Multimedia Đọc Báo in

Những nẻo đường về

10:43, 30/10/2010

Đã từ lâu làng quê Việt Nam trở thành hình ảnh đẹp, thanh bình. Ở đó có giếng nước gốc đa, có lũy tre làng mạc có những chiều êm ả hoàng hôn đi trong thơ mộng yên bình. Hầu hết những đứa con ra đi từ miền quê đều hướng tình yêu của mình về với hình ảnh đó hoặc có ít nhất một lần thèm được về với đồng quê yêu thương. Khác chăng là cái sự ra đi và quay về của mỗi người. Làng quê hiền hòa bao dung như tình mẹ nuôi lớn những đứa con, tiễn chúng vào đời, rồi chờ đợi sẵn sàng mở rộng vòng tay đón những đứa con trở về.

Những đứa con làng quê lớn lên cứ hướng đến một miền mơ ước xa xôi nào đó và dấn thân cho ước mơ. Khi mỏi gối chồn chân họ mới quay lại mang theo về cho đồng quê có khi là niềm vui, có lúc là sự day dứt vì thói quen sống như là bụi thị thành.

Ngày còn nhỏ, tôi là đứa trẻ nghèo khổ cơm áo mà ngập tràn mơ ước. Khát vọng lớn nhất là không còn nghèo đói, là ấm áo no cơm, không hề có chỗ cho danh lợi giàu sang. Cái mơ ước mà lớp trẻ hôm nay cho là tầm thường, không đáng ước ao nhưng ngày xưa thúc giục tôi nhiều lắm. Dựa vào làng quê bao dung độ lượng, vịn vào sự nâng đỡ của gia đình, tôi dần bước qua bao thiếu thốn để vươn vai ngẩng mặt vào đời. Cầm tấm bằng đại học về xin việc tại nơi đã từng cưu mang mình tôi nhận được nhiều lời khen chê. Người trẻ bảo có bằng đại học không bao giờ về lại thôn quê. Họ lạc nẻo về hay họ quên Mẹ quê từng nuôi lớn họ? Tôi cũng chạnh lòng buồn vì cách nghĩ ấy. Người già nhìn tôi cười vui: “Nó chưa từng xa quê”. Tôi vui. Hàng loạt thanh niên quê tôi khăn gói vào thành phố kiếm việc làm. Họ thanh thản ra đi mặc nhiên nhìn làng quê và gia đình đang dõi theo bước chân họ. Có người đi xa ngày tết, dịp cúng giỗ trở về đặt lên bàn thờ gia tiên gói bánh, hộp trà, thắp nén hương tỏ lòng hiếu nghĩa. Đó là những người vẫn giữ được hồn quê dù đi đến nơi xa. Có người về tóc vàng hoe, quần áo bạc từng mảng, chạy xe lạng lách. Họ bảo đó là phong cách sống mới. Có cô gái quần trễ, áo hở bụng hở lưng mặt dày son phấn đi chợ quê. Hình như không phải để mua đồ. Người quê thở dài: “Nó ra đi từ làng quê nhưng trở về từ thành phố”. Họ bị nhiễm bụi thị thành hay nẻo về lầm lạc? Mẹ quê đau lòng vì những đứa con mau chóng phai phôi nếp làng, nẻo về xa lạ hóa ngỡ ngàng yêu thương.

Đến ngày nhập học, nhiều học sinh háo hức lên đường tìm về miền mơ ước của riêng mình. Không biết ai nhớ, ai quên rằng mình là đứa con làng quê, để ngày trở về ấm áp tình quê, đậm đà nghĩa xóm. Biết có ai nhận thấy mình có trách nhiệm với làng quê mà không lạc mất đường về? Tôi tin và hy vọng những nẻo đường về của bạn trẻ hôm nay sẽ sáng sủa hơn và hướng về sẽ là Mẹ quê yêu dấu bao dung.

 

Lê Quang Thọ

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Mắt lá răm
23:16, 24/10/2010
Mắt lá răm
23:16, 24/10/2010
Gió heo may
12:21, 17/10/2010
Gió heo may
12:21, 17/10/2010