Multimedia Đọc Báo in

Vườn quê

22:05, 04/06/2012

Vườn quê xưa rộng lắm. Cây cối trong vườn đa phần được người quê trồng theo kiểu… ngẫu hứng, thảo mộc giao duyên: cây nhỏ, cây to, cây theo mùa, cây lưu niên… có đủ: xoài, dừa, cau, ổi, mận, chuối, mít, thơm (dứa)... Thi thoảng chen vài vạt rau, vài bụi sả ớt, kinh giới, tía tô hay hàng bồ ngót, giậu mùng tơi…. Tóm gọn: những loài cây - rau nào cần thiết cho nhu cầu của một nền kinh tế tự cung thì vườn quê ắt có!

Quanh vườn, người quê trồng bao một hàng rào cây xanh (gọi là hàng rào sống) bằng các loài cây bụi có sức sống khỏe, thân dày, tạo độ che chắn tốt như duối, râm bụt, vú dẻ, chim chim…. Cái hàng rào sống ấy mà thường xuyên được cắt tỉa, sửa sang thì trông cũng thẳng thớm, dễ coi. Thế nhưng, việc đồng áng chẳng phải bao giờ cũng rảnh. Gặp chen thời vụ, chỉ cần đôi tháng không ngó ngàng là cái hàng rào xanh lập tức biến thành… đại ngàn xanh ngay tắp lự! Mà không riêng cái hàng rào, cả lũ cây xanh (trồng và tự mọc) trong vườn cũng không hề chịu thua chị kém em. Chúng tha hồ đâm nhánh dọc cành ngang. Chúng hối hả mà chen lấn, mà vọt lên, giành lấy không gian trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng tìm chỗ sinh tồn. Tóm lại, vườn quê xưa là một mẫu mực điển hình cho sự… vô chính phủ. Vườn càng rộng càng vô chính phủ (bởi gia chủ không sức đâu mà dọn dẹp cho khắp!). Thế nhưng, chính cái “vô chính phủ” ấy lại giành được sự tán thưởng nhiệt liệt của đám bò sát, côn trùng, chim chóc. Cái tự nhiên quyến rũ, gọi mời, tạo cảm giác an toàn cho chúng. Xuân, vườn lao xao chim hót. Hè, vườn rộn rã tiếng ve ran. Đêm đêm, bản hòa tấu của lũ dế mèn hòa thanh theo tiếng gió, theo tiếng gọi bạn của tắc kè cùng tiếng cú rúc canh khuya… Chừng ấy thanh âm có thể làm người chưa quen mất ngủ, nhưng với người quê thì nó ngọt ngào, êm tai đến mức… không thể thiếu nếu muốn ngủ ngon!

Mà không riêng côn trùng, chim chóc, cái sự lộn xộn của vườn quê xưa lắm khi khiến người (lãng mạn một chút) cũng thấy… hay hay. Nó không ngay hàng thẳng lối đến đơn điệu, trật tự, chỉn chu đến nhàm chán như những khu vườn ngày nay. Nó mang chút dáng vẻ gì đó thật bí ẩn, hoang sơ; và cái bí ẩn hoang sơ thì luôn kích thích óc tò mò, ham khám phá – đặc biệt là của tuổi hoa niên. Trừ lúc đi học, đi làm hoặc… ăn ngủ ra, toàn bộ khoản thời gian còn lại hầu như đều được tuổi thơ dành trọn cho… cái vườn! Tứ thời bát tiết, vườn quê luôn thừa sức đáp ứng đúng, đáp ứng đủ các “dịch vụ chơi” cho lũ trẻ. Mùa nắng thì lặn lội, chui bờ rúc bụi hay leo cây tìm hái các loại ổi, me hoặc chim chim, vú dẻ. Chán, có thể mang ná cao su mà “phục kích”, rình bắn các loại chim chóc hay rắn mối, kỳ nhông. Mang túi nilon đi tìm bắt ong bầu cũng hay. Có cái tổ chim nào xuất hiện trên đọt cây mà nghe tiếng chim non liếp chiếp bên trong là vui như… mở hội. Thể nào cũng quên ăn quên ngủ, “canh me” chờ chúng sắp biết bay là… tóm gọn, bỏ lồng, nuôi! Trưa hè thì tụ tập dưới bóng xoài, bóng me mà đá dế, mà nhảy chuông hoặc chơi ô ăn quan. Hứng chí hơn, có thể hái lá mít, lá xoài tết mão, vẽ mặt bằng than mà chơi trò… hát bội! Mùa mưa ư, đừng lo, sẽ có trò khác. Vườn quê xưa nhiều ụ mối lắm. Chờ mưa cho các ụ mối trong vườn thấm ướt, có thể moi đất sét đem nhào cùng tro bếp mà nặn thành vô khối thứ đồ chơi. Ấy là nói những trò quen thuộc mùa nào thức nấy mang tính… đại cương; chứ cái hành trình lang thang cùng những khu vườn quê cổ tích (cả vườn nhà ta và vườn nhà khác) luôn hứa hẹn cơ man là chuyện bất ngờ - cả thích thú lẫn… hiểm nguy. Ừ, hiểm nguy. Chúng ẩn tàng sau cái vòm xanh bí ẩn của vườn quê cũng không phải ít.  Đó là khi ta đụng mặt cùng một tổ ong bò vẽ với những con ong vằn vàng vằn đen đáng sợ lừng lững bay vào bay ra. Cũng có lúc là một chị rắn lục xanh lè treo vắt vẻo cành cây – hay chú rắn mang bành ngóc cổ phun phì phì nơi hốc tre khiến cả lũ sấp ngửa cuống cuồng tháo thân, mặt cắt không còn hột máu! Thế nhưng, cái bất trắc, hiểm nguy thì bao giờ và ở đâu mà chẳng có? Vấn đề là phải học cách nhận diện hiểm nguy để đối phó (hoặc tránh né) chúng. Mà trẻ quê xưa thì (giống như… người nguyên thủy!) bản lĩnh nhận diện và ứng phó với các mối nguy tự nhiên đã được “chân truyền” từ khi chúng vừa… mở mắt. Thế nên, sợ thì… quả đáng sợ, nhưng khả năng nguy cơ biến thành tai nạn thực sự lại không nhiều lắm – nếu không muốn nói nó còn tăng thêm cảm giác mạo hiểm, phập phồng, cuốn hút đến… mê người cho những pha rình mò, lang thang chốn vườn quê. Để rồi khi lớn lên, ra đời, trong tâm khảm đứa trẻ quê nào cũng sẽ mang theo một khoảng vườn quê êm mát bóng cây xanh, giúp làm dịu bớt, tan đi những phũ phàng, nghiệt ngã, sân si thi thoảng lại hiện ra mà dội lửa xuống thân người…

Với tôi, hơn thế, vườn quê còn là nơi tôi tìm về với Mẹ. Hình như trong những giấc mơ tôi gặp Mẹ, bao giờ Người cũng chờ tôi nơi màu xanh êm mát của chốn vườn quê…

                 Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Cơn mưa đầu mùa
09:47, 25/05/2012
Giữa cuộc làm người
09:42, 25/05/2012
Giếng làng
09:04, 19/05/2012
Giếng làng
09:04, 19/05/2012
Qua đường
08:33, 12/05/2012