Multimedia Đọc Báo in

Ngang ngõ chiều khói cay

10:32, 04/10/2013
Đôi khi, lang bạt trên những vùng đất lạ, nỗi nhớ đồng quê đến nôn nao lòng không phải từ những trái ổi trái thơm vườn nhà, cũng không phải con cá tràu cá trê ba nướng trong buổi chiều đông giá lạnh; mà trong tôi, thấy cay cay nơi sống mũi và những tàn lửa le lói của đống lúa lép mẹ un. Và, dặn lòng phải quay về nhà...

 

                                     Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Khói gọi nắng chiều tắt nhanh hơn sau những khóm tre, những ngọn dừa quanh xóm. Đang giữa mùa gặt, khi hoàng hôn cứ chầm chậm đi qua ngõ cũng là lúc người dân quê đem un những đống lúa lép của nhà mình. Khói từ từ lên, từ từ khét một mùi đặc trưng của lúa lép. Để rồi khi đêm bắt đầu làm chủ khoảng không gian quê kiểng, về ngang ngõ nhà ai cũng nghe mắt cay xè...

Có thể từ rất xa xưa, un lúa lép là một tập tục của người nông dân quê tôi. Nhưng, nhìn vào đống lúa lép của một gia đình đang un cũng đủ biết vụ mùa ấy được hay mất. Nhìn vào đó, còn thấy cả gia đình ấy sẽ sum vầy bên những bữa cơm dù đạm bạc nhưng cũng yên lòng hay phải phập phồng lo chạy mượn gạo từng lon, mượn lúa từng ang một. Bình dị lắm nhưng những đống lúa lép sau một mùa gặt mang cả tâm tư, cảnh ngộ của từng gia đình mà cái ăn chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng.

Người ta có thể cảm nhận được mùa màng ngay từ lúc lúa vừa trổ, chín hoặc khi tuốt, khi phơi. Dịch hại, sâu bệnh, thất bát nhiều khi làm người nông dân cảm thấy chạnh lòng. Nhưng họ vẫn hy vọng, vẫn chờ mong cho đến lúc giê lúa, khi chắc lép đã phân định rõ ràng. Vui nhất là khi thấy đống lúa lép nhà mình ít hơn vụ trước, khi thấy dưới gió chiều lúc giê lúa, những hạt lúa lép chỉ lác đác bay ra. Và buồn nhất là lúc giê, phần lúa chắc còn lại trong nia, trong nong không đáng kể so với đống lúa lép bay ra ngoài.

Quanh đống lúa lép được un lên trước bữa cơm tối, những đứa trẻ con nhà quê bắt trò chơi những thú chơi dân gian, hát những bài đồng dao. Những người già thường bỏm bẻm nhai trầu, ngước nhìn làn khói lúa lép bay lên là là trong đêm và cũng là nhìn bầu trời xem thời tiết những ngày sắp tới như thế nào. Thường thì khi nấu cơm tối, các bà, các mẹ, các chị thường tiện thể ghé luôn quẹt lửa vào đống lúa lép. Nhà nào ngõ không xa sân, ăn cơm tối xong, bắc chiếc giường con ra, ngồi nói chuyện, uống nước chè và thưởng thức cái mùi lúa lép đang cháy dở. Sau một ngày mệt nhọc ruộng vườn, không gì thú bằng.

Cứ đi theo suốt cuộc đời làm ruộng của người nông dân, khép lại những mùa gặt nối tiếp nhau đem hạt lúa nuôi sống đời cơ cực, những đống lúa lép như một phần hồn không thể thiếu của làng quê tôi, và hẳn cũng là của những làng quê Việt Nam. Và khi chúng được đốt đi, khi những làn khói bắt đầu tìm về trời đêm, những hy vọng mới cho một vụ mùa mới cũng bắt đầu được nhen nhóm. Nhà nào không may mất mùa thì mong đống lúa lép của mình mùa sau ít hơn, khói lúa lép nhà mình mùa sau bớt cay hơn. Nhà nào được mùa thì cũng mong làn khói lúa lép nhà mình mùa sau đừng kéo dài thêm. Và cũng không quên cầu mong mọi người trong xóm cùng được mùa, cùng vui khi đống lúa lép mùa sau un xong.

Đêm, đi về tới ngõ đã nghe mắt cay xè. Dù suốt gần chục mùa qua, đống lúa lép nhà tôi un mỗi lúc càng nhiều lên nhưng ba mẹ không bỏ ruộng. Vẫn một niềm tin vào hạt lúa, vào đường cày nhát cuốc, những người nông dân như ba, như mẹ, như bà con lối xóm quê tôi hằng ngày bám ruộng, bám lấy mạch sống ngàn đời nay. Và khi khói un lúa lép bay lên trời, niềm tin ấy lại càng vững vàng hơn.

Nguyễn Thành Giang


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bên phố ngày mưa
10:01, 27/09/2013
Người cùng thành phố
21:39, 25/09/2013
Mưa đêm
16:51, 25/09/2013
Hàng cau trước ngõ
22:17, 21/09/2013
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.