Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những mùa trăng cũ

10:45, 29/09/2014

Mùa Trung thu - mùa thu gợi nhiều thương nhớ trong lòng người lớn nhưng lại là mùa đong đầy kỷ niệm của tuổi thơ…

Ngay từ sau lễ Vu lan, bánh Trung thu đã được bày bán trên khắp các tuyến đường, những chiếc bánh nướng được bày bán đẹp mắt, đặt trong những hộp quà sang trọng nhưng giá của nó không hề rẻ tí nào. Nghe đâu có hộp, giá đến cả tháng lương của công chức ?! Và dĩ nhiên, không thể thiếu những chiếc lồng đèn xinh xắn, rực rỡ sắc màu bắt đầu được người bán bày la liệt: từ đèn ông sao, cá chép, lồng đèn giấy truyền thống đến chiếc đèn chạy pin đủ kiểu, đủ màu với những bản nhạc Trung thu nghe vui tai được cất lên rộn ràng cùng lúc với ánh đèn nhấp nháy. Những sắc màu ấy như hòa quyện, tạo cho nền trời Ban Mê thêm một sức sống. Đi giữa mùa Trung thu trên phố hội đông người, lòng chợt nhớ về những mùa trăng cũ nơi ngõ làng quê. Có cái gì đó vui nhộn, háo hức của con trẻ ùa về…

Trung thu của trẻ con nhà nghèo dưới huyện chẳng “sang” như trẻ thành phố, bởi chẳng có những chiếc bánh Kinh Đô, Đồng Khánh, Bibica… thơm ngon, đắt tiền, cũng không lấy đâu ra mấy cái lồng đèn chạy pin nhấp nháy, có tiếng nhạc vui nhộn, nhưng lại mang một dư vị rất lạ. Bánh trung thu chỉ là những chiếc bánh ngọt rẻ tiền, nếu năm nào mùa màng dư dả thì trẻ con được ba mẹ mua cho chiếc bánh nướng có hình giống chiếc bánh trung thu bây giờ, song, nhỏ hơn, đủ nằm gọn trong lòng bàn tay con trẻ để phá cỗ. Khoảng trước Trung thu một tuần, trẻ con được bố mẹ hoặc người lớn trong nhà ngồi tỉ mỉ vót tre, mua giấy ngũ sắc về tự làm lồng đèn, phần lớn là lồng đèn ngôi sao năm cánh, bánh ú, vì kiểu này đơn giản, dễ làm chứ những kiểu như hình cá chép, con ong… khá phức tạp, rất ít người biết làm, có gắn đèn cầy ở giữa để thắp sáng. Còn nhớ, có năm, thấy trẻ em ở thành phố có chiếc lồng đèn chạy pin, khi bật thì nhạc cất lên vui nhộn với ánh đèn nhấp nháy, người anh lớn của chúng tôi cũng học theo, về hì hục cả buổi chiều tìm mua chiếc banh nhựa rồi khoét một lỗ nhỏ xâu bóng đèn quả ớt vào, đầu còn lại dùng dây kẽm buộc hai thanh tre dài để tiện tay nắm đi, bên trong nẹp bốn cục pin tiểu có sợi dây điện nối với bóng đèn, khi mối dây diện được nối lại ở hai đầu pin thì đèn cũng sáng lung linh, trông rất đẹp mắt, chỉ có điều không lấy đâu ra tiếng nhạc kêu leng keng !. Đó là chiếc đèn “độc nhất vô nhị” mà mấy anh em chúng tôi có được trong mùa Trung thu năm ấy. Cầm đèn tự chế trong tay mà lòng sướng rơn, thế là từ đó, chẳng thấy đứa trẻ nào trong nhà còn mơ ước đến chiếc lồng đèn xanh, đỏ nhấp nháy bán ngoài chợ nữa.

Khi những chiếc lồng đèn đã hoàn thành thì lũ trẻ con chỉ còn ngồi đếm từng ngày, chỉ chờ đến ngày 12, 13- 8 âm lịch để được xách đèn đi coi múa lân. Và khi giờ “hoàng đạo” đã đến, lũ trẻ ăn cơm và thay quần áo đẹp từ sớm, chập tối đã tụ năm tụ bảy thành từng nhóm, đi xem lân. Đêm trăng thôn quê bàng bạc chiếu ánh sáng xuống nền đất, trẻ con í ới gọi nhau, tiếng cười giòn tan rộn lên trong đêm vắng. Lâu lâu tụi nhỏ lại đứng quây quần, chụm đầu vào nhau che gió để mồi lửa thắp sáng vì đèn bị tắt. Cũng có những đứa trẻ vô ý để cây đèn cầy bị ngã làm cháy sém hai bên hông lồng đèn, tiếc đến ngẩn ngơ, thế nhưng tối hôm sau vẫn hồn nhiên xách chiếc lồng đèn bị cháy nham nhở đi chơi. Hầu như năm nào cũng vậy, Trung thu ở quê thường hay có mưa rả rích, mỗi lần như thế, những đứa trẻ lại cuống cuồng cong người xuống vừa chạy vừa che đèn vì sợ bị nước lọt vô, làm bong đi lớp giấy ngũ sắc dán keo, lồng  đèn sẽ bị hỏng.

Trung thu mỗi năm một khác, hiếm còn thấy những chiếc lồng đèn tự làm bằng giấy màu ngũ sắc, cũng không có cảnh trẻ em nối đuôi nhau trên những con đường làng tay xách lồng đèn đi coi lân mà phần lớn đều được người lớn dắt đi cùng. Còn bánh trung thu thì chỉ cần ăn đến miếng thứ hai đã thấy ngán, bởi có quá nhiều vị trong đó, thậm chí toàn “của” đắt tiền như vi cá, gà quay, hạnh nhân. Trung thu không còn là tết dành cho trẻ con nữa, người lớn đã chen vào với những hộp bánh đắt tiền, dành để biếu xén nhau… Đã bao mùa Trung thu qua ngang phố, ngắm nhìn dòng người chen chúc nhau mua quà, bánh, những lúc như thế, lòng lại thấy xốn xang, nhớ về những mùa trăng cũ quá đỗi…

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Khói nhớ
10:01, 27/09/2014
Chợ cóc
09:55, 19/09/2014
Ký ức đồng dao
15:01, 14/09/2014
Thương cây lúa đồng
19:39, 07/09/2014
Nhớ tiếng gà quê...
09:04, 30/08/2014