Multimedia Đọc Báo in

Tạp văn: Cái xa đánh ống

14:50, 04/06/2010

 

Đó là một loại dụng cụ trong hệ thống dây chuyền của nghề dệt vải vào cái thời xa xưa lắm. Cái xa đánh ống là công đoạn sau cái xa cán bông, xa quay sợi, xa kéo vải.
Xa đánh ống là một “cỗ máy” hết sức thủ công, gồm cái sườn cây đặt bằng phẳng sát đất, dài khoảng một mét năm, một đầu là cái dày mây làm bằng mây như cái bánh xe lồng của chiếc máy cày tiểu, có tay quay nối liền với đầu bên kia là cái trục cây gắn với cái ống tre. Các mẹ, các chị banh những sợi vải gắn trên bánh lồng để quay, thu sợi vải vào ống tre. Khi mối chỉ bị đứt là các mẹ, các chị tìm ngay mối chỉ khác để nối lại, tiếp tục quay sợi vải vào ống tre để dệt thành những tấm vải thô trắng màu nước cơm may quần áo cho cả nhà.
Xưa kia, người ta mặc vải thô trắng chán rồi, muốn đổi màu vải cho đa dạng, liền đem nhúng vải ngâm dưới bùn vài ngày lấy lên, vải sẽ có màu xám tro. Nếu muốn vải thô trắng biến thành màu nâu sồng thì nhúng vải thô trắng vào nước rễ cui. Ba màu vải thường xuất hiện ở nông thôn vào thời xa xưa là: trắng, xám và nâu sồng.
Người miền quê thời cha mẹ tôi còn tuổi thanh xuân, ngoài việc đồng áng làm ra lúa gạo cho cái ăn, còn lo trồng bông, bắn bông, dệt vải để lo cho cái mặc. Nên có câu ca dao kể lể có dây có dải tưởng chừng như chẳng ăn nhập vào đâu: “Hồi nhỏ tôi ở với cô/ Cô đánh cô đuổi cô xô xuống bàu/ Xuống bàu bắt ốc hái rau/ Bắn bông kéo vải tôi giàu hơn cô…”. Công việc dệt vải của các mẹ chị ngày xưa khéo léo, liền tay, nhanh nhạy nên người ta quý: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa/ Nó đi đi mất có chờ đợi ai”.
Bắn bông, kéo sợi, dệt vải là một cái nghề mang đậm dấu ấn văn hóa của miền quê vào cái thời khoa học kỹ thuật chưa phát triển và nó đi vào thơ ca cho đến tận bây giờ. Tôi còn nhớ cuối những năm sáu mươi, nhà tôi vẫn còn cái xa đánh ống. Mẹ không còn ngồi tỉ mẩn kéo sợi, đánh ống, dệt vải. Thay vào đó là những búi cước, khoanh cước lưới bén trắng nõn nà, lấp lánh, sợi cước mảnh như tơ tròng vào bánh lồng, đánh ống thu cước vào những chiếc ống tre to như bắp chân người lớn để cha ngồi cặm cụi đan lưới đánh cá lồng. Còn tôi chỉ trông chờ khi nào mẹ đánh ống xong, lấy ống cước dẽ cứng ra là cầm tay quay cái xa đánh ống quay vù vù. Sợi dây trân làm dây cu-roa nối liền chiếc bánh lồng với trục cây chắc vô cùng! Tôi quay xa đánh ống để xem chiếc bánh lồng xoay tít sướng mắt và nghe tiếng trục cây kêu rột rột vui tai.
Có những lần mẹ dùng xa đánh ống quay kéo sợi nhỏ bằng nilon màu xanh mềm óng vào chiếc ống tre để cha cho vào ghim đan võng. Chiếc võng nilon xanh màu lá cây non tơ, êm ái ra đời khiến cho chiếc võng dây trân nằm buồn thiu ở một góc nhà.
Vào những chiều mưa lất phất, cha giăng lưới ngoài đồng, mẹ cần mẫn ngồi một tay quay xa đánh ống đều đều, một tay cầm sợi cước mỏng tang đánh ra thành ống cước sẵn sàng. Những ống cước mập ú, bung ra khúc giữa đặt lít nhít trên bàn thờ, chờ ngày con nước rặt, cha ở nhà đan lưới cho mau.
Cái xa đánh ống của nhà tôi đã trải qua nhiều năm bom đạn, khói lửa chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn. Sau này mẹ không còn ngồi bên cái xa đánh ống để làm cái công việc của cha giao. Cái xa đánh ống đã chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình, nhưng mẹ vẫn giữ gìn như một báu vật, vì nó đã gắn liền với bao kỷ niệm của một thời nhọc nhằn, gian khó.
Trần Quốc Cưỡng

Ý kiến bạn đọc