Lạ lùng hoa giấy
Giờ thì loài hoa giấy quen thuộc tới mức tưởng như chúng là hoa bản địa. Trồng cảnh có. Trồng làm rào giậu có. Mọc hoang có. Dễ nhận biết từ xa bởi cái sắc độ rực rỡ, sắc điệu phong phú: đỏ, tím, cánh sen, vàng, trắng, cam, hoa to, hoa bé, hoa lỡ…. Màu nào, cỡ nào cũng gây ấn tượng bởi tính tập trung, cô đọng, trùng điệp của hoa. Dễ sống. Dễ chăm. Tứ thời bát tiết nở. Tứ thời bát tiết xanh tươi nếu đủ nước, đủ phân. Ấy là nói khi trồng chậu theo chế độ bonsai; chứ nếu trồng ra đất thì… càng khỏe: chỉ phải lo cắt tỉa, chuyện phân nước hầu như chẳng cần quan tâm nhiều.
Bảo “tưởng như hoa bản địa” là bởi thực chất hoa giấy có nguồn gốc tận Nam Mỹ, tên khoa học: Bougainvillea, thuộc họ Hoa phấn (Nyctaginaceae). Có tên khoa học như trên là do hoa giấy được viên Đô đốc Hải quân Pháp Louis Antoine de Bougainville phát hiện ra tại Brasil năm 1768 và lần đầu tiên mô tả cho người châu Âu. Và, cũng không lâu la, loài hoa độc đáo của xứ sở Samba đã chinh phục được cảm tình của người yêu hoa, được di thực trồng khắp các lục địa Âu - Á!
Loài hoa ấy quen mà lạ. Bảo quen là do… thấy nhiều thành quen. Nhưng hiểu hoa thì mới biết rằng hoa rất lạ. Đầu tiên là cái tên Hoa - Thảo - Mộc. Tên ấy diễn tả chính xác một đặc tính vô cùng độc đáo của loài hoa giấy. Phải. Nhìn hoa giấy bò rào, leo giàn, vắt vẻo ban công, không ai không lập tức xác quyết cây thuộc dòng thân thảo. Nhưng, kỳ chưa, cứ thử chiêm ngưỡng một chậu, một thân hoa giấy kiểu bonsai thì mới thấy cây đúng… thân mộc mười mươi, không sai tí nào! Cho qua cái định nghĩa “dây leo dạng gỗ” hình như hơi… khiên cưỡng của các khoa học gia, tốt hơn, ta nên thẳng thắn thừa nhận rằng: thiên nhiên quả còn lắm điều kỳ diệu mà bộ óc hữu hạn của con người khó bề hiểu nổi!
Còn một chuyện lạ nữa nơi loài hoa giấy: cái mà ta gọi “hoa” thực ra không phải là… hoa! Hoa đích thực chỉ có phần giữa (3 đóa nhỏ xíu, vươn cao, nở ra cánh trắng; ta quen gọi là nhụy). Còn phần “hoa” sắc màu lộng lẫy cho ta thưởng ngoạn kia thực chất là… đài hoa, hay còn gọi là lá bắc. Tùy giống loại, mỗi cụm 3 hoa trắng bé tí kia sẽ được bao quanh bằng 3 hay 6 lá bắc. Các lá bắc này có hình dạng lá, nhưng lại mỏng và hơi trong mờ giống như… giấy, màu sắc sặc sỡ. Đương nhiên, cái tên “hoa giấy” cũng từ đấy mà ra…
Vẫn chưa hết chuyện lạ về loài hoa - thảo – mộc, bởi chúng là một trong số những loài thực vật hiếm hoi có khả năng ra hoa đến… 2 màu trên cùng 1 cây! Không phải hoa ghép (nếu ghép, người ta có thể tạo 1 cây đến 3, 4, thậm chí 5 màu!); đây là 2 màu “zin” ra thẳng từ 1 cây. Dân chơi hoa gọi: bông giấy 2 màu hoặc bông giấy trắng – đỏ! Hình như giống hoa này là kết quả của sự lai giống tự nhiên giữa hai loài hoa giấy trắng và đỏ. Nhưng điều lạ nhất là tình trạng lai này lại không ổn định. Bằng chứng là nếu ta đem nhân giống vô tính (giâm cành) từ cây hoa lai trên thì kết quả trên thế hệ con sẽ rất… trời ơi: cây ra hoa trắng – đỏ đã đành; đằng này có cả cây ra toàn hoa trắng và cây toàn hoa đỏ! Đến nước này thì di truyền học của Mendel cũng phải… bó tay!
Tôi yêu hoa giấy. Yêu cả cái lạ lẫn quen. Yêu cả cái nền nếp lẫn dại hoang của loài hoa – thảo - mộc. Loài hoa đã gắn bó cùng tôi, gắn bó cùng tuổi thơ tôi từ một giàn hoa giấy ven sân bốn mùa rực đỏ. Cái màu đỏ chói chang đơm trên ngun ngút nền xanh. Tứ thời bát tiết luôn kiên nhẫn xanh, bền bỉ xanh, rợp bóng xuống hiên nhà…
Y Nguyên
Ý kiến bạn đọc