Multimedia Đọc Báo in

Nổi trôi lục bình

14:47, 24/10/2014
Lục bình sống theo con nước, gắn kết như máu và thịt, như cây và cành, như cuộc sống rày đây mai đó của cư dân miền sông nước. Lặng lẽ âm thầm duy trì sự sống bằng sức chịu đựng dẻo dai, bằng bản năng vốn có để sinh sôi phát triển.

Từng cụm, từng giề hay riêng lẻ thì lục bình vẫn sống và sinh sôi. Với thân xốp luôn nổi nên lục bình là “tay bơi” tài hoa bậc nhất của miền sông nước. Với lá xanh ngắt, to bản và hơi dày là lá phổi do thiên nhiên ban tặng nên lục bình luôn nhìn về phía mặt trời để đón nhận ánh sáng, mở lòng ra để hứng những hạt mưa mùa mà sấm sét đã kịp hòa vào đó nguồn ni tơ vô tận của bầu trời. Rể bơi ngầm trong nước đón lõng phù sa. Hoa màu tím nhạt, mỏng manh dễ bầm dập. Không thơm, không rực rỡ như hoa sen, hoa súng nhưng lục bình đã trao cho thi ca nguồn cảm hứng vô bờ. “ Thân em như đám lục bình, lênh đênh theo những dòng tình ngược xuôi ” là một phác họa khá hoàn chỉnh về loại cây sống trôi nổi trên sông hồ này.

Bởi gắn liền với sông nước nên lục bình hầu như có mặt khắp nơi. Từ trong ao hồ, ngoài sông rạch cho đến các đầm, phá lục bình cho người quê chất mùn để bón ruộng, làm thức ăn cho gia súc và đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ xinh đẹp và bền như thảm, tranh tường, giỏ xách…

Thu hái lục bình về phơi khô, chọn phần thân để có sợi dài nhất, xong nhuộm màu và se lại rồi đan hay dệt thành sản phẩm. Sản phẩm làm từ sợi lục bình khá bền, giá cả phải chăng bởi nguồn nguyên liệu phong phú và rẻ. Sợi se từ lục bình mềm, dễ nhuộm màu, dễ tạo dáng nên sản phẩm luôn được cải tiến theo thị hiếu người tiêu dùng. Lục bình đã đi vào ca dao, tục ngữ, nằm lòng người dân miền sông nước nhưng không có nhiều người biết về những sản phẩm mỹ nghệ làm từ chúng mà mua sắm chúng. Đó là sự thiệt thòi. 

Đến nơi này, ta được chiêm ngưỡng cuộc sống náo nhiệt trên những con đò ở các chợ nổi như Cái Răng, Phụng Hiệp, Cái Bè và nhiều nơi khác. Cũng có nhiều mảnh đời thăng trầm nổi trôi như lục bình. Chiếc đò là cơ nghiệp của họ. Nơi nào thấy sinh sống được thì neo lại buôn bán, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái. Nơi nào không buôn bán được thì lại ra đi. Cuộc đời họ có khác gì với lục bình kia đâu. Cũng xanh tươi mơn mởn, cũng già úa héo tàn… Khác chăng là lục bình không phải ăn bữa này lo bữa nọ, không phải lúc nào cũng trôi xuôi theo chiều con nước. Lo mẹ già, con dại, lo ăn, lo học trăm thứ đổ lên đầu con đò cũ kỹ già nua, còn thiên nhiên thì ngày càng khắc nghiệt, lũ quét, lũ cuồng chèo chống để giữ được nó giữa mênh mông sóng nước là cả một vấn đề bởi sức lực con người cũng chỉ có hạn. Vất vả gian lao là thế nhưng nụ cười luôn nở trên môi, mến khách, dễ gần nên hình ảnh người Nam Bộ luôn sống trong ta dù chỉ một lần gặp.

Sẽ là khó khăn khi phải chọn sống bon chen nơi thị thành hay thanh thản trên những con đò lênh đênh đây đó. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, người quen cuộc đời nổi trôi như lục bình vẫn chọn con đò và cuộc sống trên sông dẫu vất vả gian lao, tương lai mịt mờ.

Lục bình ơi, ta yêu kiếp nghèo và thân phận nổi nênh của lục bình nhiều lắm. “ Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, thương những đời như lục bình trôi ” của Vũ Đức Sao Biển sao mà bi ai thế, da diết thế. Để rồi khi xa lòng ta luôn đau đáu nhớ về.

Lý Thị Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Chiều mưa qua phố
12:55, 18/10/2014
Thương nhớ chợ quê
09:49, 03/10/2014
Ký ức mùa lũ
08:38, 02/10/2014
Thương lũy tre làng
08:41, 01/10/2014
Khói nhớ
10:01, 27/09/2014