Multimedia Đọc Báo in

Thương làn khói bếp chiều mưa

09:02, 30/12/2015
Mưa và cái lạnh tràn về đẩy chiều đi nhanh hơn vào đêm. Con nhỏ dại cứ như ngày thơ bé, mong chợ mẹ từ ngoài đồng về, nhóm bếp.
 
Bếp lửa ngày mưa mẹ đã nhen như thế, qua biết bao năm tháng trong cuộc đời, từ lúc còn con gái, đến khi làm vợ, làm mẹ, rồi làm bà. Con lang bạt tứ phương rồi cũng yếu lòng, lại men theo làn khói bếp mà tìm về với mẹ, với quê nhà mùa mưa. Bởi chẳng nơi đâu ấm áp bằng nhà mình, bằng bếp lửa khói lên chiều mưa in dấu vào lòng con.

Có nhiều điều làm con thương mẹ, thương sự chịu đựng, thương đức hy sinh của một người phụ nữ suốt đời tần tảo lo cho gia đình. Nhưng có lẽ, chạm sâu vào tim con nhất là những làn khói bếp chiều mưa mùa lạnh. Nó len lỏi sâu vào những giác quan của con và cứ trú ẩn mãi nơi đó. Để rồi, trở thành một lời nhắc nhở, một niềm thương không bao giờ phai. Để rồi, mỗi khi chiều mưa lạnh chùng xuống, con dù ở nơi đâu, khi mắt chạm vào làn khói bếp nhà ai đó, lòng lại rưng rưng bao nỗi nhớ thương mẹ cha nơi đồng bãi quê nhà.

 Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Và con lại nhớ bàn tay mẹ run run bẻ từng nhánh củi chưa ráo hết nước mưa để nhen thêm vào bếp lửa. Vừa ở ngoài đồng lạnh về với bộ áo quần cũng đã thấm đầy mưa. Đa phần là những chiều mưa như thế, ba mẹ đã chịu lạnh, chịu ướt để làm đến tối, bởi áo mưa thì rách đi vá lại mấy lần, nón cời thì cũng mong manh trước gió mưa. Áo ấm thì làm gì có giữa cái buổi gieo neo lắm nỗi ấy. Mẹ run lên khi ánh lửa đầu tiên truyền chút hơi ấm chập chờn ra cả quanh chái bếp. Khi cái run vì lạnh đã bớt đi thì ngay lập tức hai mắt mẹ đã chìm sâu vào màn khói củi lửa bay lên. Bập bùng lửa, cay xè khói, lộp bộp mưa. Tất cả cùng nhau nhòe thành một đêm mùa lạnh, bên bếp lửa, bên mẹ, và bên cả thằng con trai khờ khạo cứ ưng mùi khói ấy.

Con chắc mình may mắn hơn nhiều người khác, bởi đến tuổi này vẫn còn có mẹ, vẫn được cùng mẹ nhen lửa củi trong những chiều mưa lạnh. Bếp nhà mình giờ đã xây lại, củi cũng không còn ướt nhiều như trước. Và khói cũng bớt đi độ cay xoáy vào cuống phổi như nhiều năm trước. Nhưng mẹ thì vẫn thế. Vẫn dầm trong mưa lạnh cả ngày ngoài đồng và chiều tối về tranh thủ vào nhen củi lên lửa như một thói quen, và cũng là một chức phận. Chỉ trừ những ngày đau nặng, chưa bao giờ mẹ rời bếp lửa nhà mình, chưa bao giờ rời làn khói bếp cay cay quyện trong mưa chiều gió bấc. Bóng mẹ in vào vách bếp, ngả theo màn lửa chập chờn cứ thấp thỏm trong tâm trí con những lúc xa nhà. Rồi đó như một tín hiệu tâm linh nhấp nháy gọi con về. Và con biết, mình chẳng thể nào đi xa quá lâu bếp lửa và làn khói mẹ nhen lên từ tình yêu thương, từ những nỗi lo rất bình dị mà sâu nặng lắm.

Cũng may là đèn đường xanh đỏ, nhấp nháy những phù hoa chưa đủ sức kéo con về phố xá ồn ào dưới kia. Để hồn con vẫn còn gìn giữ được những hồn cốt quê hương tổ tiên truyền lại qua bàn tay mẹ, qua những câu hát ru, qua những câu chuyện kể bên bữa ăn nghèo khoai rau đạm bạc. May mà con chưa khoác lên mình tấm áo phù vân ông này bà nọ, để lượt là xe cộ nhà cao đua chen cùng mọi người. Bởi có lẽ lúc ấy, con không chắc mình có còn cơ hội tìm về và ở lâu với làn khói bếp chiều mưa của mẹ hay không. Cho đến giờ, con vẫn là thằng bé ngu ngơ của mẹ, giữa thế gian lắm người đang chen chúc với giàu sang, danh vọng.

Thương làn khói bếp chiều lạnh quyện vào mưa bao nhiêu thì con thương mẹ bấy nhiêu. Khói chiều nay chưa lên mà mắt con đã cay xè mẹ ơi!

Thành Giang


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Màu đông cho em
16:19, 29/12/2015
Ký ức đồng làng
16:02, 19/12/2015
Đông ghé ngang trời
06:47, 13/12/2015
Bữa cơm chiều đông
11:02, 29/11/2015
Trong veo bóng nhớ
10:54, 29/11/2015
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.