Multimedia Đọc Báo in

Bên thềm chiều ba mươi Tết

07:22, 27/01/2017

Qua Xuân rồi đến Hạ, Thu sang lại tới Đông. Cỗ máy thời gian cứ thế vận hành nhịp nhàng, nhịp nhàng từng thời khắc. Nhoáng một cái, chiều ba mươi Tết lại đến. Bao cảm xúc dồn nén ở trong lòng, miên man nỗi niềm bâng khuâng trước thời khắc chuyển giao năm mới.

Chiều ba mươi Tết không cần phải nhắc nhở, nhưng trong lòng mỗi người dường như đã hối hả, giục giã hơn. Cũng bởi lẽ năm cũ sắp qua, năm mới ghé sang, chuyện công, chuyện tư ai cũng muốn thật tươm tất, gọn gàng và không vướng bận. Đường phố đông vui người qua kẻ lại. Những nhành đào, nhành mai khoe sắc thắm dưới nắng vàng lung linh. Phố như khoác thêm chiếc áo mới sặc sỡ những gam màu tươi trẻ và đầy sức sống. Những chuyến tàu, chuyến xe tất tả ngược xuôi dòng người đi lễ và sắm Tết, vun vút xé gió lao về phía trước. Trên những thửa ruộng quê vẫn còn tiếng cày cuốc, cấy dặm của những người nông dân lam lũ một nắng hai sương. Chiều ba mươi Tết chợ còn họp đông đúc, qua lại kẻ bán người mua. Xa xa thấp thoáng trên gò cao, cánh đồng những cụ già dắt díu đàn cháu con trong họ mạc đang tảo mộ, thắp hương khấn vái tổ tiên về “ăn Tết”. Chiều ba mươi Tết như một bức tranh cỡ đại tổng thể cho làng quê Việt Nam với đủ các gam màu sống động về phong tục, văn hóa, sinh hoạt và nhịp sống hối hả. 

Trẻ con
Con trẻ háo hức đón Tết.

Những người con đất Việt, dù bận rộn tới đâu, dù có ra Bắc vô Nam, đi ngược về xuôi hay ở nơi nào trên khắp thế giới, tới chiều ba mươi Tết mỗi người lại hướng về quê hương của mình, nơi đó, có gia đình thân thương, có người cha người mẹ kính yêu đang ngóng chờ. Hạnh phúc làm sao khi được trở về quây quần bên các thành viên trong gia đình đầm ấm, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, trang trí từ gian phòng khách thật ấm cúng cho tới cổng ngõ. Sợi khói quê hương quyện cùng hương nhang trầm, hương hoa cúc, lay ơn thoang thoảng đến nồng nàn. Chiều ba mươi Tết dẫu có nghèo đói hay giàu sang cũng có chút đào, mai, quất làm cảnh, dăm ba cân thịt lợn treo góc bếp và khúc nhạc rộn ràng chào đón năm mới.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Bữa cơm chiều ba mươi Tết được coi là bữa cơm quan trọng nhất trong năm để những người trong gia đình sau một năm tất bật với những lo toan của cuộc sống, dù thuận lợi hay khó khăn, buồn vui hay khổ đau mọi người cùng nhau ngồi lại, quây quần để chia sẻ tâm tư, nỗi niềm. Cho dù lớp màu thời gian phủ kín lên những thứ nhạt nhòa. Giá trị của bữa cơm chiều ngày ba mươi Tết không bao giờ phai nhạt. Đó không đơn thuần là bữa cơm dùng chung với mọi người trong gia đình với nhau nữa mà mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Theo quan niệm truyền thống bữa cơm cuối cùng của năm là để tiễn biệt năm cũ, ăn xong người ta sẽ bỏ qua mọi muộn phiền của năm cũ, những giận hờn cũng sẽ xóa bỏ từ đây. Mâm cơm tất niên còn là tục lệ truyền thống rước ông Công ông Táo về lại nhà coi sóc việc bếp núc của gia chủ. Bởi vậy bữa cơm tất niên ngày cuối năm vì thế luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng. Đó cũng là lý do để quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của những con người xa quê mỗi khi xuân về. Cứ như thế, biết bao những vụn vặt lo toan thường ngày tan biến, nhường chỗ cho những niềm vui, những câu chuyện tâm tình và cả giọt nước mắt cảm động trong sự yêu thương.

Bên thềm chiều ba mươi Tết luôn là những ký ức đẹp trong lòng của mỗi người con đất Việt. Đặc biệt khi rời xa quê hương lại càng thấm thía hơn ý nghĩa, giá trị của gia đình, của chiều ba mươi đầm ấm, quây quần bên nhau. Như những vần thơ của một tác giả viết: Nơi có mẹ cha có ông bà anh chị/ Có cả xóm giềng và những người tri kỷ/Luôn cạnh bên chia sẻ nỗi vui buồn…

Cao Văn Quyền

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Thương lạ
08:51, 02/01/2017
Đường quê yêu dấu
14:25, 31/12/2016
Nỗi nhớ dã quỳ!
10:50, 31/12/2016
Thao thiết sông quê
10:48, 31/12/2016
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.