Multimedia Đọc Báo in

Lả lả thùy dương…

14:42, 22/06/2012

Miền Trung duyên hải nhiều cát lắm. Hàng nghìn cây số bờ biển tạo thành một “vòng cung cát” khổng lồ ngày đêm đối mặt, chịu trận cùng sóng gió biển Đông mà ôm ấp, chở che cho phường phố, xóm làng. Ngày xưa, nghe đâu, trên những doi, những trảng cát bạc màu mênh mông ấy cũng có rừng. Một kiểu rừng “cây bụi” với dây leo, gai góc và các loại cây thấp, chịu hạn tốt như chim chim, vú dẻ, chổi chà, măng dương… Nhưng “rừng” ấy giờ chỉ còn trong… ký ức các bô lão làng cát mà thôi. Con người đã nhanh tay “xóa sổ” nó từ hơn nửa thế kỷ nay rồi! May thay, có một loài cây đã kịp thời thế chân, trụ được qua những nghiệt ngã, khô cằn mà giữ lấy màu xanh, cho bóng mát, củi đun, chắn che gió cát cho những làng chài. Và - không biết tự bao giờ - cây đã gắn bó thân thương cùng đất, cùng người. Tên cây đã thành tên đất. Một cái tên quá hiền hòa, quá dễ thương như dáng cây dịu dàng, đầy nữ tính…

…Thùy dương!

Tôi xa miền thùy dương, xa người em gái nhỏ tóc xanh xanh màu trùng dương…. Lời một bài hát xa xưa. Một cái tên đầy thơ và nhạc - và thực sự đã đi vào thơ, vào nhạc. Thùy dương thuộc họ thông - tức cũng hạt trần, lá kim - nhưng “dễ tính” hơn thông. Thùy dương chịu được cái nóng nung người kèm thêm gió Lào đổ lửa miền Trung, chịu được hạn hán, khô cằn để bám rễ, sinh sôi trên những dải cát bạc màu ven biển miền Trung, tạo nên một kiểu rừng chắn cát và điều hòa sinh thái hết sức tuyệt vời. Thùy dương sinh trưởng chủ yếu vào mùa mưa. Suốt mùa khô, cây cứ đứng trần mình ra mà chịu đựng, mà thi gan cùng nắng gió. Ấy là mùa thùy dương thiếp ngủ. Lớp lá già sẽ rụng bớt, giúp cây giảm thiểu tối đa tình trạng mất nước. Lớp lá chết ấy – vô hình trung – còn tạo nên một “tấm đệm” phủ che, giữ ẩm và cung cấp mùn cho đất, cho cây. Thế nhưng chỉ cần một cơn mưa đầu mùa là rừng thùy dương lập tức bừng tỉnh. Những đọt cây như những mũi lao bắt đầu phóng mạnh, vươn cao, hối hả mà sinh sôi, hối hả mà chồi ra cái màu xanh ngun ngút! Mùa mưa, cây lớn nhanh không thể tưởng. Chính thế mà thùy dương còn có một tên gọi khác: phi lao! Gọi sao cũng được. Riêng tôi thì thích cái tên gọi thùy dương hơn. Máu văn chương một phần; nhưng phần khác, dáng dấp thùy dương có vẻ như vô cùng tương thích với tên gọi ấy. Mà loài thùy dương cũng lạ: thân sù sì, gân guốc, cứng cáp (với lắm “thế” làm chết mê dân chơi cây cảnh!); nhưng lá, ngọn lại rủ mềm như loài lệ liễu mọc nhiều nơi phương Bắc, chỉ một hơi gió nhẹ thoảng qua cũng đủ sức đong đưa. Cứ nhìn ngọn thùy dương là có thể xác định chắc chắn trời đang có gió hay không. Riêng tôi, đối mặt thùy dương, tôi lại lập tức nhớ ngay đến câu thơ lả lả cành hoang, nắng trở chiều…; và tôi xin mạn phép hương hồn thi nhân để mượn cái từ “lả lả” tuyệt bút mà đặt tên cho bài viết. Phải. Lả lả thùy dương…

Ngoài các ích lợi nêu trên (sau này, khi cuộc sống đi lên), những cánh rừng thùy dương ven biển còn hé lộ thêm một tiềm năng giúp dân làng cát ăn nên làm ra: kinh doanh giải trí! Phải. Rừng thùy dương mát, sạch và thoáng - cộng thêm ưu thế gần kề bãi biển – là không gian lý tưởng cho các hoạt động dã ngoại, picnic. Nơi cảnh trí thơ mộng, thuận tiện thì biến thành khu du lịch. Nơi kém hơn cũng hình thành nên những khu “quán lá” - thường khá là dễ thương, ấm cúng - dưới bóng thùy dương…

Tiếc rằng không ít địa phương – do các mối lợi nhỏ nhoi hay ý đồ khuất tất - mà người ta đang tâm chặt phá thùy dương. Lợi lộc được bao nhiêu từ hành vi “tuyên chiến” với thiên nhiên kia thì chỉ có người trong cuộc mới hay. Riêng tôi, cứ thấy xót xa mỗi khi tình cờ đi ngang một vạt rừng thùy dương có tuổi hàng mười, hai mươi năm còn trơ trụi gốc, chang chang phơi màu cát trắng, chảy dài những dòng nhựa đông khô như nước mắt dưới nắng trưa hè…

Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm