Multimedia Đọc Báo in

Mẹ quê

10:46, 18/07/2010

Tất cả những người phụ nữ  trên thế gian này đều đáng được trân trọng và  đáng được chúng ta tôn vinh.
Nhiều lúc, con bồi hồi tự hỏi: Công nương Đi-a-na, Mẹ Tê-rê-sa, quý bà Mê-lin-đa-ghet…. họ có gì vĩ đại hơn mẹ?! Mẹ có một vẻ  đẹp vĩ đại và tuyệt vời nhất, chỉ có điều những vẻ đẹp bình dị ấy vây quanh chúng ta thường ngày nên chẳng kịp nhận ra.

Mẹ tôi, một bà mẹ nhà quê nhưng mẹ là nhất, nhất trên đời bởi chỉ mẹ mới có mùi mồ hôi trộn lẫn với mùi rơm rạ theo đuôi từng trang sách con học. Riêng mẹ mới sở hữu đôi gò má tóp đi, chỉ hàm răng mẹ cười cũng đủ cho thấy một quãng đời khó khăn và nghèo nàn. Chỉ ngần ấy đó thôi cũng làm nên một “Nữ hoàng sắc đẹp” và đồng thời cũng là một “Người hùng thầm lặng” của riêng con. Sáng ngày ra, mẹ tất bật bước vội cho kịp buổi chợ mai, bán mấy cân đậu để có dăm ba đồng bạc lẻ dành dụm cho con đi học. Giữa cái nắng hực lửa, dáng mẹ thấp bé, lọt thỏm giữa khoảng đất mênh mông cầm rổ đi mót chồi khoai, đem về cái thì xào dầu, cái độn thêm cùng với gạo nấu ăn qua bữa. Chiều tối, bóng mẹ lại in dài trên bếp củi hun hút khói… Mẹ chẳng khi nào được rảnh rang, con hay tự bình bầu với tụi em rằng: “Má nhà mình - Đệ nhất khổ”. Vậy mà, chẳng bao giờ nghe mẹ phàn nàn về các thiếu thốn mà phải chịu đựng, còn con luôn kêu ca mình không có thứ này thứ nọ… Tuổi tác không chịu đứng đợi, mẹ già sạm đi, mắt nheo mờ dần, vẫn ngồi đó, cặm cụi khâu lại cho con từng hạt cúc áo và cho nhỏ em chiếc vỏ bọc gối lâu năm đã bị tua đi nhiều múi chỉ… Rồi chính sự tảo tần ấy của mẹ dắt bước con vào Đại học. Nhà mình nghèo, lại ở khuất hẳn vào tận ngõ xa, một năm chỉ được hai lần nhìn thấy mẹ qua thư. Rồi những cánh thư cũng thưa dần…

 
Cuộc sống đô thị vốn vội vã đến vô tâm, đôi khi nhớ mẹ là gọi điện về nỉ non: “Mẹ ơi, con thèm lạc rang muối vừng để ăn trong mùa mưa ở đây quá chừng”. Thế là mẹ lại vội vã tự tay giã vừng, rang lạc rồi còng lưng đạp xe lên tít chợ huyện nhờ xe người quen gửi vào thành phố cho con. Ra trường, phố thị  níu chân, nhiều lúc không tránh khỏi những ý nghĩ  len lỏi : sống trong xã hội văn minh, bạn bè là những thành phần trí thức, con không muốn bạn bè của con biết mẹ là một bà mẹ nhà quê! Cả năm không về thăm mẹ, phần thì vì công việc xô bồ, lại ngại chẳng muốn khai thật với chúng bạn. Thấy lâu ngày không về, dì Năm gọi điện bảo: “Lương tâm mày để đâu hả con?”- vẫn cứ im ỉm không muốn cãi lại dì mà chỉ có con mới biết “lương tâm nhiều khi không bằng ... lương tuần!”.
 
Khi chia tay với mối tình đầu mà con đã dành hết kỳ vọng, lúc ấy con chỉ muốn “ngủ một giấc thật dài và sâu để không bao giờ phải thức dậy”. Giữa hàng ghế bệnh viện đông nghịt người, tấm thân nhỏ gầy của mẹ vẫn cố trườn người lách qua để nắm lấy bàn tay con, mặt rạng rỡ một nụ cười  như thì thầm với con điều gì. Trước lúc chiếc băng ca đưa con đi vào phòng cấp cứu, con như bừng tỉnh và thèm được “sống lại” lần thứ hai. Chính mẹ đã sinh ra con thêm lần nữa!
 
Ngày lại ngày qua đi, con với mẹ như hai điểm cực đại của thời gian: mẹ mang tâm trạng của người già, còn bên con là khát vọng của tuổi trẻ, có khi là cái nhốn nháo chưa kịp dứt ở tuổi dậy thì. Song, vẫn ý niệm theo nỗi buồn vui lẫn lộn cứ réo rắt: Mẹ đang đi trên chuyến tàu cuối cùng của cuộc đời, chân mẹ cố bước mau vẫn không níu lại được thời gian... Bất giác, thèm cái quàng tay vỗ về nhẹ nhàng, thèm được vùi đầu vào vai mẹ, thèm được nghe câu chuyện mẹ kể, được ngửi thấy mùi mồ hôi lẫn với mớ rơm rạ ngày thường…

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Tấm thớt làng
14:37, 17/07/2010
Tấm thớt làng
14:37, 17/07/2010
Vườn hạ
16:11, 16/07/2010
Vườn hạ
16:11, 16/07/2010
Quà của ba
00:01, 10/07/2010
Quà của ba
00:01, 10/07/2010