Chái bếp
Bởi phải đun bằng củi hay rơm rạ, khói đen nghi ngút, bếp quê được người quê làm riêng ra cách biệt với gian nhà chính để khói, bồ hóng không làm bẩn nhà. Gian bếp này thường là chái, áp vào tường nhà chính thông với cửa sau của ngôi nhà.
Ngày trước ở làng tôi, nhà nào cũng dùng bếp đun củi hay rơm rạ nên nhà nào cũng có chái bếp. Chái bếp thường làm bằng vật liệu đơn giản rẻ tiền như tre, rơm rạ và đất sét. Người ta dùng bốn cây tre vầu làm cột, tre pheo làm xà gồ, tầm vông làm đòn tay. Khi khung nhà đã hình thành, người ta dùng tre cán cuốc đan thành ô vuông khắp tường nhà trừ cửa thông gió và cửa ra vào, sau đó lấy rơm nhào lẫn với đất sét rồi trát lên khung tre đó. Nhờ có rơm và khung tre nên đất sét trát lên cao vẫn không chảy xệ. Ngày hôm sau người ta dùng thước hay bàn xoa chà phẳng lại, vuốt nước cho láng bóng là được. Còn mái lợp thì tùy vào nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương đó, tàu dừa, lá mây hay cỏ tranh đều dùng được. Lá mây chịu mưa nắng tốt hơn tàu dừa hay cỏ tranh. Lá mây bị khói bếp đóng nhiều năm đen bóng trông rất đẹp lại không bị mối mọt nên người quê thích dùng. Mái lợp bằng lá mây có thể sử dụng hơn mười năm mới phải lợp lại. Đó cũng là thứ lá mà đồng bào Tây nguyên dùng để lợp nhà rông.
Tuổi thơ tôi gắn liền với chái bếp quê, với vất vả nhọc nhằn của mẹ, với khói rơm hăng hắc cay nồng. Nơi đó là “ giang sơn “ của mẹ, có đủ đói no cay đắng ngọt bùi. Ngày tôi chưa sinh ra, mẹ đã ngồi nơi này, đã tất bật với công việc nội trợ của mình. Từ khuya khoắt mẹ thức dậy thổi cơm, nấu nước lo bữa sáng cho cả nhà trước lúc ra đồng.
Ngày ấy tôi còn bé lắm nhưng chỉ cần một tiếng động nhỏ là tôi tỉnh ngủ, tụt xuống đất, lao nhanh ra chái bếp tìm mẹ. Những lúc ấy mẹ ôm tôi vào lòng vỗ về: “Trời rét căm căm thế này con dậy sớm làm gì, vào ngủ tiếp đi”.
Lớn hơn một chút, tôi thường phụ mẹ lặt rau, lau chén bát. Khi mẹ có việc phải ra đồng sớm tôi thay mẹ cho heo gà ăn, dọn dẹp gian bếp cho sạch sẽ, gọn gàng. Đó cũng là chỗ tôi biết bện rơm thành con cúi để đun, bện càng chặt thì rơm càng cháy lâu. Biết vùi khoai, nướng ngô bằng lửa rơm. Ngô nướng lửa rơm phải để lại vài ba lớp vỏ lụa, khi lớp vỏ lụa này cháy hết cũng là lúc hạt ngô đã chín vàng.
Rơm cháy xong cho nhiều tro, tro rơm bón cây trồng rất tốt. Mẹ tôi dùng thùng thiếc loại hai mươi lít đựng chúng, khi nào đầy mẹ nhờ cha đem ủ vào hố phân xanh.
Những ngày đông giá, gia đình tôi thường quây quần bên bếp lửa, rang ngô hay làm một món gì đó để ăn. Thức ăn trong những ngày này thường là món rang, món nóng, món cay để cơ thể có đủ năng lượng chống chọi với cái lạnh thấu xương khi phải đi ra bên ngoài.
Chái bếp đã gắn liền với tôi từ thuở lọt lòng mẹ cho tới ngày tôi về thành phố định cư. Suốt quãng thời gian dài đó có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đã đến với tôi, cho tôi những kinh nghiệm quý báu để làm tròn phận sự của người vợ, người mẹ.
Bây giờ, không còn nhiều gia đình quê đun bếp rơm, bếp củi. Bếp gas, biogas đã giải phóng người phụ nữ khỏi sự lem luốc, bụi bặm của khói rơm, của nhọ nồi. Tiện nghi của cuộc sống văn minh hiện đại đang len lỏi vào từng ngõ ngách xóm thôn, người phụ nữ quê không còn phải đầu tắt mặt tối như trước.
Nhớ về mẹ, về quê, người ta luôn hoài niệm về quá khứ. Tôi cũng vậy. Quê trong tôi là bức tranh thủy mặc thật đẹp và yên bình. Ở đó có căn nhà tranh tre nứa lá của mẹ tôi. Dẫu ở xa nhưng tôi luôn hướng về quê, về mẹ, về chái bếp đen bóng nhưng rất thân thương với mình mà có lẽ suốt cuộc đời tôi không thể nào quên.
Lý Thị Minh Châu
Ý kiến bạn đọc