Multimedia Đọc Báo in

Mảnh vườn quê

15:35, 22/07/2017

Ở quê đất đai rộng lắm. Vì thế mà mảnh vườn nhà tôi cũng phong phú cây cối, hoa cỏ vô cùng. Nó không đơn thuần chỉ mang lại màu xanh tốt tươi hay bốn mùa hoa trái mà mỗi gốc cây được trồng xuống trong vườn đều chứa đựng tình yêu thương vô bờ mà cha mẹ đã dành cho chúng tôi.

Qua bao năm tháng, có nhiều loại hoa đã không còn, vài giống ổi ngon đã mất đi. Nhưng mỗi người trong gia đình đều có vài loại cây được trồng riêng theo sở thích. Chưa bao giờ bố mẹ tự tay chặt đi một cây nào, bởi từng lá từng cành đều chất chứa nhiều kỷ niệm. Mà trong câu chuyện của mình mẹ hay bắt đầu bằng câu: “Cái cây ấy dễ chừng cũng bằng tuổi mấy đứa rồi…”.

Cây ổi đào bằng tuổi thằng út. Mẹ chắc chắn như vậy là bởi vì buổi chiều  tháng tám năm ấy, mẹ đi làm đồng thấy cây ổi con mọc ở vệ đường nên bứng về trồng. Mẹ vừa đào hố cây vừa thủ thỉ chuyện trò với đứa nhỏ nằm trong bụng rằng “mẹ trồng để sau này con trèo cây hái quả”. Ngay đêm đó mẹ chuyển dạ, bố chạy đi gọi bà đỡ đầu làng, út chào đời khóc thét vang cả xóm nghèo. Còn hai gốc khế cơm thì bằng tuổi tôi, bố trồng nó để đứa con gái  rượu sau này mắc võng ngồi chải tóc. Cây vú sữa xù xì hơn anh tôi một tuổi, hoa ngày càng thưa, quả ngày càng hiếm, tán cây che kín cả khoảng sân phơi thóc của mẹ nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện chặt nó đi. Gốc mít già chứa đầy kỷ niệm ngày mẹ về làm dâu, đêm nhớ nhà trốn bố ra ngoài gốc cây thút thít. Vẫn gốc mít ấy ngày tôi đi lấy chồng mẹ cũng lén chạy ra lau nước mắt. Mấy chục năm trời đời cây cũng mưa nắng nào có kém đời người.

                                                                                        Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Bây giờ trong mảnh vườn của bố mẹ tôi dù đã chật nhưng vẫn được trồng thêm vài loại cây dành phần cho các cháu. Thằng cu Tí thích ăn na nhất nên bà đi chợ mỏi mắt tìm mua mấy cây na con. Cái Bống thích ăn hồng xiêm là thấy ở góc vườn xuất hiện vài cây mới. Chỗ ấy là nơi ông thường trồng ớt để ngâm măng, giờ ớt lụi rồi, ông cũng bảo già rồi không ăn cay nữa. Tôi đi lấy chồng xa nhưng bụi hương nhu trong vườn vẫn có bàn tay chăm tưới. Dù tóc tôi giờ làm xoăn, cắt ngắn nhưng mùa bồ kết nào mẹ cũng hái phơi nắng để dành. Thằng út cứ đi thì thôi, về đến nhà là chạy tót ra vườn, lúc thì lúi húi trong bụi nhót, khi vắt vẻo trên cây ổi, lúc lại thấy nó mỏi cổ cầm sào chọc bưởi. Bố vẫn cười bảo “thằng này con trai mà ham ăn vặt nhất nhà”. Nhưng cũng nhờ có út chăm chỉ trở về nên cây quả cũng bớt rụng nẫu vườn nhà. Mẹ chẳng bao giờ mang bán như nhà khác vì lúc nào cũng nghĩ các con sẽ về, nhỡ bán đi rồi chúng lại không có để ăn. Dù thực tế thì một năm chỉ có vài lần chúng tôi mới thu xếp được thời gian để về thăm. Lúc ấy có thể quả còn xanh, cũng có khi lúc về đến nhà thì quả cuối cùng cũng rụng xuống dưới chân, mùa đã tàn từ sương đêm, nắng sớm…

Nỗi nhớ cố hương trong mỗi người mỗi khác. Là hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình hay một dòng sông thơ mộng, hoặc cũng có thể là sân ga ngày vài ba lần tàu dừng bánh. Nhưng với riêng tôi thì tất cả những thương nhớ ấy đều lắng đọng trong mảnh vườn nhà. Nơi mỗi bữa cơm sum họp gia đình, bố lại bảo tôi chạy ra hái vài cái lá chanh rắc thịt gà cho thơm, vài cái lá tía tô để làm nồi ếch om chuối cho đúng vị. Hay khi con cháu đau nhức trong người là thể nào mẹ cũng tìm thấy một vài loại thuốc dân gian có trong vườn nhà vừa lành lại vừa nhanh khỏi. Cả hai hàng hoa thủy tiên thơm ngát, biết bao nhiêu năm nay vẫn chờ đợi chúng tôi về. Từng ấy thôi cũng đủ để nỗi nhớ trong tôi nhiều khi bật thành tiếng khóc…

Vũ Thị Huyền Trang


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Hương đồng
16:40, 15/07/2017
Nắng về ngang ngõ
08:53, 09/07/2017
Cây rơm tuổi thơ
15:45, 02/07/2017
Người làng
09:39, 26/06/2017
Dưới mái tranh quê
13:41, 18/06/2017
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.