Multimedia Đọc Báo in

Mùa đốt đồng

10:57, 30/06/2014
Mùa gặt lại về. Từ sáng sớm đã nghe tiếng cười nói của người đi qua ngõ nhỏ, tiếng máy cắt lúa rồ rồ ở ngoài đồng xa. Thoảng trong gió nghe mùi hương lúa chín, làm ta thấy nôn nao quá. Mặc cho ta không còn bé, để lông nhông ngoài đồng phơi nắng, tóc cháy sém một màu vàng úa. Chỉ biết rằng, mùa gặt đến cũng là mùa nghỉ hè, mùa của những nỗi nhớ bâng quơ khó tả, như ngọn khói chiều chạm cánh mù u.

Chiều tà vội vã kéo đến. Những tia nắng yếu ớt, bịn rịn chia tay mấy chú chim sẻ trên ngọn tre đầu làng. Ngày qua đi vội quá. Cứ mỗi khi chiều về, là cả cái xóm nhỏ lại nhộn nhịp ra đồng đốt rơm sau vụ thu hoạch. Dù được mùa hay mất mùa, thì cái thói quen này vẫn lặp đi lặp lại đối với người dân quê tôi. Không biết tục lệ đó có từ khi nào, chỉ biết tuổi thơ tôi và cả bây giờ nữa, mùa nào, năm nào cũng theo chân mẹ lên ruộng gom rơm để đốt đồng. Những thân lúa, sau khi gặt xong được phơi khô. Có người mang về chất thành đống rơm sau nhà, để dự trữ mùa mưa bão. Có người đốt hết rơm ngay trên ruộng mình để tạo ra tro, chờ mưa xuống sẽ ngấm vào đất làm chất dinh dưỡng nuôi cây lúa mùa sau.

Minh Họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Những thân rạ đốt dở, còn sót lại chỉ cần một trận mưa nhỏ, thì từ những thân rạ đó sẽ mọc ra chi chít nấm rơm lớn bé ngọt lịm. Khói đốt đồng bay vào mắt cay xè. Làn khói tưởng chừng như mỏng manh, dễ vỡ nhưng đủ sức để đưa ta về những gì đã thuộc dĩ vãng, thuộc về kỷ niệm tuổi thơ. Làn khói ấy đủ sức níu chân của những kẻ lãng du, lang bạt xa quê, để ta khó có thể nhận ra rằng, đó là những giọt nước mắt của kẻ đi xa hay là vì khói chiều làm cay xè, mỗi khi ngang qua một cánh đồng quê. Cái mùi khói ngai ngái, nồng nàn của hương đất, hương đồng. Mùi khói như một người tình chung thủy, mỏng manh lắm nhưng bám dai dẳng vào nỗi nhớ, vào trái tim chan chứa yêu thương.

Tôi may mắn được sinh ra ở một làng nhỏ của miền Trung. Tuổi thơ tôi được quyện chặt bởi những loại khói. Từ khói bếp buổi sớm của mẹ, đến khói đốt đồng, khói un những đốt lúa lép, hay ngọn khói tàn trong đêm ba mươi tết nấu bánh chưng, ngọn khói theo thời gian làm tóc mẹ, tóc bà thêm bạc, thêm phần lam lũ. Và định nghĩa về “khói quê” không bao giờ nhạt nhòa trong ký ức của tôi.

Tuổi thơ của tôi không được biết đến những chiếc đu quay, những trò chơi hay con vật sặc sỡ ngộ nghĩnh ở công viên. Mà chúng tôi chỉ biết quanh quẩn bên đống…lúa lép mỗi khi mùa gặt đến. Mẹ tôi thường nhen nhóm đống lúa lép, ở một góc vườn mỗi khi chiều về. Chúng tôi tha thẩn với củ khoai, củ sắn lùi vội trong đống lửa ấy. Vị ngọt của khoai nướng, cộng với mùi khói bay vào mắt cay xè đã lấn át đi những câu mắng của mẹ, như “chơi với lửa sẽ rất dễ bỏng tay”.

Mỗi năm có hai mùa để cánh đồng bạt ngàn khói. Còn với bà, với mẹ tôi thì sáng nào cũng có khói bếp, điều đó làm tôi không mặn mà lắm. Tôi vẫn thích mùi khói un lúa lép. Chúng bay tà tà, vương vấn trên tóc, trên quần áo của người đốt. Và tiếng nổ lép bép nghe vui tai.

Và những làn khói như vô tình ấy đã đi sâu vào nỗi nhớ của những cô bé, cậu bé chăn trâu ngày nào đến tận chân trời xa xôi. Lũ bạn chơi với tôi ngày ấy, bây giờ đã vào Nam ra Bắc lập nghiệp. Còn tôi, tôi ở lại làm cô giáo trường làng. Một buổi đi dạy, buổi ở nhà phụ công việc đồng áng giúp mẹ. Tôi “chôn chân” ở quê nhà ngày này qua tháng khác. Cuộc đời đi dạy của tôi được đo bởi những mùa thi, những mùa un lúa lép!

Chiều nay tôi lại vội vã theo mẹ ra đồng, khói đốt đồng, khói của những đống lúa lép làm mắt tôi cay xè. Lại một mùa thi, một mùa khói đồng nữa trôi qua, tôi cũng sắp thêm một tuổi. Mẹ tôi kể lại rằng, cũng mùa nắng chói chang, cũng mùa đốt khói đồng cách đây hăm mấy năm về trước, mẹ đã sinh tôi ra, trong khi ở cuối vườn bà tôi vẫn un một đống lúa lép tỏa khói, giữa tiếng khóc chào đời của tôi.

Và có lẽ, cuộc đời của tôi đã gắn chặt với những làn khói quê từ thuở ấy!

Thân Thị Thanh Trâm


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Tình Biển
09:06, 29/06/2014
Tiếng rao khuya
09:02, 29/06/2014
Chiều ngoại ô
16:23, 22/06/2014
Sông quê
16:20, 22/06/2014
Phố trong tôi
08:57, 15/06/2014
Con kênh tuổi thơ
09:44, 08/06/2014