Multimedia Đọc Báo in

Đôi triêng gióng của mẹ

07:46, 17/08/2012

Bị thương tích do chiến tranh, mẹ tôi không còn sức khỏe để làm công việc đồng áng nặng nhọc. Mẹ sắm cho mình đôi triêng gióng (quang gánh) để ngày ngày đi về trên con đường bé nhỏ lầy lội của làng, mua cây trái, hoa màu của quê rồi đem bán ở chợ phố.

Triêng (hay đòn gánh) được làm từ lóng tre già chẻ đôi. Thấy thì mỏng manh nhưng vô cùng dẻo dai và chắc chắn. Mỗi đầu triêng có hai mấu nhô lên, mấu lớn ở phía ngoài cùng, giữa hai mấu là khe gióng. Khe gióng giữ cho đôi sợi thừng không cho chúng chạy ra chạy vào.

Người quê tôi không dùng dây thừng mà thay vào đó là dây mây. Đôi gióng bằng dây mây nhẹ, bền mà tao nhã. Gióng mây trông mảnh dẻ nhưng khá cứng cáp, người bán hàng rong thường cố định đòn triêng ở đó. Khi có ai mua hàng,  người bán chỉ việc dừng lại, đặt gánh xuống, thao tác cân đong đo đếm…Xong việc, ghé vai vào, gánh lên và đi. Gióng bằng dây thừng thì không thể thế, chúng sẽ rũ ra khi gánh hàng dừng lại nghỉ ngơi, lúc di chuyển lại phải mắc chúng vào khe sau trước của đòn triêng rất bất tiện và mất nhiều thời giờ. Chính vì vậy mà người dân quê tôi chỉ dùng gióng thừng để gánh lúa, gánh ngô và chúng được người ta buộc cố định ở miệng đôi nừng.

Chiến tranh, người dân quê tôi không được lên rừng lấy mây về đan gióng nữa. Do không quen mang vác theo kiểu của cư dân vùng cao, người dân quê tôi phải tìm mọi cách để có đôi gióng mà gánh gồng. Dây kẽm gai là lựa chọn tối ưu để thay thế. Dây kẽm gai thời ấy vương vãi khắp nơi, người ta dễ dàng xin hay thu nhặt chúng mà không phải tốn tiền. Dây kẽm gai đem về, tách đôi chúng ra, gỡ bỏ những mũi gai bén nhọn, dũi cho thẳng thớm rồi đan như đan gióng mây. Gióng kẽm gai xấu xí, nặng nề nhưng độ bền thì không gì sánh nổi.

Trên những đôi vai chai sần của người quê, ngày qua ngày bươn chải gánh gồng, đôi triêng gióng đã thành người bạn thân thiết của họ. Mẹ bảo : Vạn sự khởi đầu nan, công việc gì mới làm lần đầu mà không khó khăn, chật vật. Mẹ tập tành từ quảy đôi triêng gióng không hay vài ba bó rơm rạ nhẹ hều. Chỉ thế thôi nhưng đôi vai của mẹ cũng đau ê ẩm, cố gánh mãi thì thành công, chỗ vai đau ấy sẽ vơi đi và thành chai sần. Tạo hóa đã ban cho con người những nghị lực phi thường giúp họ chu toàn cuộc mưu sinh gian nan, vất vả. Nghị lực đó có trong từng con người, không khai thác trui rèn thì thui chột, nghèo hoài. Tạo hóa thật công bằng.

Ngày đó, mỗi chiều đi học về nhìn vào góc thềm nhà là tôi biết mẹ có nhà không, bởi nơi đó là nơi để triêng gióng của mẹ. Buồn biết bao khi không thấy chúng, tôi như đứa trẻ bơ vơ, lạc loài, mắt rưng rưng chực khóc. Ngược lại, thì tôi sung sướng tột cùng, cất sách vở, ù chạy tìm mẹ kể mẹ nghe chuyện vui, chuyện học ở trường để được mẹ xoa đầu và âu yếm hỏi : “ Con có đói lắm không ? Tội nghiệp con tôi, gầy nhom, gầy còm.”…

Bây giờ, đôi triêng gióng không còn làm tội, làm tình đôi vai mẹ nữa. Mẹ không còn. Đôi triêng gióng của mẹ, dì mang về tiếp tục cuộc mưu sinh của mình. Mỗi lần sang nhà dì, nhìn đôi triêng gióng ấy tôi lại nhớ mẹ vô cùng. Hình ảnh mẹ gầy gầy, chiếc nón lá cũ kỹ, bộ bà ba nâu bạc nhàu lại ray rức trong tôi. Mẹ vất vả cả đời cho tôi ăn học, cho tôi công ăn việc làm ổn định, không phải dầm mưa dãi nắng như mẹ. Cảm ơn mẹ, cảm ơn công đức bao la như biển, như núi của mẹ tạo dựng ra con, cho con cuộc đời.

Mùa Vu Lan đang về, con kính cẩn cúi đầu trước đấng sinh thành, dưỡng dục. Cầu mong mẹ được siêu thoát nơi cõi trời Đao lợi, nơi không có hỷ nộ ái ố tham sân si, không có đau thương, hận thù.

Mẹ ơi..!

Lý Thị Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Nhớ Sông
22:02, 03/08/2012
Bệnh.. nhớ quê
22:01, 03/08/2012
Mùa bàng
09:42, 22/07/2012
Hoa giấy
09:40, 14/07/2012