Multimedia Đọc Báo in

Kĩu kịt đường quê

14:44, 11/06/2010

Ngày xưa người miền quê muốn vận chuyển lương thực, hàng hóa… từ nơi này đến nơi khác phải nhờ quang gánh và đôi vai dẻo dai của nam nữ thanh niên, kể cả các bác nông dân tuổi trung niên.
Đòn gánh là vật dụng vô cùng cần thiết đối với nhà nông. Vì vậy nó tồn tại qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Những lũy tre ken dày bao bọc quanh xóm làng trở thành bức trường thành kiên cố chắn gió bão, trở thành nguyên liệu bất tận cho việc sản xuất đòn gánh. Muốn có những cây đòn gánh bền chắc, dùng từ năm đến mười năm sau, người miền quê thường chọn những cây tre đực bụ bẫm lâu năm để tiện, đẽo vót thành đòn gánh. Có khi người ta còn đem những thanh tre cật còn tươi dùng rơm đốt, uốn để làm những cây đòn gánh dẻo dai, gánh nặng, nhưng không hề gãy gánh giữa đường.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để có những cây đòn gánh vừa đẹp, vừa bền chắc, người đẽo gọt đòn gánh phải có hoa tay và sự sáng tạo mang tính nghệ thuật. Đó là những cái đòn gánh quãng giữa thẳng băng, nhưng hai đầu oằn xuống một chút, cuối cùng là đầu mối đòn gánh vểnh lên để giữa chặt hai quai gióng khỏi tuột đổ khi gánh hàng. Đòn gánh còn bắt mắt ở chỗ mặt ngửa thẳng băng, gần hai đầu đòn gánh còn có hai cái nấc xinh xắn, mặt sấp của đòn gánh cong đều như cái cần đàn ghi-ta.

Trải qua bao mưa gió dãi dầu, gắn bó với con người trong lao động, sản xuất, mặt sấp của những cái đòn gánh ma sát trên vai người lâu năm trở nên bóng loáng như đánh dầu vẹc-ni. Mỗi cài đòn gánh bao giờ cũng có một tên người được khắc lên đó không chỉ để làm dấu khỏi bị cầm nhầm mà còn là một kỷ niệm của cuộc sống nhọc nhằn nhà nông. Nhiều người không cần xem tên khắc trên đòn gánh mới nhận ra vật dụng của mình, mà chỉ nhìn thoáng qua cũng biết ngay là vật quý sở hữu, vì nó gắn bó với mình qua nhiều năm tháng. Những cái đòn gánh, khi ta gặt lúa, nó trở thành “đòn bẩy” nâng được vật nặng để di chuyển một cách nhịp nhàng. Khi nhà nông gánh lúa xong, sà vào bóng mát của lũy tre xanh ngắt giữa đồng, đón ngọn gió nồm phóng túng, hoặc chị bán hàng rong đặt gánh xuống, bê múc bánh trái cho khách hàng, đòn gánh trở thành vật kê để ngồi tiện lợi. Khi ta đang đi trên đồng bất ngờ gặp lũ bò húc nhau, đòn gánh trở thành vật tự vệ khiến ta tự tin hơn trước những con vật đang hung hãn.

Đòn gánh đã góp phần tôn thêm bức tranh quê yên ả, sống động. Đẹp sao! Những cô gái tóc dài, nón trắng gánh lúa nhịp nhàng, kĩu kịt trên đường quê. Họ đã góp phần đem lại niềm vui và sự no ấm cho mọi nhà.
Ngày xưa, cứ trưa trưa lại có tiếng rao bán đòn gánh nghe ngái buồn. Người bán đòn gánh thường cột bó đòn gánh dựng đứng như hai bó củi cao lêu nghêu, xỏ cái đòn xóc vào gánh đi trĩu nặng, lại còn cố gắng cất lên tiếng rao mời khàn đục.

Bây giờ không còn mấy ai đi rao bán đòn gánh. Cộ bò, xe công nông ra tận ngoài ruộng chuyên chở lúa sau khi lúa bó đã được tuốt bằng máy. Thế là hình ảnh gồng gánh kĩu kịt trên đường làng thật hiếm hoi.

Trần Quốc Cưỡng


Ý kiến bạn đọc