Xin lửa
Lửa là sự sống như cơm ăn, nước uống của con người. Lửa được tôn vinh là vị thần mang lại văn minh sơ khai cho loài người khi còn ăn lông ở lỗ. Có một thời miền quê sống kham khổ. Đá lửa, tim đèn, dầu lửa khan hiếm, người ta ủ lửa từ bếp than hồng để dành dùng cho ngày sau. Bếp lửa chiều đông có tiếng nổ lép bép vui tai của than củi, có tiếng sôi sùng sục của nồi khoai lang, khoai hạ, khoai mài… Và có tiếng nói trầm ấm của mẹ hiền, làm vơi đi tiếng gió gào rú, tiếng mưa rần rật bên ngoài. Lửa làm cho con người ta xít lại gần nhau trong cộng đồng và trong mỗi gia đình cụ thể.
Ngày xưa, mỗi lần nấu nướng xong, bao giờ mẹ cũng vùi những than hồng vào tro để giữ lửa đến tận ngày hôm sau nối dài sự sống. Ấy thế, đôi khi những đốm than hồng trong bếp hao gầy, thoi thóp. Mẹ xoa đầu tôi âu yếm: “Thằng Út sang nhà dì Ba xin tí lửa cho mẹ nấu cơm. Mẹ sẽ dành cho cơm cháy nồi đồng”. Tôi thường nêu thêm điều kiện nho nhỏ trước khi đi xin lửa. Chẳng hạn: “Con đi xin lửa, mẹ thưởng cho con củ sắn nước, trái dưa leo… mẹ nhé!”. Mẹ thường cốc nhẹ trên đầu, mắng yêu: “Chó con tham ăn của mẹ cứ đi nhanh rồi về mẹ sẽ cho ngay”. Tôi tìm vỏ dừa khô, chạy một mạch đến nhà hàng xóm xin lửa. Trên đường về, tôi còn chu môi thổi phù phù những than lửa bụ bẫm cho chắc ăn. Mẹ để dành cho tôi củ sắn nước đã lột vỏ, rửa sạch, trắng bóng, hoặc trái dưa leo bằng cán dao đít teo, bụng nở hấp dẫn phải biết.
Những lần nhà tôi hết đá lửa, tim đèn đột ngột, trời tối om. Cha mày mò tim đèn, đá lửa không xong. Mẹ động viên tôi, giọng ngọt như mật ong: “Út, sang nhà dì Ba mồi đèn cho mẹ, mẹ thương!”. Tôi nghe mát ruột là đi liền. Dì Ba thấy tôi mon men vào sân, giọng xởi lởi: “Út vào đây dì mồi lửa cho con!”. Tôi ngoan ngoãn trao cái đèn hột vịt cho dì Ba. Dì vào nhà, nhoáng một cái là bưng đèn ra trao cho tôi. Lại còn căn dặn: “Út đi chầm chậm, dùng tay che đèn kẻo gió tắt nghe chưa”. Tôi dạ một cái rõ to, có khi mẹ tôi ở nhà cũng nghe thấy.
Ở miền quê thời xa ngái, chuyện nhà này đi mồi đèn nhà kia là chuyện thường ngày ở xóm. Sau này, lớn lên tôi mới hiểu cả nghĩa đen và nghĩa bóng của câu nói bình dị mà thấm đẫm nghĩa tình của người miền quê: “Bà con hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.
Bây giờ trẻ con nghe kể lại chuyện xin lửa, giữ lửa, mồi đèn… có khi con cháu mình nghĩ đó là chuyện cổ tích xa xưa!
Trần Quốc Cưỡng
Ý kiến bạn đọc