Mua tặng mẹ một lá trầu
Ngày của mẹ - không một cành hồng đỏ thắm, cũng không món quà gói nơ xanh đỏ bởi con biết những thứ đó với một bà mẹ quê và những đứa con lớn lên nhờ những gánh hàng rong của mẹ như tụi con thì thế nào mẹ cũng chặc lưỡi: “Cái tụi, bày vẽ, chỉ tốn tiền. . Cho mẹ miếng cau, lá trầu là tốt lắm rồi...”.
Hạnh phúc với mẹ đâu phải là một bó hoa hồng đỏ, một món quà gói nơ mà đơn giản chỉ là mấy đứa con được ăn, được học, được lớn lên. Còn riêng phần mình, hạnh phúc với mẹ chỉ là lá trầu, miếng cau quen thuộc.
Mẹ thích ăn trầu dù mẹ chưa đến tuổi gọi bằng “tra” (bà). Mẹ kể, ăn trầu theo bà ngoại từ lúc còn con gái. Thấy ngoại nhai nhom nhem, thích ăn thử rồi ghiền lúc nào không hay. Không có là lại nhạt miệng, thấy thèm. Chẳng biết người ta nghiên cứu có chất gì trong lá trầu ấy không mà với mẹ, ngày bé ấy, tôi thấy lá trầu già già xanh xanh ấy chữa được bá bệnh. Mẹ “dính” với lá trầu... hơn cả đòn gánh đời mẹ. Đi làm về mệt, bỏ gánh, mẹ ngồi phịch xuống nền đất, nhai trầu một cách ngon lành. Ho cũng đâu dám uống thuốc, lấy trầu ra nhai, cơn ho qua khỏi lúc nào không hay (mẹ làm thế để quên đi cơn ho sặc sụa); ế hàng, mẹ ngồi buồn buồn nhai trầu, vui cũng nhai trầu rồi hóm hỉnh nói với con cái: “Đời mẹ cần gì son môi…”.
Vậy mà một thời bỏ tiền ra mua miếng cau khô, miếng vỏ sậy nhai trầu, mẹ lại chẳng dám. Túi nilông bóng bóng, nhàu nhàu trong túi mẹ là mấy lá trầu khô quăn cả mép, chút vôi đỏ quệt nhẹ chỉ dám phớt qua cho có màu. Những mùa cau đắt đỏ, mẹ chỉ dám mua những quả cau lép, nhỏ sần rồi bổ làm tám, phơi khô ăn cho đỡ tốn…. “Nghiện ăn trầu là tốn thêm một khoản, dành tiền cho tụi bay ăn học”. Tiếc tiền, nhiều lần mẹ quyết bỏ trầu song cuối cùng đành dang dở một quyết tâm. Lần đầu tiên, tụi con thấy mẹ quyết là không làm được. Ngậm ngùi bảo mẹ: “Có đáng là bao…”! Thế là mẹ lại gắn với mấy lá trầu héo úa, miếng cau già, mua vài ngàn đồng ăn suốt cả tuần lễ.
Nhà nghèo, lại đông con, bao nhiêu nhọc nhằn mẹ gánh lấy. Bọc trầu móc túi áo, đòn gánh chạy chợ còm cõi - gắn với mẹ như một “nghiệp” đa đoan! Trong những phiên chợ mai, tìm được chỗ ngồi để cân hàng đâu phải là dễ. Kẻ đẩy qua, bắt nhích sang phía kia, người đùn về buộc xê dịch. Có hôm còn bị người ta “tém gọn” mớ rau xộc xệch trong rổ, hất mạnh đôi quang thúng sang bên để lấy chỗ bày hàng của mình. Mẹ lặng lẽ thu vén đồ đạc cho gọn lại, mặc bên tai là tiếng quát tháo sang sảng với “kẻ chạy chợ”. Mẹ dành dụm chắt chiu, lưng vốn chắt góp bao năm trời cũng đủ mua được chiếc xe đạp lọc cọc, cà tàng. Hằng ngày, dáng mẹ nhỏ gầy đạp xe khắp các làng xã, lên đến tận thị xã, đón xe vào Buôn Ma Thuột gom đong từng cân sắn, cân ngô chi tiêu tằn tiện, sống đắp đổi qua ngày. Mấy đứa con vẫn đều đặn tới trường ngày ngày. Năm tháng chắt chiu, bươn chải, từ gánh hàng rong của mẹ, tụi con lần lượt bước đến giảng đường, biết quyết tâm học tập, biết tự làm thêm mưu sinh. Dẫu vậy, hằng tháng nhỏ em út vẫn nhận được xấp tiền lẻ nhàu nát, dính thơm mùi trầu… cố xếp gọn đến phẳng phiu mẹ gửi lên. Mỗi lần về bên mẹ, lại ríu rít: “Còn trầu không hả mẹ? Đã hết cau chưa? Để con mua”. Có đứa còn cẩn thận dặn dò: “Lá nào héo, miếng cau nào khô thì vứt bỏ đi, để con mua cái khác, mẹ đừng ăn nữa nghen mẹ”. Những đứa con, những câu hỏi… đòi mua trầu như món quà lớn nhất dành tặng riêng cho mẹ mà chỉ có mẹ mới biết mẹ đang nhận được những gì.
Đòn gánh, vai mẹ có những lúc tưởng đã mỏi nhưng lá trầu vẫn trung thành bám lấy mẹ. Ra trường đứa nào cũng có công ăn việc làm, mải mê với những toan tính, chạy theo những dự định của riêng mình. Khay trầu của mẹ, dang dở mấy miếng trầu héo đến quăn mép, mấy miếng cau khô chẻ nhỏ… nằm chõng chơ ở một phần góc, mẹ vẫn lặng lẽ ăn.
“Mẹ ơi, còn trầu không con mua?”, chạnh lòng con nhớ, hình như, lâu lắm rồi, khay trầu mẹ vẫn có đó mà bờ môi cong đã “quên” không còn gọi…
Mỗi tháng ngày được cất lên tiếng í ới…đòi mua trầu, nghĩ lại, sao thấy mình diễm phúc quá đỗi.
... Tận đáy lòng con giờ đây, cứ mãi tâm nguyện, thầm cầu mong có còn được như xưa, mua tặng mẹ một miếng trầu.
Ý kiến bạn đọc