Ca dao bếp
Ẩm thực là một trong những yếu tố làm nên vốn văn hóa cho một quốc gia, dân tộc. Mà ẩm thực vốn đi ra từ bếp chứ không phải từ những nơi lung linh, cao sang và quí phái. Ẩm thực xưa đi vào ca dao luôn gợi tình, gợi cảnh và gợi nhớ nhung... Hơn thế, lại là một “pho tri thức” hướng dẫn để mỗi một cô gái, lúc lớn lên, đến tuổi xuân thì hay khi về làm dâu nhà chồng, chỉ cần thuộc vài ba câu ca dao là biết cách nấu ăn. “Măng mai nấu với gà đồng/chơi nhau một mẻ xem chồng về ai ?”. Hay quá! Mùa mưa măng nhú lên vừa ngọt, vừa mềm. Còn gà đồng là (ếch) vừa béo, vừa nhiều - chỉ cần đập vài tép tỏi thêm vào cho thơm rồi xào với thịt ếch thì không gì ngon bằng. Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến người xưa nói: “Tình yêu có một phần bắt đầu từ miếng ngon cho vào miệng chạy xuống bao tử” quả không sai. Vì thế mà từ thời xa lắc, người phụ nữ với câu ca dao trên tràn trề tự tin khiêu chiến với tình địch bằng món ăn dân dã đó. Còn đây nữa: “Cá nục nấu với dưa hồng/ lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi!” cũng là miếng ngon khiến nhiều “đấng mày râu” phải xiêu lòng nếu như được “phận liễu” nào đó chăm chút, đãi đằng.
Tôi thích cách dạy dỗ của người xưa, ý nhị mà nhẹ nhàng nên cô gái nào cũng thuộc nằm lòng. Theo quan niệm văn hóa, gia giáo phương Đông, một cô gái không giỏi bếp núc, chợ búa thì chưa là một phụ nữ hoàn hảo. Nên chi mới có câu: “Trai khôn tìm vợ chợ đông/gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Có thể hiểu “chợ đông” là lúc nhộn nhịp nhất, nơi các cô gái thể hiện tài mua bán của mình… Ngẫm ra mới thấy các cụ xưa thật tài tình, chí lý, đúc kết bao nhiêu kinh nghiệm từ bếp ra chợ trong vài câu ca dao, tực ngữ chân chất và dễ hiểu, khiến ai cũng nhớ liền. Ví như “cần tái, cải nhừ, rau muống sột”, có nghĩa là rau cần thì vừa chín tái, rau cải phải chín nhừ, rau muống vừa chín tới là ngon nhất. Hay như “Con tôm kho mặn càng bùi/ cá mà kho mặn bốc mùi không ngon”, quả là những điều dạy dỗ trứ danh trong nữ công gia chánh.
Tiếc là bây giờ, những câu ca dao đi ra từ bếp núc ấy ít được những em xinh đẹp để ý nữa, thành ra “công, dung, ngôn, hạnh” cũng bớt đi phần hoàn hảo.
Phương Bối
Ý kiến bạn đọc