Những năm tháng không quên
KÝ ỨC MIỀN QUÊ
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhưng những năm tháng chiến tranh, tuổi thơ tôi lại gắn bó với một vùng quê Kinh Bắc. Cậu tôi được phân về dạy học ở xã Cảnh Hưng (Bắc Ninh) rồi lấy vợ ở đây.
Nhà ông thông gia của bà tôi rất rộng. Nhưng bà không muốn ở chung, nên ông đã cho mượn một miếng đất, để cậu tôi dựng cho ba bà cháu một căn nhà lá ba gian, rộng rãi, mát mẻ. Nhưng rất vắng vẻ, lại cạnh một bãi tha ma...
Những đêm trong xã có phim, tôi rất muốn đi xem, nhưng lại ngại lúc ra về…Có hôm mê phim quá, đánh liều đi. Khi về, không dám ngang qua các ngôi mộ, mà băng qua vườn chuối để về nhà.
Năm tháng ở đây không phải lúc nào cũng quạnh quẽ và buồn bã. Cậu mợ làm việc ở Đáp Cầu, hàng tuần lại về thăm bà cháu tôi.
Có những đêm cùng cậu mợ đi kéo vó tôm. Những con tôm nhảy múa dưới ánh trăng khi kéo vó lên, làm cho lũ trẻ chúng tôi vô cùng thích thú. Vào hôm đẹp trời, chúng tôi mượn thuyền đi hái hoa sen. Những búp sen đang hé nở, để lộ nhị vàng và tỏa ra mùi thơm thanh tao ngây ngất. Giữa sóng nước bồng bềnh, và một con thuyền đầy sen, thật lãng mạn! Chiều mát, cùng nhau ra sông tắm. Tôi bắt chước lũ trẻ, lội dọc bờ sông mò trai, bắt hến. Những con hến bám đầy bùn đất, được bà rửa sạch, rồi ngâm vào chậu nước để sáng hôm sau mới làm. Bữa canh hến hôm đó, nhờ tài nấu nướng của bà, trở thành món khoái khẩu của cả nhà. Những khi không có cậu mợ, tôi lại mò mẫm ra các con mương ngoài đồng, tìm bắt hến một cách say mê. Có hôm mò được nhiều quá càng ham, khi ngẩng đầu lên thì mặt trời đã lặn từ bao giờ. Tôi hì hục trèo lên bờ, cắm đầu chạy một mạch về nhà.
Ngoài giờ học trên lớp, tôi theo những đứa bạn về nhà chúng, mang khoai luộc ra ăn. Khoai lang ở đây nhà nào cũng có sẵn, củ nào củ nấy to nần nẫn, bở và ngọt vô cùng. Ăn no một bụng, chúng rủ tôi đi mót đậu, mót lúa…
Không ngờ những hạt đậu tôi mót được, bà đã tạo ra món bánh nếp nhân đậu thật hấp dẫn. Thế là, tôi lại tiếp tục lang thang dưới nắng để kiếm cho được nhiều đậu. Ăn không hết, bà cho vào hũ để dành. Chán mót đậu, tôi theo lũ bạn đi mò cua, bắt ốc. Có lúc chúng bận, tôi đi một mình, bị đỉa bám chẳng ai gỡ cho, gào khóc vang cả cánh đồng. Nhiều lúc thò tay vào hang, cua chẳng thấy đâu, sờ phải mình con rắn, mặt tái xanh tái xám vừa chạy vừa la làng.
Việc đi lại trong thời chiến rất khó khăn, nên cậu mợ đã đưa 3 bà cháu ra Đáp Cầu. Cậu lại dựng một căn nhà lá ven bờ sông, dưới một gốc táo già. Cuộc sống ở đây thật thanh bình và thơ mộng. Chiều chiều cả nhà xuống sông tắm mát, dưới sông có một chiếc thuyền nan thường qua lại, trên thuyền có một ông lão. Một lần chúng tôi thấy, trên cằm ông lão có một con đỉa to bằng cổ tay. Hỏi ra mới biết, ông bị một cái mụn nhọt rất to, vô cùng đau nhức, nên ông bắt đỉa cho nó hút. Khi đã no nê, nó tự rớt xuống và cái mụn trên cằm ông cũng biến mất. Ông đúng là một “thầy thuốc” tài ba. Cuộc sống thanh bình cứ thế trôi đi, không ai nghĩ rằng đất nước đang có chiến tranh. Một đêm kia, cả nhà đang ngủ yên. Bỗng một cơn gió nổi lên, giông bão ở đâu ào ào kéo tới, rồi mưa như trút nước…Mái nhà tranh cậu dựng tạm bợ, chỉ chốc lát đã bay mất. Mưa gió phũ phàng tràn ngập căn nhà. Tôi vội ôm chặt đứa em nhỏ nhất vào lòng, còn mợ kéo vội cái chăn bông trùm cho cả nhà, cùng chạy vào căn nhà ông cụ lái thuyền gần đó. Cả nhà ông vội vã chạy ra giúp đỡ, và sắp xếp chỗ ngủ chu đáo cho cả gia đình tôi. Khi cơn bão đi qua, cậu tôi dựng lại căn nhà để gia đình tiếp tục trú tạm qua mùa mưa nắng.
Khoảng hai tuần một lần, ba đạp xe chở mẹ từ Hà Nội về thăm chúng tôi. Trời ơi! Những ngày đó sao mà vui thế! Bà tôi mổ gà, vịt, bày ra đủ thứ món… Hôm đó chúng tôi quấn quýt quanh ba mẹ không rời nửa bước.
Chiều đến, khi ba bắt đầu mặc quần áo, là em tôi, mắt la mày lét, bắt đầu điệu nhạc quen thuộc vừa khóc, vừa năn nỉ : Ba cho con về Hà Nội với. Ba dỗ dành, hứa hẹn mãi, em cũng không nín…Khi chiếc xe đạp bắt đầu lăn bánh, em tôi chạy theo, gào khản cả giọng: Ba ơi cho con đi với ới ới ới …Tôi chạy theo kéo em lại, nhưng nước mắt cứ lăn dài theo tiếng gọi của em.
Nhớ lại những năm tháng ấy, buồn có, vui có. Những cánh đồng làng quê thanh bình, những dòng sông chảy dài xanh mát, và tấm lòng của người làng quê thật thà chân chất. Một thời để nhớ, để thương. Một tuổi thơ êm đềm trên vùng quê Kinh Bắc, tôi không khỏi bồi hồi.
Vẫn biết rằng miền quê ấy đã thay đổi nhiều. Nhưng sao vẫn nhớ mãi một làng quê thời xa vắng…
Kim Liên
Ý kiến bạn đọc