Multimedia Đọc Báo in

Thương nhớ chợ khuya

09:34, 10/03/2015
Ngày còn bé xíu tôi luôn hờn giận mẹ và lây sang ghét chợ. Bởi cứ tầm khuya khuya một chút mẹ lại bỏ tôi ngủ một mình để chạy chợ. Trong mắt tôi lúc đó chợ luôn là một ẩn số và rất huyền bí. Tôi ước muốn một lần được tận mắt thấy chợ khuya thế nào, người ta buôn bán ra làm sao? Tôi chợp mắt sau khi mẹ đi, trong đầu vẫn nảy lên ý nghĩ sáng mai dậy thật sớm chạy ra xem chợ. Vậy mà, sáng ra chợ đã vãn lúc nào không hay…

Chợ khuya họp ngay trên gò đất trống ven sông. Mùa hè hơi nước từ sông hắt lên mát rượi. Còn mùa đông lại lạnh cóng đến tê người. Chợ họp đều đặn hai ngày một lần vào các ngày lẻ. Người họp chợ đa phần là dân nghèo mấy thôn lân cận. Họ họp chợ khuya để ban ngày tranh thủ làm đồng, lên nương.

Hàng hóa chợ khuya tuy ít nhưng rất đa dạng. Từ mớ gò gai bé xíu, ít trứng gà cho tới các vật dụng dùng gia đình như rổ, rá… Nhưng chủ yếu vẫn là “cây nhà lá vườn” người dân làm được mang ra trao đổi lẫn nhau. Ngày xưa để ra chợ đúng giờ mẹ phải canh từng chuyến tàu chạy, tiếng gà gáy. Đêm đông, mẹ trở mình khe khẽ tránh tiếng động để các con được ngủ no giấc.

Khi ý thức được phải phụ giúp việc gia đình tôi bắt đầu theo mẹ ra chợ. Tôi gánh hàng, bày hàng cho mẹ bán xong rồi lại về. Những hôm cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì tôi thức luôn với chợ. Lần đầu tiên ở chợ tôi háo hức như ước mơ ngày bé. Dạo quanh một vòng chợ đêm, sự huyền bí của chợ khuya bắt đầu hiện ra. Chỗ này bán chuối, chỗ kia trưng chục chiếc chổi đót. Một góc khác là hàng bánh đúc phục vụ cho người dân ăn chống đói hay mua về làm quà sáng sớm cho trẻ con… Chợ lúc ấy vẫn chưa có ánh điện mà mỗi người đều sắm cho mình một chiếc đèn dầu Hoa Kỳ.

                                               Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Tôi nhớ và thương đến xót lòng khi một cậu bạn cùng tuổi mang rổ rá ra chợ bán. Một phút bất cẩn, trong cơn buồn ngủ cậu bạn làm vương ngọn đèn dầu vào sản phẩm của mình. Khi dập được ngọn lửa, sản phẩm đã hư hại đáng kể. Trong ánh đèn dầu leo lét tôi thấy rõ hai hàng nước mắt đang lăn dài. Người ở chợ nhân từ, quyên góp mỗi người một chút cho cậu bạn bớt tủi buồn. Vậy đó, chợ khuya quê đong đầy tình yêu thương!

Chợ khuya quê tôi lúc ấy còn đọng lại trong tâm trí của tôi là một góc chợ sạch sẽ ngăn nắp. Những lá, những rác mỗi người đều có ý thức gom lại cuối buổi chất đống một góc, sáng mai phân loại.

Mảnh đất xưa chợ họp giờ người ta làm bến phà. Chợ được dịch chuyển tới chỗ khác xa hơn. Tuy cuộc sống có khấm khá hơn xưa nhưng mẹ tôi vẫn “trung thành” công việc cũ. Mẹ bảo, bao năm mẹ gắn bó với chợ khuya, nhịp sinh hoạt của mẹ đã quen thuộc, giờ từ bỏ thì nhớ và khó chịu lắm.

Tôi giờ đã khôn lớn, có công ăn việc làm ổn định trên phố. Mỗi lần về quê, tôi vẫn tranh thủ ghé chợ, phụ mẹ chở, sắp xếp một vài món đồ. Chợ khuya trong tôi vẫn là ký ức thanh bình nhất! Tôi trở về với chợ để sẻ chia sự vất vả, chia sẻ hơi sương đêm với mẹ, với bà con quê nghèo lam lũ khắc khổ. Chợ là niềm ân huệ với gia đình tôi. Tôi có được như ngày hôm nay cũng nhờ từ những buổi chợ khuya của mẹ. Suốt cuộc đời này tôi sẽ ghi nhớ ở trong lòng. Chợ khuya ơi, thương lắm!

Quyền Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.