đây!”. Chị gọi giật ngược: “Đừng đi, con ơi!”. Nhưng không giữ được thằng bé. Trong tích tắc, nó đã vù ga lao vút đi, để lại người mẹ chới với trong đau khổ. Chị khóc, đứa con gái khóc theo. Anh ngơ ngác, đưa đôi mắt vô hồn nhìn quanh. Anh sững sờ đứng lặng một lúc rồi ngồi phịch xuống ghế, đưa hai tay ôm đầu. Nỗi lo trong chị dâng đến đỉnh điểm khi con trai ra khỏi nhà là tắt điện thoại rồi biền biệt cả đêm không về. Chị đứng ngồi không yên, liên tục đi ra đi vô, chốc chốc lại ngửa mặt giữa cao xanh, kêu trời. Chỉ đến khi chị thông qua bạn của con bắn tin là bố đi rồi thì thằng bé mới lò dò trở về.
Người đàn ông cạnh nhà tôi với con trai bỗng dưng như mặt trăng với mặt trời, như sao mai với sao hôm không cùng ở. Bố về thì con đi, bố đi con lại về. Anh lánh mặt con trai nên thường về nhà những khi nó đã đi học. Thằng bé không muốn nhìn bố nên mỗi khi phong thanh nghe bố về, nó lại phóng xe đi. Không gay gắt quyết liệt như lần đầu, những lần sau nó loanh quanh đâu đó rồi về. Thằng bé vẫn giữ vẻ lầm lì với bố, về nhà là nó vào phòng riêng, chốt cửa lại. Anh buồn, bằng chứng là thời gian anh ở nhà ít hơn ngồi quán nhậu và đi lang thang.
Bảo con không được, nói chồng không nghe, chị đành làm chất xúc tác để bố con xích lại gần nhau. Nghe con hỏi nên đăng ký ngành gì để thi đại học, chị bảo phải xin ý kiến bố. Thấy thằng bé ngần ngại, chị gợi ý con nên nhắn tin. Về quê chạp mả hay giỗ họ, chị đều bảo hai con đi cùng với bố. Từ những việc nhỏ như mua ti vi, thay bóng đèn đến việc lớn như sơn lại nhà, xây tường rào cổng ngõ…chị đều giao anh lo liệu. Anh có nhiều lý do hơn để về với tổ ấm của mình. Nhưng hình như lời yêu thương cùng những tiếng cười vẫn chưa trở lại trong gia đình ấy. Anh vẫn đi về thất thường, dù không vắng nhà nhiều ngày như trước. Đứa con trai không còn ra mặt giận bố thì chuyển vào chiến tranh lạnh. Nó lặng lẽ như cái bóng, vẻ cau có khiến khuôn mặt trẻ già đi. Khoảng cách giữa hai bố con vẫn chưa thể lấp đầy.
Mới đây, chị sang mời tôi dự đám giỗ ông nội sắp nhỏ nhà chị. Mời rồi nhưng chị vẫn nấn ná chưa về, hình như có điều gì muốn nói. Không để tôi chờ lâu, chị trải lòng: “ Em định nhân đám giỗ ngày mai, nhờ anh em trong nhà nói vun vào để hai bố con làm lành với nhau, chị ạ”. Vẫn giọng buồn buồn, chị bảo: “ Nghĩ kỹ, em thương anh ấy hơn là giận bởi một phần cũng tại em…”. Tôi giật mình, tròn mắt: “Cô nói sao?”. Đáp lại vẻ sửng sốt của tôi, chị ngồi lặng với nét mặt man mác buồn lẫn trong bối rối. Có vẻ khó nói nhưng rồi chị cũng tìm được ngôn từ diễn tả lòng mình: “ Ông xã em mới tuổi bốn mươi, đang sung sức thế kia thì đâu đã thôi được những ham muốn thường tình, trong khi em do bệnh tật mà bỗng khiếm khuyết thiên chức làm vợ. Đã vậy, anh ấy sao tránh được những giây phút ngoài vợ ngoài chồng, phải không chị?”. Lặng thinh một lúc rồi chị nói tiếp điều đang nghĩ, giọng buồn như có nước mắt thấm trong từng lời: “Em đau lắm nhưng chỉ thương hai con. Chúng sẽ ra sao trước hình ảnh người bố không trọn vẹn ?!”. Những tiếng sau cùng của chị bỗng nghẹn lại, mắt rơm rớm.
Tôi nhìn chị, thương đến nao lòng. Dẫu trải bao đau khổ, chị vẫn bao dung với chồng. Lòng chị khác nào lối về rộng mở dành cho anh. Ôi, giá như anh biết điều này!
Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc