Lời xin lỗi sau cùng gửi mẹ
Nếu một lần trở lại, tôi nguyện sẽ yêu quý đến vô ngần cái bàn tay xắt lát thịt mỏng đến tong teo cho vào nồi canh lá ớt chứ cũng chẳng dám băm nhuyễn vì sợ nấu xong sẽ khó tìm. Tôi nguyện sẽ tự hào về cái áo mưa nhếch nhác mà đang buổi làm đồng mẹ đã vội vã đến cõng tôi về sau buổi học ngày mưa tầm tã. Tôi nguyện sẽ tự hào về cái lý lịch có ghi hai chữ “làm nông” thật to và dõng dạc của mẹ… Và con hứa sẽ yêu mẹ nhiều hơn thế!
Sinh ra có mẹ có ba, vốn dĩ quý ba hơn mẹ vì thấy đơn giản hỏi xin cái gì ba cũng đồng ý liền, với mẹ, thì có mà… còn lâu!?- tôi nghĩ: Mẹ mình không thương con. Rồi bất chợt một ngày nhìn những đứa trẻ lang thang, lơ ngơ chân đất tôi biết mình diễm phúc hơn hẳn tụi nó, vì mình có mẹ. Mẹ tôi, cũng như bao người phụ nữ khác, mẹ hết mực yêu thương chúng tôi nhưng chỉ có điều chẳng bao giờ mẹ nói: “Mẹ yêu con”, “mẹ thương con”, hay thậm chí một từ nào đó na ná mang ý nghĩa yêu thương giống với mấy trang sách mà tôi đọc được có hình mẫu lý tưởng: Đã là một người mẹ thì phải thường hay vuốt tóc con và nói “mẹ yêu con”. Mẹ tôi, một bà mẹ nhà quê. Miệng chẳng bao giờ biết ngọt ngào xởi lởi nói ra những lời dịu ngọt hơn cái tình trong lòng. Cả đời lam lũ, mẹ chỉ biết có mảnh ruộng, cái cày. Chưa khi nào mẹ dám bỏ ruộng một hôm vì thấy trong người khó chịu hay mệt mỏi, có đau mấy mẹ cũng cố vác cuốc ra đồng. Hơn hai năm trời, tôi nhớ nếu không lầm, mẹ chưa may một cái áo mới thay cho tấm áo cũ kỹ đã bạc nhếch màu, mỏng đến xơ từng múi vải. Trong khi, chúng tôi thì đều đặn đòi may cho bằng được “bộ cánh” mới mỗi dạo khai trường hay ngày tết đến… Tôi hay so bì rằng tụi bạn tôi luôn có cái này, cái nọ, được ba mẹ đưa đi chơi công viên, đi mua sắm, đi du lịch hè… Còn nhà mình, có mà… khao khát ngàn đời?! Đi học, với tôi khổ sở nhất là mỗi lần phải điền vào tờ sơ yếu lý lịch để nộp cho cô giáo, tôi dừng bút e ngại trước dòng chữ: Họ và tên mẹ….; nghề nghiệp… Tôi cảm thấy hổ thẹn khi phải đặt bút viết lên hai chữ: "Làm nông" cứng đờ và khô chát trên trang giấy. Xã hội này thiếu gì nghề cơ chứ, tại sao ba mẹ tôi lại có cái nghề nghe làm lũ như chính cuộc sống vất vả của gia đình tôi ?! Nhưng rồi, mấy ngày sau tôi cũng đủ "sáng tạo" để nghĩ ra những ngôn từ mỹ miều, nghe "kêu" và có "giá" hơn một chút để điền vào mấy chỗ trống còn bỏ dở: Họ và tên mẹ:…; Nghề nghiệp: Nội trợ. Mỗi dịp đến lễ tổng kết cuối năm học, khi mà chúng bạn hả hê vui sướng vì được bố mẹ thưởng những phần thưởng xứng đáng cho năm học vừa rồi, được mời bố mẹ sang trọng lên ngồi hàng ghế danh dự tham gia buổi tổng kết; còn tôi, tôi giấu béng đi tờ giấy mời vì biết mẹ tôi lấy đâu ra tấm áo nào… đỡ sờn và hoen ố hơn để đi dự lễ. Tôi đâm ra giận dữ và đổ lỗi… cho những tờ giấy khen cuối mỗi học kỳ. Tuy vậy, dịp tổng kết nào, về nhà tôi cũng được mẹ ưu ái thưởng cho vài đồng lẻ đủ mua một cái kẹo kéo mà lâu nay thèm đến nhỏ dãi… Cộng thêm với bát canh chiều hôm ấy, lâu lắm rồi, cả nhà được nghe thấy có vị thịt lẫn trong mớ rau ớt cay cay! Chí ít ra vì tờ giấy khen ấy, tôi cũng được an ủi ít nhiều.
Trong đầu mình, không ít những lần chợt nghĩ, tại sao tôi phải là con của ba mẹ tôi mà không phải là con của một gia đình khác, giàu có và danh giá hơn như nhà của ông hàng xóm lắm tiền cạnh bên chẳng hạn?! Khi ấy tôi sẽ được ăn toàn thức ăn ngon, “diện” toàn quần áo đẹp , sẽ có hẳn một căn phòng riêng, sạch sẽ, thơm mát chứ không phải chỗ ngủ là mấy cái phản mối mọt kê sát nhau, hễ mưa là ướt hết cả mặt và có đêm còn bị chuột chạy ngang qua tay… Bữa cơm dọn ra ngày hai bữa, càng “tố cáo” thêm cái nghèo mà gia đình tôi phải gánh chịu. Nồi canh của một phụ nữ nhà quê như mẹ có “cố” lắm thì chỉ “dám” bỏ vào tí thịt mỡ xắt mỏng đến tong teo cho ngọt nước. Mẹ cũng chẳng dám băm nhỏ vì nấu ra sẽ khó tìm thấy miếng thịt. Nấu xong, mẹ ngồi khua đũa, đảo qua đảo lại tìm vớt mấy mảnh thịt lẫn lộn trong nồi canh rau ngập nước, chan vào chén cho tôi. Có hôm, trời mưa, đi làm đồng về, mẹ vội vàng mang cả quần áo ướt sũng đến lớp học đón tôi. Còn tôi, tôi tỏ ra giận dữ và thấy xấu hổ với chúng bạn bởi bộ dạng lê thê lếch thếch của mẹ. Mẹ lặng thầm cõng tôi trên lưng, lầm lũi rảo bước trong mưa.
Thời gian trôi qua mau theo những mùa rẫy của mẹ, tôi cũng vào đại học. Xa nhà, tôi chỉ còn biết biên thư về cho dịu nỗi nhớ. Dăm ba cánh thư đi thì cũng có cánh thư lại với vài dòng ngắn ngủi, phải mày mò ngồi “thông dịch” lại mới rõ nghĩa bởi mẹ viết sai lỗi chính tả nhiều hơn là đúng trên tờ giấy còn ngửi thấy mùi bùn đất lấm lem của người mẹ khi đầu tiên biên thư cho con. Mỗi lần như thế, gối lại ướt đẫm nước mắt trong từng đêm dài nằm thao thức, nhớ mẹ và lo cho mẹ. Yêu biết mấy cái lam lũ lấm lem của một đời người mà có thời dại dột tôi từng ghét bỏ. Tháng năm lớn lên trong vòng tay yêu thương, giờ đây, tôi mới vỡ lẽ hết cái mênh mông, sâu lắng và dạt dào của lòng mẹ! Trong dòng thư nguệch ngoạc ấy, tôi bàng hoàng nhận ra những dòng nhắn nhủ tâm tình sâu sắc của người mẹ một đời vì con. Đó cũng là cánh thư nhòe mực, run run nét chữ cuối đời mẹ viết cho tôi. Lần cuối cùng tôi thấy mẹ…qua thư.
Mẹ đã đi thật xa mang theo cái tình cảm chân chất về nơi chín suối, để giờ lòng con mới biết: báu vật lớn nhất đời mình là một bà mẹ nhà quê! Tận sâu trong tâm khảm, đã rất nhiều lần muốn chạy đến bên bàn thờ mẹ và thì thầm: “Con xin lỗi mẹ, mẹ hãy tha thứ cho con một thời nông nổi”… Song, một chút ngượng ngập làm tôi chựng lạị, xót xa rồi thấy xấu hổ với chính lòng mình. Ước được một lần nhìn thấy mẹ, để được nói: “Con yêu mẹ!”, nhiều, nhiều lắm…
Ý kiến bạn đọc