Multimedia Đọc Báo in

Bạch Mã

22:35, 31/01/2014

1. Chiều dần buông. Sương chập chạ triền núi. Những màn sương mỏng tang như tấm khăn voan dính vào đá la đà. Vài tia nắng cuối ngày hắt ngang, bật lên nét chấm phá màu vàng trắng óng ả, bồng lai. Đàn bạch mã chen nhau nháo nhào xuống núi động cỡn, rượt đuổi nhau lục lạc rổn rảng, hí hé vang lừng. Chúng ngụp lặn trong sương. Những dải bờm vồng lên như sóng biển trắng lóa. Lũ trẻ chăn ngựa ngồi ngất nghểu trên lưng những con ngựa trắng nhẩn nha nhai những quả sim nhét đầy ứ trong túi áo. Chúng ném vào chiều tiếng nói cười ồn ã: “Anh A Bảo! Kỵ Sĩ Bạch Mã! Nổi sáo lên đi!”. Phía trước mặt lũ trẻ là một thanh niên cao lớn, săn chắc. Mái tóc bồng bềnh, trán cao, mũi thẳng, để ria mép con kiến. Anh ta đội mũ rộng vành, mặc áo ghi-lê sát nách, quần da, đi ủng. Giá như anh ta đeo thanh kiếm, hoặc khẩu súng bên hông sẽ giống hệt kỵ sỹ. Tiếc rằng trên tay anh ta là một cây sáo trúc. 

Người thanh niên có biệt danh “Kỵ Sĩ Bạch Mã” cười ha hả: “Hẹn các kỵ mã tí hon ngày mai ta gặp nhau tại thảo nguyên”. Tiếng cười vừa dứt, chàng kỵ sỹ thúc hai chân vào hông ngựa. Con bạch mã chồm lên phi nước đại. Để lại sau lưng bầy ngựa trắng nhộn nhạo và lũ trẻ hiền lành.

Minh họa: Đức Văn
Minh họa: Đức Văn

Người ngựa tốc hộc lao xuống chân núi. Trước mắt hiện ra thảo nguyên cỏ bời bời. Cỏ như thảm nhung xanh bao la. Chàng kỵ sỹ vuốt lưng ngựa, vỗ về: “Cơn Lốc Tuyết nhịn thèm nhé! Ngày mai ta cho vục cỏ thỏa thuê”. Con ngựa vẫy tai, hí dài, tung vó khoáng đạt hơn. Có lẽ nó cảm nhận được sự âu yếm của chủ. Cơn Lốc Tuyết là con ngựa bạch giống Tây Tạng thuần chủng cao to, dềnh dàng, bờm cuồn cuộn. Vòng cổ của nó dài ngoẵng như cổ cò. Đôi mắt màu mây trắng, chung quanh con ngươi ánh lên màu đồng lửa. Đuôi ngựa như bó bông lau xòe ra ngúng nguẩy. Mông lớn, ngực nở, bụng thon, ôm sít soát bộ kiều màu nâu. Vó ngựa móng sừng màu cước bạc. Đó là con tuấn mã cực hot của vùng cao Sà Chìn.

Vó câu rời khỏi thảo nguyên. Chẳng mấy chốc người ngựa dừng chân trước nhà hàng “Cao Bạch Mã”. Gã bồi bàn nón rộng vành, áo ghi-lê, vai đeo súng trường (súng giả) chạy ra đon đả: “Anh A Bảo cứ để ngựa đó cho em!”. Khách dúi vào tay gã bồi bàn tờ một trăm ngàn: “Chú cho ngựa ăn giúp anh nhé!”. Gã bồi bàn mắt sáng lên: “Dạ! Bác yên tâm!”. Gã dắt ngựa ra phía sau vườn, miệng dẻo quẹo: “Cơn Lốc Tuyết ngoan nào. Ta cho chú mày chén một bữa cỏ đã đời nhé.”. Ba người đàn ông đang ngồi trong nhà hàng bỗng nhổm dậy, lẽo đẽo theo sau gã bồi bàn để chiêm ngưỡng con Cơn Lốc Tuyết. Nơi gã bồi bàn cột ngựa có gần chục con bạch mã đứng ăn cỏ. Con nào cũng bụ bẫm, mượt mà. Vài con gõ móng, hí lanh lảnh khi phát hiện có người lạ đến gần. Chắc chắn chủ nhân của chúng là những tay chơi ngựa siêu hạng, hoặc ít ra cũng là dân lái ngựa chính hiệu. Con trai Sà Chìn được công nhận là trưởng thành khi biết cưỡi ngựa, bắn nỏ và chở con gái trên yên ngựa một cách điệu nghệ.

A Bảo vừa ngồi xuống chiếc bàn trống, có ngay gã bồi bàn khác cũng nón rộng vành, vai mang súng… săn đón: “Bác dùng bít tết với ngọc ngọ như mọi hôm?”. Kỵ sĩ cao hứng: “Cho anh thịt ngựa cuộn rau củ nướng với món đuôi ngựa hầm thuốc Bắc và một chai XO”. Gã bồi bàn cười hềnh hệch: “Chưa tìm được đất dụng võ nên bác không cần ngọc ngọ?”. Kỵ sĩ cười khanh khách: “Chú em đáo để nhỉ! Anh thể lực sung mãn như vầy đâu cần ngọc dương, ngọc ngọ làm gì”. Cao Bạch Mã là nhà hàng nổi tiếng ở vùng cao này. Trái khoáy là nhà hàng không hề bán cao ngựa. Menu la liệt đặc sản về ngựa: Bít tết ngựa, thịt ngựa lúc lắc, xúc xích ngựa, thịt ngựa nướng rim, thịt ngựa bằm xúc bánh đa, thịt ngựa hầm nấu đùi gà, tim ngựa chần…

A Bảo ngồi nhấm nháp ly rượu suông, chờ thức ăn. Một nàng chân dài sà tới, líu lo: “Chao ôi! Cớ sao hôm nay trông kỵ sĩ buồn thế?”. A Bảo rót ly rượu chưa kịp trao cho người đẹp thì người đàn ông ngồi bàn bên cạnh bước sang: “Em thông cảm! Anh cần nói chuyện riêng với A Bảo”. Cô bé chu môi, đắng đót: “Anh A Bảo là thượng khách của em, phá bĩnh như vậy coi chừng bị phạt đó nha”. Khách không thèm để ý đến câu nói của cô bé, kéo ghế ngồi sát vào kỵ sĩ, thì thầm: “Có một lái buôn ở dưới xuôi cần hai con ngựa bạch cỡ 5 tuổi. Anh ta đang nhậu ở tầng trên. A Bảo đừng bỏ lỡ cơ hội”. Kỵ sĩ gật gù: “Được! Được! Nhưng bác phải đích thân giới thiệu bạn hàng cho em. Em mà tiếp cận anh ta thì hóa ra mình cần người ta, dễ bị ép giá”. Bạn của kỵ sĩ vỗ vai: “Ông này ranh thật!”.

Ở Sà Chìn ai chả biết A Bảo là tay thuần dưỡng ngựa vào loại độc nhất vô nhị. Anh ta sành sỏi chuyện tìm mua những con ngựa hởi lông vàng, ngựa kim đen trắng với giá bèo để phối giống với ngựa bạch chính tông thành ngựa bạch quý tộc. Nuôi chừng dăm bảy tháng, thét giá vài ba chục triệu một con. Dân lái buôn nhìn những cô, chú bạch mã sởn sơ, nuột nà “OK” ngay mà không cần kèo nài bớt một thêm hai. Tiền vô túi A Bảo như cháo chảy. A Bảo cưỡi ngựa giỏi. Bắn nỏ tài. Thích tha thẩn trên thảo nguyên. Năm ngoái, sáu tỉnh miền núi phía Bắc phối hợp thi đua ngựa bạch. Ban tổ chức đưa ra điều lệ cuộc thi khá nghiệt ngã: Cưỡi ngựa không yên, không bàn đạp giữ chân. Thí sinh chỉ được trải một tấm vải trên lưng ngựa. Dây cương là hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển ngựa. Một trăm hai mươi mốt kỵ sĩ vùng cao đăng ký dự thi đua ngựa bạch. Đường đua 2 ki lô mét. Tiền thưởng một tỷ đồng. Ngày đầu tiên hơn sáu mươi kỵ sĩ bị loại khỏi vòng đua. Chưa kể những kẻ ngã ngựa phải cấp cứu vẫn không làm cho cuộc đua bớt đi sự hào hứng. Ngày thứ hai hơn bốn mươi thí sinh “rớt đài”. Mười hai gương mặt sáng giá nhất được trao danh hiệu “Kỵ sĩ Thảo Nguyên”, trong đó có A Bảo. Kết thúc vòng chung kết đua ngựa, A Bảo đoạt Giải quán quân “Kỵ Sỹ Bạch Mã” đầy sức thuyết phục. A Tường ôm anh trai la hét như điên. Lúc mở tiệc mừng chiến thắng, ông chủ khảo cuộc thi gọi A Bảo ra ngoài, hỏi nhỏ: “Chú có thể cho anh biết làm thế nào mà chú giữ được thăng bằng trong khi ngựa phi như gió lốc?”. A Bảo gãi đầu, ngượng nghịu: “Có gì đâu bác. Người cưỡi ngựa chạy thi phải ngồi đúng vào  điểm lõm gần vai ngựa. Hai chân phải kẹp chặt vào bụng ngựa, nhấp nhổm lên, xuống đúng theo nhịp phi của ngựa là ăn chắc”. Ông chủ khảo đặt một xấp tiền giấy bôlime, loại mệnh giá 500.000đ vào bàn tay A Bảo: “Anh cảm ơn chú em nhiều lắm! Anh hứa sẽ không cho ai biết bí quyết đua ngựa của chú”. Kỵ Sỹ Bạch Mã vội vã rút tay về: “Bác đừng làm thế tổn thọ lắm. Em không nhận đâu”. Ông chủ khảo giữ chặt bàn tay A Bảo, van lơn: “Chú nhận cho anh vui nào. Đây chỉ là chút lòng thành của anh. Chú từ chối, anh buồn đấy”. Cực chẳng đã A Bảo phải đút tiền vào túi quần. Chàng cười thầm: “Đời nào thằng A Bảo này tham tiền, đem bán bí quyết đua ngựa cho ông. Ta còn giữ lại ẩn số mà ông không bao giờ hiểu được”.

2. Gã lái ngựa dưới xuôi trạc năm mươi tuổi, da bánh mật, lùn tịt. Anh ta có đôi mắt lồi như mắt ếch. Giọng nói lào khào: “A Bảo cho mình xem mắt ngựa chứ?”. Kỵ sĩ gật đầu liên hồi như con bổ củi: “Ồ, được! Được thôi mà! Giờ Tuất (20 giờ) tối nay. Em cho bác xem cả hai con bạch mã cưng của em”. Khách bỗng phá lên cười: “Một người chuyên thuần dưỡng ngựa như chú em thì con nào chả là ngựa cưng, mã quý ”. Kỵ sĩ lộ vẻ bất mãn: “Bác khặm khuội mua mua, bán bán đếch hiểu khuyển mã chi tình là cóc gì. Ngựa có trí khôn, có lòng trung thành và hiểu được tính nết của chủ cơ đấy. Ông cụ nhà em từng say rượu, nằm trên lưng ngựa ô vượt đồi Thần Gió, bị bọn cướp phục kích nổ súng loạn xạ.

Vậy mà ông thoát chết ngoạn mục. Bác có biết vì sao không? Con ngựa ô đang chở ông cụ nhà em qua đồi tự dưng khựng lại, hếch mũi, vểnh tai nghe ngóng rồi rùng mình mấy cái. Cụ nhà em biết sắp xảy ra điều chẳng lành, liền trườn lên hai tay bám sát bờm ngựa. Hai chân quặp chặt vào mình ngựa. Con thần mã lao như tên bắn. Bác yên trí đi, em không bán ngựa ngực lép, chân cong, bờm rủ cho bác đâu. Đừng nghi kỵ phiền toái”. Gã buôn ngựa nghe A Bảo nói một hồi nổi máu hiếu kỳ: “Thôi, thôi, chú em cho tôi xem mắt ngựa bạch đi nào.”. Đúng giờ Tuất, A Bảo móc túi quần, lấy ra cây đèn pin bằng ngón tay cái, nhìn gã lái ngựa, lắc đầu, loay hoay tìm cái ghế: “Bác đứng lên ghế may ra còn nhìn thấy”. Gã người miền xuôi cười chữa thẹn: “Mẹ kiếp! Ông già tôi cao như mã sào, không hiểu sao sinh ra tôi bậm bịch như con vịt đực”. Ngọn đèn pin từ tay A Bảo sáng lên hướng vào mắt bên phải, rồi mắt bên trái của ngựa bạch. Điều thần kỳ xảy ra. Hai con mắt ngựa bạch từ hình tròn chuyển sang hình chữ nhật, đỏ lừ như đốm lửa. Cây đèn pin được lia sang mũi ngựa, mõm ngựa chợt sáng lên màu hồng đỏ ấn tượng. Gã lái ngựa gật gù: “Đúng là chuyện lạ lùng. Chính thống là ngựa bạch chẳng sai. Tôi đồng ý mua hết hai con giá tám mươi triệu”. A Bảo mỉm cười mãn nguyện: “Bác thấy không? Những con ngựa của em không phá, không đá và không cắn chủ. Chúng nó có trí khôn đấy  chứ ạ!” Vừa nói, A Bảo vừa rút lược chải bờm cho ngựa. Chú bạch mã hít hít, vẩy tai, rủ bờm, gõ móng tỏ vẻ mừng rỡ. 

Vài năm gần đây, Sà Chìn nhộn nhịp hẳn lên, từ khi ngựa bạch được xem là loại động vật cao cấp. Các cơ sở nấu cao ngựa hoạt động nháo nhào. Đầu làng là chợ ngựa ngoe ngoắt. Giữa làng là những ngôi nhà tạm bợ mọc lên, treo bảng hiệu quảng cáo quá lố: “Cao Bạch Mã Hảo Hạng”, “Cao Phong Mã Diệu Kỳ”, “Cao Thiên Mã Trường Sanh”, “Cao Ngựa Trắng Cực Hot”, “Rượu Ngọc Ngọ Uống Biết Liền”, “Rượn  Phổi Ngựa Độc Tôn”… Dọc đường làng còn treo bán nhan nhản ví da ngựa, dây nịt ngựa, móng chân ngựa… Nghĩa là người ta khai thác triệt để con vật “làm thân trâu ngựa” bằng mọi giá. Đàn ngựa bạch Sà Chìn cứ teo tóp dần theo ngày tháng. Người ta đồn đại cao ngựa bạch như thần dược, trị được bá bệnh: Đau xương, nhức khớp, mạnh gân, cường cơ…

A Bảo đưa khách dưới xuôi đến cơ sở nấu cao ngựa bạch của ông Mạ Là. Vừa thấy A Bảo, ông ta cười híp mắt: “Kỵ sĩ mua cao bạch mã uống cho cường gân đoạt tiếp Giải Nhất cuộc đua ngựa sắp đến”. Kỵ sĩ  cầm miếng cao ngựa màu cánh gián, mặt cao bóng mịn, mân mê: “Loại này bao nhiêu một lạng hỉ?”. Chủ nhà nheo mắt cười ranh mãnh: “Hai triệu tám không bớt một đồng”. Khách dưới xuôi cầm khư khư miếng cao ngựa trong suốt. A Bao hiểu ý, xổ toạc: “Bộ bác tưởng cái đó ngon à? Bã xương đã nấu cao hết xái còn đem nghiền nát trộn với sáp ong. Rõ là treo đầu dê bán thịt chó”. Khách dưới xuôi miệng há hốc: “Trời đất! Vậy mà tôi cứ tưởng…”. Gương mặt chủ quán  méo xệch: “Cái thằng cứ nói linh tinh”. Kỵ sĩ nhún vai, nhếch mép: “Tôi nói sai à? Tóm lại bác có mua cao ngựa bạch thì chọn loại màu cánh gián kia”. Khách dưới xuôi mất hứng thú mua cao ngựa bạch. Anh ta mua một cái ví da ngựa để chủ quán được vui lòng, rồi cáo lui.

3. Sắp đến ngày đua ngựa sáu tỉnh miền núi phía Bắc lần thứ hai, nhiều kỵ sỹ trong khu vực cất công đến Sà Chìn thăm dò tình hình. Họ kèo nài A Bảo bán con ngựa Cơn Lốc Tuyết từng đoạt Giải quán quân cho họ. Có kỵ sỹ còn thách mua con ngựa của A Bảo một tỷ đồng. Chàng kỵ sĩ lãng đãng bất ngờ tuyên bố một câu gây sốc cho tất cả kỵ sĩ đang có mặt ở Sà Chìn vốn náo nhiệt, nóng lên từng ngày trước cuộc đua ngựa. Rằng anh ta không bán con Cơn Lốc Tuyết với bất kỳ giá nào và cũng không tham gia cuộc đua ngựa liên tỉnh lần thứ 2. A Tường (em trai A Bảo) dậm chân, kêu trời. Còn kỵ sĩ sáu tỉnh thì vô cùng phấn khích, hoan hỷ. Họ tung hô A Bảo như tung hô một vị anh hùng. A Bảo mà không tham gia đua ngựa bạch lần này thì các kỵ sĩ có cơ may đoạt giải nhất.

Chuyện A Bảo quyết định không tham gia cuộc đua ngựa có nhiều nguồn dư luận khác nhau.  Người thì bảo rằng A Bảo cao thượng. Kẻ thì rêu rao thằng cha chơi trội và cũng không ít người cho rằng thần kinh của Kỵ Sĩ Bạch Mã có vấn đề.

Thật nực cười. Tất cả những lời bàn tán của thiên hạ về A Bảo  đều sai bét. Kể cả A Tường.  Gã vừa thấy anh trai  bước vào sân, liền tự đấm vào ngực, gào lên như cháy nhà: “Ối trời ơi! Ông ăn cái chi mà ngu thế không biết! Bố ơi! Người ta mua con ngựa một tỷ đồng, A Bảo không chịu bán. Đã thế còn tuyên bố với mọi người không đua ngựa là cớ làm sao?”. A Bảo chưa kịp đáp, tiếng nói trầm đục của ông A Thồ từ nhà dưới vọng lên: “Thằng A Tường, mày có im đi không? Mày đạp nước đái ngựa nhà ai mà hỗn láo vậy hử? Thằng A Bảo làm vậy là có lý do riêng của nó. Đúng không con?”. Kỵ Sĩ Bạch Mã nghe ngọt từng khúc ruột: “Đúng đó bố. Con nghĩ con Cơn Lốc Tuyết là giống ngựa quý hiếm. Nhà mình phải giữ lại gây giống lâu dài. Khi ấy ta sẽ có nhiều tỷ đồng và Sà Chìn của ta bảo tồn được giống ngựa bạch có một không hai. A Tường không hiểu sao? Muốn có con giống tốt phải giữ sức cho ngựa. Lần này ta đua ngựa cũng sẽ chắc thắng. Nhưng liệu các kỵ sĩ các tỉnh có còn hứng thú đăng ký dự thi khi đã đoán trước phần thắng thuộc về người khác? Sà Chìn này đâu chỉ có con bạch mã Cơn Lốc Tuyết. Con Bắc Phong Sương mà anh tặng chú, đó là con tuấn mã không thua gì con Cơn Lốc Tuyết. Mông to, ngực nở, bụng thon này. Tam sơn thấp, cổ cao, bờm dày này. Nó vượt mấy ngọn đồi rồi trở về nhà mà vẫn thở đều hơi. Từ đây tới ngày đua ngựa còn xa. Chú cho nó ăn nhiều đậu tương vào và tập luyện thường xuyên. Chú cưỡi ngựa cũng điệu nghệ đâu có thua anh, đúng không? Nên nhớ rằng kỵ sĩ đẳng cấp trên đường đua không chỉ biết chọn ngồi ở điểm lõm gần vai ngựa, hai chân phải kẹp chặt vào bụng ngựa, nhấp nhổm lên, xuống đúng theo nhịp ngựa phi… mà còn nhiều bí quyết khác cộng với ý chí con người sẽ làm nên chiến thắng”.

A Tường như người ngủ mê vừa bừng tỉnh. Gã chồm tới ôm choàng lấy anh trai, bật cười ha hả.

Truyền ngắn của Trần Quốc Cưỡng


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Châu về hợp phố
11:37, 24/01/2014
Cho em màu áo tinh khôi
15:10, 26/12/2013
Lời trách của mẹ
09:25, 07/12/2013
Tình Yêu Bún Đậu
08:11, 26/11/2013
Lối về
10:36, 29/10/2013
Chọn bạn mà chơi
10:00, 27/09/2013
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.