Multimedia Đọc Báo in

Ong ruồi

08:07, 26/02/2012

Chính xác, chúng là ong mật. Nhưng người miền Trung quen gọi thế. Quả tình cũng không sai mấy, bởi bộ dạng chúng giống y… con ruồi; hơn nữa, cung cách chúng xúm xít bâu đen đầy bánh tổ lại càng giống ruồi in hệt! Đó là một trong số các loài sâu bọ hiếm hoi được con người chấp nhận nuôi nấng, thuần dưỡng (cho dù lâu lâu vẫn bị chúng nổi giận đốt cho… sưng mắt!).

Cũng phải, bởi ong ruồi làm lợi cho người nhiều lắm. Từ mật ong, sữa chúa, phấn hoa cho đến sáp ong – thậm chí cả… nọc ong – đều đã được con người sử dụng để làm thực phẩm, dược liệu, mỹ phẩm và vài ngành công nghiệp linh tinh từ rất xa xưa. Câu chuyện thần thoại cổ Hy lạp về chàng Icar mưu toan vượt ngục bằng đôi cánh gắn… sáp ong đã minh chứng lịch sử gắn bó lâu đời giữa hai sinh thể người – ong! Tiếng rằng có nọc độc, nhưng ong ruồi lại khá hiền lành, thân thiện, thế nên chúng mới dễ bị người “dụ khị” về ở chung mà… thu lợi. Nói vậy là bởi cái từ “thuần dưỡng” ở đây chỉ mang hàm nghĩa tương đối, nó không giống như ta thuần dưỡng các loài gia súc, gia cầm (trâu bò, gà vịt, chó mèo…) – những con vật khi sống trong tự nhiên thường hung tợn, nhờ nuôi nấng, “giáo dục” qua nhiều thế hệ mà thành hiền đi, thân thiện với người hơn. Ong ư? Có… trời mà thuần được chúng! Thực chất, chúng sống chung được với người là do bản chất chúng vốn sẵn hiền lành, thân thiện. Con người chỉ phải làm mỗi một việc: tìm hiểu “tánh ý” chúng để nương theo, để kích thích, phát huy những tập tính có lợi và dè chừng, tránh né những điểm bất lợi có nguy cơ làm tổn thương mối quan hệ ong – người. Có thể ví von không mấy khập khiễng rằng: đây là mối quan hệ chủ - khách; người là chủ, ong là khách. Đương nhiên chủ phải tôn trọng, tùy hỉ, tạo điều kiện để khách vui vẻ, tự nguyện mà lưu trú, cấm cưỡng bức, ép uổng hoặc… trấn lột khách nếu muốn giữ gìn mối quan hệ được bền lâu.

Đã vậy, thì ta cũng có thể ví von thêm: nuôi ong không khác mấy với chuyện làm… du lịch: yêu cầu của những ông khách ong thực ra cũng không khác mấy với khách Tây, khách Hàn, khách Nhật…, đó là an ninh, môi trường, cảnh quan (thiên nhiên) và… giá cả! Ai đã từng nuôi ong hẳn đều biết rõ: nghìn lẻ một lý do để ong bỏ tổ, bốc bay chỉ nằm quanh quẩn trong 4 vấn đề trên: khu vực tổ bị ô nhiễm (môi trường); bị người quấy phá, thiên địch tấn công (an ninh); nguồn thức ăn khan hiếm, kém chất lượng (thiên nhiên); bị khai thác, thu lợi quá mức (giá cả)…

Tuy vậy, cũng một lý do khiến ong bỏ tổ đi (bớt) mà không phải lỗi do người: hiện tượng ong chia đàn! Đây là phản xạ bản năng để phát triển nòi giống khi đàn ong quá đông – ong chúa cũ (với sự trợ giúp của ong thợ) sẽ tạo ra trong bánh tổ vài nụ ong chúa mới, sau đó dẫn phân nửa đàn ong rời tổ bay đi nơi khác mà sinh cơ lập nghiệp. Đàn ong còn lại lo chăm sóc các nụ chúa để ong chúa mới nở ra thay chúa cũ mà tiếp quản đàn ong. Đàn đông lên lại chia tiếp. Vào mùa làm mật, nếu đàn ong sung sức, chúng có thể chia đàn đến vài ba bận; cứ mỗi bận chia, quân số lại hao hụt mất nửa. Chủ mà không cảnh giác theo dõi - có khi thấy khách vẫn vào ra, nhưng thực chất đến ¾ (hoặc tệ hơn, đến 7/8) số khách đã âm thầm… lên phi cơ sang xứ khác từ lâu! Xem như mùa ấy xôi hỏng bỏng không vì doanh thu sao có được khi khách không còn? Thế nhưng, nếu phát hiện, can thiệp kịp thời, hiện tượng ong chia đàn sẽ là lợi điểm rất lớn bởi mỗi bận chia là xem như số đàn ong được nhân đôi. Ví dụ: từ 1 đàn ban đầu qua 1 lần chia sẽ được 2, qua 2 lần chia được 4, qua 3 lần chia được 8… Đó là phương thức cực kỳ hữu hiệu để phát triển nghề nuôi ong theo xu hướng tự nhiên thay cho cách lùng bắt ong dại về nuôi – nhất là trong tình trạng nguồn ong dại trong thiên nhiên ngày càng khan hiếm do môi trường bị xâm hại nặng bởi lòng tham và sự vô ý thức của con người…

Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Mùa hoa bông dề
07:45, 26/02/2012
Mùa hoa bông dề
07:45, 26/02/2012
Gác bếp
07:05, 19/02/2012
Gác bếp
07:05, 19/02/2012
Ký ức tháng Giêng
20:25, 18/02/2012
Ký ức tháng Giêng
20:25, 18/02/2012