Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe lời đồng vọng

16:30, 13/08/2010

Lời đồng vọng là gì? Điều chắc chắn rằng, nếu ai ở làng quê có cây lúa, dòng sông, lũy tre, bờ ao… sẽ thấu hiểu từ cõi lòng hơn là giải thích. Còn ở quê, từ chung chung này đã hơi bị lạc hậu vì phố phường nới rộng, vì những người con sinh ra từ nơi ấy đang trở thành dân phố đã có xe cộ, nhà tầng, có tiện nghi sinh hoạt theo mỗi bước chân.

Ông bà ngoại tôi ngày ấy ở một miền quê thanh bình có hàng tá người con, trai gái đủ cả. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, mãi đến 1975 ông mới trở về. Bà ngoại ở lại vừa lo nuôi bầy con lít nhít, vừa chạy bom đạn đổ xuống bời bời, vưa cho chúng đến đường làng đi học, vừa lo bà mẹ chồng ngày mỗi yếu dần. Vậy mà ruộng nương, nhà ngói ba gian, vườn tược xanh lá, hai tay bà gầy dựng tất tần tật. Ngày ông xong việc nước, vượt ngàn cây số trở về với chiếc rương con, hòm sách và không còn đủ sức để cùng bà một nắng hai sương. Bây giờ bầy con đã đủ lông cánh mà xuống phố xây nhà, dựng cửa, bỏ lại hai người căn nhà, vườn tược, chuồng trại mặc câu “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông…”. Tôi về thăm ông bà vì cũng theo gia đình về phố, thấy ra vô cũng hai người, tới lui cũng hai người; ra vườn thì thấy bà lui cui cắt tàu lá chuối, đến trước ngõ thấy ông cui cúi gạt rác tấp vào chân cầu gỗ bắt qua mương nước. Bóng nắng vờn qua kẽ lá nhảy múa cùng gió nhưng không có tiếng cười của bầy cháu nhỏ. Bóng chiều đổ qua cổng rào tre nhưng không có đứa con nào về. Buồn thiu thỉu. Cùng lắm buổi sáng mồng một tết, cùng lắm buổi trưa ngày giỗ chính, vài đưa về đáo qua, đáo lại rồi đi, có đứa nào ra mương nước mà nhảy xuống tắm như thuở nào, có đứa nào ra vườn mà chặt buồng chuối chín kẻo chim ăn hết. Chao, niềm vui cũng chẳng tày gang, nhịp điệu phố phường kéo chúng đi hết để chạng vạng lúc gà lên chuồng, mâm cơm dọn ra giữa sân nhờ ánh sáng cuối ngày mà ăn cho xong bữa. Rồi tối cũng chẳng biết làm chi, bên ánh đèn leo lét bởi để điện sẽ tốn; ông bà mỗi người mỗi giường mà trằn trọc, mà nghe tiếng mọt nhấm trên đà gỗ, mà nghe tiếng xào xạc của lá ngoài vườn, nghe tiếng sương rơi trên tàu cau ngoài hàng hiên và đợi tiếng gà gáy mà trở dậy xuống bếp cho ngọn lửa bập bùng chào một ngày trên quê nhà.

 

Rồi bà ngã bệnh, sau những tháng năm thiếu thốn bóp hầu, bóp miệng để dựng mái nhà, nuôi con ăn học, dựng vợ gả chồng cho thằng Hai, con Ba… Bao cái lo đó làm bà gầy rộc, rồi đến một ngày mắc bệnh nan y. Bà tạm biệt cánh đồng làng, tạm biệt ngôi nhà, khu vườn xanh sắc lá để về thành phố chữa trị và bác sĩ lắc đầu. Trở ra thì vĩnh biệt luôn cánh đồng vì phải ở cùng con trai nơi phố thị, vĩnh biệt căn nhà mái ngói mà ở nhà mái bằng, vĩnh biệt luôn chiếc giường tre kỷ niệm để nằm trên giường hộp trải nệm, và vĩnh biệt luôn một vụ gặt vừa chớm vì bà ra đi vĩnh viễn ở phố, yên nghỉ ở nghĩa địa phố. Rồi các cậu, dì tôi cũng đưa ông về phố bởi có nhiều thời gian và tiện nghi chăm sóc. Ông cũng phải rời quê mà về nơi náo nhiệt trong ngỡ ngàng.

Và tôi khi trở lại quê ngoại, có gì đó cứ nhoi nhói trong lòng dù trời không mưa bụi hay cánh đồng vào đông rét mướt. Mà đang nắng chan hòa, rải khắp trên cánh đồng làng nhưng cô đơn lại choáng ngợp. Người quen đã già đi, bạn bè cùng thời chăn trâu, cắt cỏ cũng chẳng còn mấy, đứa ở lại cũng tất bật công việc đồng áng. Đi thăm đồng đã dùng xe máy vì đường ngang, lối lại thênh thang. Tối đến điện thắp mọi nhà, nhạc xập xình, quán xá mở rộng cửa, người dân biết thời sự nhanh hơn nhiều kẻ ở phố mải mê ăn nhậu. Nhưng có cái gì đó vẫn thiêu thiếu… Hay là thiếu lời đồng vọng năm xưa?

Ông bà nội tôi cũng gốc nông dân rặt. Cũng sống trên cánh đồng làng như phía ngoại. Ba má tôi yêu nhau rồi lấy nhau để sinh ra bầy con cũng trên đồng làng. Mỗi bên nội, ngoại đều có vườn. Vườn nội rộng trồng toàn cây ăn trái hướng ra ruộng lúa. Thời ấy, mỗi năm hai vụ lúa đổ đầy bồ, đầy kho lẫm. Ông nội là thầy thuốc bắc, thích sưu tầm đủ thứ chim trời, cá nước nên ông từng có những con vật quý hiếm như cặp cá trê trắng, những con cuốc trong bụi tre ngà, bầy chim sống trong vườn, con khỉ theo ông cả ngày như đệ tử và chính điều ấy làm tuổi thơ tôi nhiều ấn tượng. Sau năm 1975, thì tất cả ruộng vào hợp tác xã lúc ấy ba má tôi đã về phố thị sinh sống. Và hoàn cảnh cũng giống như nhà ngoại, cứ ngóng trông con cháu trở về. Rồi cuối cùng ông bà cũng dắt díu nhau vào phố, bỏ lại mảnh vườn, vườn cây, nhà ngang dãy dọc trong mưa bụi phủ mờ. Mỗi khi có dịp về thì mọi thứ đã biến đổi, chỉ còn cây dừa già chơ vơ cụt ngọn và không biết khi nào phải đốn đi kẻo gió bão bất ngờ. Mảng rêu phong ngày cũ chỉ còn thấp thoáng trong tâm tưởng vì ai nấy đều công việc bộn bề bởi ông bà cũng đã vào phố với con cháu và cũng yên nghỉ ở nghĩa trang phố phường.

Anh em nhà tôi hay cả bạn bè từ quê ra phố, nếu gặp nhau liền kéo vào quán bia uống vài ly mà kể chuyện xưa tích cũ: Đất làng, người làng, cánh đồng làng, đình làng, mương nước qua làng… Đứa nào mà ngón chân lúc ấy chẳng đỏ quạch màu phèn, đứa nào chẳng biết cuốc góc bờ ruộng vì bò cày không tới, biết lấy nước ruộng rồi tập tành cấy cày, nhất là chuyện mang cơm nước vào mỗi vụ gặt cho mọi người. Biết hết, biết mang máng, biết sơ sơ nhưng cũng là biết. Biết cái đẹp của mùa trăng, cái sợ mùa lũ và đã ra đi, tiếng gọi của phố phường khi ấy là ảo vọng hay kỳ vọng đều ghế gớm bởi nó thôi thúc mãnh liệt. Cái thuở ấy, nghe bảo người ở phố, ở thị xã về là ùa ra đứng ngó, trẻ nhỏ ngoài mương, người lớn trong rào tre hay rào dâm bụt nhìn ra đợi tiếng xe honda từ mãi cuối làng. Vậy là mơ phố, muốn về phố, ruộng nương, trâu nái đều bán để về phố. Vậy là đi, khi ấy phố thị xa làng vài chục cây số, đất còn rẻ nên dân về nhiều.

Giờ thì nông thôn đã đủ đầy điện, đường, trường, trạm. Nhưng gặp lũ bạn chúng vẫn lắc đầu vì bảo là gốc gác dân quê (dân nước ta nếu nói gốc quê có lẽ phải đến 99%), không đen cóc cáy thì vẫn đỏ quạch bàn chân, làm ruộng thì phải trông trời, đợi nước không khéo mất trắng. Đất vườn khi trước thì ruộng nhưng giờ phải chia bảy, chia ba cho con cháu. Bệnh đau thì phải vào viện ở phố, con cháu lếch thếch đi nuôi. Tôi đành cười cười chỉ nói, chúng mày có chết thì nằm trên đồng làng, còn chúng tao, khi chết không khéo lại đem đi thiêu tro bay tứ tán. Đợt bão lũ vừa rồi, khủng khiếp lắm, dữ dội lắm nhưng lại đổ vào những miền quê có dòng sông, cánh đồng làng, nương rẫy gây nên bao cảnh tang thương đến cả nước cũng biết. Nếu ở phố, bất quá thì bay mái vòm, sạt cánh cổng vì nhà tầng, mái bằng hay cho là nhà cấp bốn đi nữa cũng vẫn vững chãi.

Tôi sinh ra ở đồng làng là gốc nông dân, đã một thời viết về làng quê ngày cũ, hoài niệm một thời thơ ấu, ngày ngày sử dụng những gì mà người dân quê làm ra. Phố nơi tôi ở cũng có một con sông dài, cũng có một khu vườn nhỏ đầu sân để trồng những gì người nông dân thường trồng. Nên nghĩ, nếu ai viết về nông dân thì viết cho phải, cho thật. Người nông dân đâu cần phải viết cho hay đến bóng bẩy mà cần tâm trạng của họ, cần có sự công bằng với bao khó khăn khi chỉ duy nhất là hạt lúa vào mỗi vụ để lo toan cuộc sống, để đối diện bao mưa lũ và nhiều, nhiều lắm. Khi chúng ta đã ở phố, đã nhìn lại ông, bà, cha, mẹ dần mất đi như nhìn những mảnh vườn xưa giống như những con người cũ. Gốc nông dân đã ở phố thì hãy một lần về với xóm làng, dòng sông và hãy ở đấy một ngày, hai ngày sẽ thấy, sẽ nghe những lời đồng vọng…

 

Huỳnh Thạch Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Món quà bình dị
09:27, 08/08/2010
Món quà bình dị
09:27, 08/08/2010
Tiếng cuốc gọi hè
21:37, 31/07/2010
Tiếng cuốc gọi hè
21:37, 31/07/2010
Khúc vọng về cha
18:22, 30/07/2010
Khúc vọng về cha
18:22, 30/07/2010