Multimedia Đọc Báo in

Đi cùng tiếng ve

09:33, 05/04/2014
Trong cái nắng oi nồng của Tây Nguyên đã nghe tiếng ve đâu đó vọng lại. Lác đác trong sân trường những mắt phượng chớm đỏ. Chợt thấy nôn nao khi nhận ra hạ đang về. Tiếng ve mang trong nó bao cảm xúc. Trong nắng chói chang âm thanh quen thuộc ấy khiến ánh mắt học trò nhìn nhau phân vân vui buồn. Lớp học cuối cấp chợt chùng xuống khi nhận ra tiếng ve đi vào phòng học và đang đi vào hồn người mang theo cảm xúc rưng rưng khó gọi tên. Chỉ biết ánh mắt học trò nhìn nhau dịu dàng thiết tha hơn. Với người đã đi qua thời tuổi ngọc như tôi tiếng ve cũng có sức lay động ngân vang khiến lòng mình bâng khuâng một nỗi niềm. Nhớ kỷ niệm xanh ngát thơ ngây, nhớ những trăn trở lo toan và cả rung động thơ ngây vì đi cùng tiếng ve có biết bao hoài niệm.
                           Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Đi cùng tiếng ve là cơn mưa mùa hạ ầm ào như suối lũ. Mưa Tây Nguyên trắng cả núi đồi, mưa tạo thành những dòng chảy ven đường và mưa đổ tràn tiếng cười lên cơ thể bọn trẻ tắm mưa như chúng tôi. Cứ mỗi trưa nắng gắt, tiếng ve kêu dồn là chiều đó có mưa lớn, lại hăm hở hẹn nhau tắm mưa. Niềm vui của trẻ con đồng quê ngày ấy đơn giản đến tội nghiệp. Cùng nhau chạy dọc đường làng dưới cơn mưa mùa hạ, tiếng cười giòn tan, ướt đẫm trong mưa. Những chiều tắm mưa dần trôi xa theo tuổi đời đi qua, chỉ còn tiếng ve ở lại. Nhắc nhớ mùa hạ đang đến, tiếng ve còn mang về nỗi lo công việc dọn cỏ, cuốc đất cho kịp mùa gieo tỉa khi những cơn mưa đến. Tiếng ve sân trường báo trước ngày tạm xa trường lớp, thầy cô và bạn bè. Tiếng ve trong nắng chiều đầu hạ oi nồng như thúc giục tay cuốc, tay cào dọn đất cho kịp đón mưa cho mùa gieo tỉa thuận lợi. Tuổi thơ ở quê tóc hoe vàng vì nắng. Nước da đen nhẻm, bàn tay chai sần khi tuổi đời chưa đủ lớn. Nhưng sao ngày ấy lòng không buồn phiền mà còn rạo rực ước mơ cao vời?

Đi cùng tiếng ve trường huyện là nỗi lo của những học sinh đường xa như chúng tôi ngày ấy. Cùng nhau rong ruổi đạp xe trên con đường đất đỏ hơn bảy cây số đến trường, tiếng ve mang về ước mộng nên thơ nhưng cũng gợi nỗi lo khi mưa mùa hạ sắp đến. Con đường đất đỏ badan chúng tôi đi ngày ấy, trời nắng thì bụi mù mịt, khi mưa xong thì đất dính bết vào bánh xe không thể đi được. Ngồi trong lớp nhìn trời đổ mưa, ánh mắt đứa nào cũng không giấu được nỗi lo lắng. Có hôm đẩy trượt bánh xa trên đường, khi thì phải vác xe đạp trên vai. Có đứa bạn khỏe mạnh lần lượt khi vác, khi đẩy xe cho mấy cô bạn. Vô tư giúp nhau ngày ấy mà bây giờ nhắc lại đứa nào cũng thấy ấm lòng vì tình thương hồn nhiên trong veo giữa bao cơ cực ngày qua.

Đi cùng tiếng ve là vẻ mặt bâng khuâng, ánh mắt đượm buồn của cả bọn khi học nhóm cùng nhau. Tiếng ve trước sân nhà cứ làm đôi mắt đứa nào cũng nhìn xa, tránh nhìn nhau như sợ chạm vào nỗi buồn chia tay. Tiếng ve năm ấy đánh dấu cuộc chia tay tuổi học trò hoa mộng. Đứa lên đường theo đuổi ước mơ đèn sách, đứa đi xa làm ăn như đã trưởng thành. Tôi quay về với ruộng đồng mang theo bao kỷ niệm đẹp đi cùng tiếng ve, mỗi độ hạ về lại nôn nao nỗi nhớ.

Đi cùng tiếng ve trong những buổi dọn đất gieo tỉa là nỗi nhớ đến cồn cào bao kỷ niệm ngày xưa. Có buổi trưa nằm dưới gốc cây rừng mà nghe như tiếng ve đi vào hồn mình và đang xới tung lên kỷ niệm cũ. Chợt nhận ra kỷ niệm vẫn ăm ắp đầy và ước mơ vẫn tươi mới như ngày xưa. Và, đi cùng tiếng ve trong tôi là quyết tâm đi tiếp con đường mơ ước còn dang dở. Có một mùa ve ngân tôi thực hiện được ước mơ vào đại học. Từ đó đi cùng tiếng ve còn có niềm vui khi trở thành sinh viên.

Hạ đang về, đi cùng tiếng ve là bao nỗi nhớ thương. Nhớ nắng sân trường, nhớ niềm vui và nỗi lo thơ trẻ, nhớ cả khát vọng ngày nào được tiếng ve nhắc nhớ và thúc giục trở thành hiện thực hôm nay.

Lê Quang Thọ


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Cháy bừng hoa gạo
08:45, 29/03/2014
Tự khúc tháng ba...
15:28, 26/03/2014
Gánh rau của bà
15:27, 26/03/2014
Mùa hoa vàng nơi ấy
12:44, 22/03/2014
Bàn tay mẹ
07:20, 08/03/2014
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.